Hiệu quả lớn từ sự thân thiện, tích cực

Hiệu quả lớn từ sự thân thiện, tích cực

(GD&TĐ) - Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã trải qua chặng đường 5 năm với những tác động tích cực tới toàn bộ hệ thống các trường từ mầm non tới phổ thông trong toàn quốc.

Hiệu quả tích cực từ phong trào lớn

Cô trò cùng thân thiết để bài học thêm hiệu quả Ảnh: Lê Văn
Cô trò cùng thân thiết để bài học thêm hiệu quả  Ảnh: Lê Văn
 

Có thể khẳng định, so với thời điểm trước khi phát động phong trào thì hiện nay cơ sở vật chất của các trường học đã có sự cải thiện, đầu tư đáng kể. Hầu hết các trường đã có cổng trường, tường rào bao quanh đẹp và an toàn hơn, phòng học đúng quy cách, có đủ bàn ghế phù hợp với độ tuổi học sinh, có đủ phòng thực hành bộ môn, thí nghiệm, phòng máy vi tính nối mạng Internet, phòng truyền thống...

Ở vùng có điều kiện, một số trường đã vượt tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia ở một số chỉ tiêu (đặc biệt về diện tích nhà trường). Điều đáng ghi nhận nữa ở nhiều trường là đã xây dựng được các thư viện đạt chuẩn Quốc gia có thủ thư chuyên trách với đầy đủ sách báo để các thầy cô giáo có thể tham khảo trong giảng dạy, học sinh có thể tìm đọc, mượn về trong những dịp ôn thi hay khi cần thiết. Công tác y tế trường học cũng được các trường quan tâm khá toàn diện với nhân viên y tế học đường chuyên trách thường xuyên chăm lo sức khỏe cho học sinh; đảm bảo được nước uống hợp vệ sinh; có công trình vệ sinh riêng cho giáo viên và học sinh...

Phó hiệu trưởng Trường MN Bán công Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Từ khi thực hiện phong trào THTT, HSTC nhà trường đã đầu tư khá nhiều cho cơ sở vật chất. Bên cạnh những phòng học an toàn thoáng mát, đủ ánh sáng, bàn ghế, đồ dùng đồ chơi phù hợp... thì trường còn có sân chơi, cây xanh, khu đồi sinh thái trồng hoa. Trẻ cũng được nhận biết tên cây, tìm hiểu ý nghĩa, nguồn gốc các loài cây... ngay trên mô hình này. Trường có bếp ăn một chiều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có hợp đồng mua bán thực phẩm sạch và được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.

Nhà trường cũng thường xuyên giáo dục trẻ có nề nếp, thói quen, ý thức tự phục vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Với giờ hoạt động ngoài trời, trường tổ chức cho trẻ nhặt lá rụng, thu lượm các hộp sữa, cho cá ăn... Giờ hoạt động góc, trẻ được chăm sóc cây cảnh, tưới rau... Nếu như trước đây, việc tuyển sinh của trường còn gặp khó khăn thì giờ đây chúng tôi tự hào vì trường là một trong những địa chỉ được rất đông phụ huynh học sinh tin cậy, mong muốn cho con vào học.

Có thể khẳng định, tác dụng của phong trào không chỉ được thể hiện ở quy mô, cơ sở vật chất mà còn ở sự thân thiện trong các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Những tác động lớn của phong trào đã giúp trường học vui hơn, học sinh chủ động học tập hơn, cán bộ, giáo viên nhiệt tình tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy sáng tạo nhiều hơn trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Lê Nguyễn Hà Linh - Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: Phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC đã đi vào ý thức của học sinh. Hành động vứt rác ra trường của các bạn học sinh gần như đã được loại bỏ. Không những thế, khi nhìn thấy rác, các bạn còn tự giác nhặt cho vào thùng rác được bố trí ở các dãy phòng học, sân trường. Các thầy cô giáo cũng dạy chúng em, hành động văn minh này không chỉ được thể hiện trong nhà trường mà còn thực hiện mọi nơi, mọi lúc ngoài xã hội. Học sinh các lớp cũng tỏ ra hào hứng với công việc chăm sóc và tưới cây trong sân trường... Chúng em cảm thấy gắn bó, yêu trường lớp và hứng thú với học tập hơn.

Để phong trào không đi vào hình thức

Khung cảnh trường học xanh sạch đẹp Ảnh: Lê Văn
Khung cảnh trường học xanh sạch đẹp  Ảnh: Lê Văn
 

Phong trào THTT, HSTC mang tới cho ngành Giáo dục những kết quả ý nghĩa. Tuy nhiên, từ thực tế quan sát nhiều trường học ở các tỉnh thành cho thấy, để phong trào lan tỏa và phát huy tối đa sức mạnh, ý nghĩa thì đòi hỏi mỗi địa phương, trường học, thầy cô giáo... phải suy nghĩ, tìm tòi những cách làm riêng sao cho phù hợp với từng đơn vị.

Ví dụ như, việc xây dựng và sinh hoạt tại câu lạc bộ trong nhà trường hiện nay khá phổ biến. Song, đòi hỏi nội dung, hình thức hoạt động của mô hình này phải thực tế, hiệu quả, sát với nhu cầu diễn biến của lứa tuổi học sinh hơn, tránh việc bỏ trống các văn phòng tư vấn tâm lý, sức khỏe trong trường học. Đồng thời những văn phòng này cần hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp, có cán bộ chuyên trách, có thể giải đáp, tháo gỡ những thắc mắc về tâm sinh lý, những băn khoăn, lo lắng của lứa tuổi học trò. Các cán bộ tư vấn phải tạo được niềm tin để học sinh có thể trực tiếp hoặc gián tiếp chia sẻ điều thầm kín nhất. Các hình thức nắm bắt tâm lý, diễn biến của học sinh trong sinh hoạt cũng đòi hỏi phong phú, hiệu quả, tránh hình thức.

Từ thực tiễn phong trào cũng chỉ ra, hiện nay số trường nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ... khá nhiều. Tuy nhiên, các trường vẫn thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý di tích, còn lúng túng trong xây dựng nội dung hoạt động, kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc. Đa phần các trường mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức cho học sinh dọn dẹp vệ sinh di tích trong các ngày lễ, Tết... Trong khi đó, công việc này lại đòi hỏi sự gắn bó, ý thức tự nguyện, thường xuyên. Việc tổ chức cho học sinh tới tham quan di tích lịch sử cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về nội dung, chuyên đề..., để học sinh dễ dàng lồng ghép được những kiến thức từ thực tế tai nghe, mắt thấy vào bài học, hoặc dễ dàng rút ra cho mình những bài học riêng. Các bài học từ di sản văn hóa lịch sử, những tấm gương anh hùng liệt sĩ càng sống động, thiết thực bao nhiêu càng giúp học sinh dễ tiếp nhận và chủ động với kiến thức bấy nhiêu.

Để thực hiện phong trào thi đua Xây dựng THTT, HSTC, bên cạnh những nguyên tắc, kinh nghiệm chung... thì khi đưa về từng địa phương, cơ sở cần có những nghiên cứu, thực hiện sao cho phù hợp nhất với đơn vị của mình. Nếu việc thực hiện không có được sự linh hoạt, hình thức mới, thiếu sự sáng tạo từ người thầy, tính tích cực của người học, thiếu sự đồng hành của các ban ngành ngoài giáo dục... thì sẽ khó nhân rộng và phát huy hết tác dụng của phong trào.

Xây dựng THTT, HSTC là khâu đột phá trong quá trình chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng thực hành xã hội, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc.

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.