Thắp sáng niềm tin từ lớp học xoá mù chữ

GD&TĐ - Ngày đi làm, tối đi học lớp xóa mù chữ đang trở thành "nền nếp" hàng ngày của một số bà con ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Lớp học xoá mù chữ được khai giảng tại huyện Đại Từ.
Lớp học xoá mù chữ được khai giảng tại huyện Đại Từ.

Giải bài toán về xoá mù chữ

Theo đó, công cuộc xóa mù chữ ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, tới nay bài toán về xoá mù chữ tại vùng khó đã và đang từng bước được giải quyết. Học viên lớp xóa mù chữ đủ mọi lứa tuổi nhưng đều có chung khát vọng học lấy cái chữ để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có mặt tại buổi khai giảng lớp xoá mù chữ do UBND huyện Đại Từ tổ chức, được gặp gỡ các học viên, mới thấy được khao khát đi tìm con chữ của bà con cũng như những nỗ lực trong quá trình dạy và học của giáo viên dạy lớp xoá mù chữ.

Trò chuyện với chị Dương Thị Bắc (SN: 1968) xóm Bầu 1, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, chị Bắc cho biết dù tuổi đã ngoài 50 tuổi nhưng chị Bắc vẫn chưa thành thạo tiếng Việt, việc tính toán đối với chị hoàn toàn nhờ bà con xóm giềng hỗ trợ, năm nay, huyện Đại Từ mở lớp “xoá mù chữ” mức 1, 2 cho người dân, nhận được thông tin tuyên truyền từ địa phương, chị Bắc đã quyết tâm vượt khó, tham gia lớp học với mong muốn sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ này, cuộc sống của chị sẽ bước sang "một trang mới".

Cũng giống như chị Bắc, việc cầm bút viết chữ đối với chị Nguyễn Thị Sáu (SN: 1966) xóm Bầu 1, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên khó khăn hơn nhiều so với việc làm thuê làm mướn, hay làm ruộng. Bởi tuổi đã gần 60, mắt đã kém, chân cũng đã chậm, nhưng được sự quan tâm, động viên từ chính quyền địa phương, thôn xóm và gia đình, chị Sáu đã tham gia lớp "xóa mù chữ" do phòng GD&ĐT huyện Đại Từ tổ chức.

Chị Sáu cho biết: Gia đình thuộc hộ nghèo, thu nhập rất thấp, lại không biết đọc biết viết nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Nếu biết đọc, biết viết, tôi sẽ tự tính toán, đọc tin tức cũng như có thể dạy con học, tự tin khi tham gia các hoạt động của làng xã.

Quan trọng hơn, nếu biết chữ, biết số, tôi sẽ biết cách tính toán để mua bán, sắp xếp lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình.

Các học viên lớp xoá mù chữ tại xã Văn Yên làm phép toán.

Các học viên lớp xoá mù chữ tại xã Văn Yên làm phép toán.

Tăng cường các giải pháp dạy học phù hợp

Là người trực tiếp dạy lớp xoá mù chữ tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ, cô giáo Lê Thị Mong, giáo viên trường Tiểu học Văn Yên chia sẻ: Trên cơ sở khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ tiến hành soạn giảng giáo án, lựa chọn phương pháp dạy phù hợp để học viên dễ tiếp thu nhất.

Cũng theo cô Mong, do các học viên đều đã có tuổi nên nhận thức và sự ghi nhớ bài học khó khăn, bên cạnh đó họ không có nhiều thời gian ôn lại bài học, chính vì vậy để duy trì sĩ số lớp học các cô giáo phải thường xuyên quan tâm, động viên, có những hình thức khuyến khích phù hợp, kịp thời.

Chia sẻ về kỷ niệm đẹp khi tham gia dạy lớp xoá mù chữ, cô Mong cho biết: Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, chúng tôi đã được học viên mang lá dong đến tặng để về gói bánh. Món quà tuy giản dị, nhưng điều đó đã chứa đựng những tình cảm, sự trân trọng và quan tâm của các học viên dành cho giáo viên. Chúng tôi hy vọng, các học viên sau khi kết thúc khoá học đều sẽ đọc thông, viết thạo vận dụng hiệu quả kiến thức vào trong thực tiễn cuộc sống.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện Đại Từ, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách những người mù chữ ở trên địa bàn và tuyên truyền tới từng gia đình để động viên học viên, tạo điều kiện tốt nhất để họ tham gia lớp học thường xuyên và có hiệu quả.

Khi người dân biết chữ họ sẽ có thêm kiến thức, dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các thông tin xã hội và các dịch vụ cơ bản khác, vì vậy, xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tác động lớn đến sự thành công của chương trình giảm nghèo bền vững cũng như chương trình MTQG về Nông thôn mới.

Căn cứ tình hình thực tế về số người mù chữ trên địa bàn, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục và xoá mù chữ huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, thống kê nhu cầu, xây dựng kế hoạch để tổ chức các lớp học, các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng trong độ tuổi xóa mù chữ đạt chuẩn theo quy định, thực hiện chương trình phù hợp để đảm bảo tỷ lệ hoàn thành chương trình. Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các địa phương khảo sát thống kê nhu cầu và vận động người mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ trên địa bàn.

Theo kết quả điều tra năm 2022 về người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 trên địa bàn huyện Đại Từ, số người mù chữ mức độ 1 còn 6/126.600 người chiếm tỉ lệ 0,005%. Số người mù chữ mức độ 2 còn 21/126.600 người chiếm tỉ lệ 0,017%. Người mù chữ thuộc 5 xã An Khánh (4 người), Tân Linh (2 người), Văn Yên (7 người), Tiên Hội (4 người) và Phú Lạc (4 người).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ