Điều đặc biệt là do chất lượng học tập được nâng lên nên các em thích học và chăm học hơn, số học sinh bỏ học dở chừng ở vùng cao Tương Dương không còn là vấn đề đáng phải lo ngại như trước đây nữa |
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tương Dương, toàn huyện hiện có 6.280 học sinh tiểu học ở 26 trường tiểu học và 2 trường trường phổ thông cơ sở. Đến thời điểm này, Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) đã tập trung đầu tư xây dựng được 192 phòng học, 55 phòng chờ cho giáo viên, 55 công trình vệ sinh tại 55 điểm trường của 21 trường tiểu học và phổ thông cơ sở.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, Phòng đã trang bị đầy đủ các phương tiện nghe nhìn phục vụ việc dạy và học, cung cấp đầy đủ sách vở và tài liệu tham khảo, văn phòng phẩm, đồ dùng học tập cho 100% các điểm trường. Các trường tiểu học được thụ hưởng Dự án PEDC đều triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao các nội dung Dự án, nhất là nội dung tăng cường năng lực dạy học cho giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo viên và việc chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh trước khi đến trường.
![]() |
Nhân viên hỗ trợ giáo viên tại một lớp ghép |
Việc bố trí nhân viên hỗ trợ giáo viên được triển khai từ tháng 6/2008-đây là một giải pháp mới mà Dự án đầu tư thực hiện nhằm giúp các trường tiểu học nâng cao chất lượng dạy học. Thực hiện giải pháp này, thông qua ý kiến từ cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tương Dương đã ký hợp đồng với 117 người làm nhân viên hỗ trợ giáo viên tại các trường tiểu học và trường phổ thông cơ sở. Nhân viên hỗ trợ giáo viên được tập huấn và trang bị một số kiến thức cơ bản về công việc của mình, trong đó có nội dung dạy 60 bài chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi đến trường để thực hiện nhiệm vụ giúp giáo viên một số công việc trong quá trình giảng dạy.
Trường Tiểu học Tam Quang 1 là một trường có nhiều khó khăn của huyện Tương Dương. Trường có 21 lớp, đặt tại 5 điểm trường với 286 học sinh (192 học sinh dân tộc Thái), trong đó có 101 học sinh thuộc diện hộ nghèo.
Thầy Phạm Văn Đồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện Dự án PEDC, các nhân viên hỗ trợ giáo viên đã giúp giáo viên một số công việc như kiểm tra sách vở, dụng cụ học tập của học sinh; giúp đỡ và kèm cặp những học sinh viết, đọc còn yếu; trực tiếp dạy 60 bài chuẩn bị tiếng Việt cho trê trước khi đến trường;… Những nhân viên hỗ trợ giáo viên đều gắn cuộc sống với từng bản nên họ am hiểu hoàn cảnh thực tế của từng gia đình học sinh trong bản. Vì thế họ đã làm tốt công tác vận động gia đình cho trẻ trong độ tuổi đến trường, góp phần rất lớn trong việc xoá bỏ tình trạng học sinh bỏ học. Cho đến thời điểm này, Trường chưa có một học sinh nào bỏ học".
![]() |
Lớp học được DA tài trợ tại Tương Dương |
Chúng tôi về điểm trường khối Bãi Xa - một trong những điểm trường của Trường Tiểu học Tam Quang 1. Cô Đinh Thị Nhung là nhân viên hỗ trợ giáo viên ở đây cho biết: năm 2008, sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp kế toán, được chính quyền địa phương giới thiệu, cô được ký hợp đồng với mức lương 530.000 đồng/tháng; tuy mức lương chưa đáp ứng với điều kiện sinh hoạt nhưng cô hoàn toàn yên tâm thực hiện vai trò nhiệm vụ của mình.
Cô giáo Vi Thị Thuý, phụ trách điểm trường này nhận xét: "Từ năm 2008 đến nay, với tư cách là nhân viên hỗ trợ giáo viên, cô Đinh Thị Nhung đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo sỹ số và nâng cao chất lượng học tập của học sinh điểm trường khối Bãi Xa".
Cô Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Thái (huyện Tương Dương) nhận xét: "Trường tôi có 7 điểm trường với 278 học sinh, trong đó học sinh dân tộc Thái chiếm 95%, học sinh thuộc hộ nghèo có 58 em và 14 em khuyết tật. Một trong những hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong vài năm nay chính là nhờ việc thực hiện thành công nội dung chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. Đến nay, 100% học sinh của Trường sử dụng thành thạo tiếng Việt, kể cả những từ khó. Để có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của giáo viên, nhưng phải khẳng định rằng, công sức đóng góp của các cô nhân viên hỗ trợ giáo viên thật là lớn. Chính các cô nhân viên hỗ trợ giáo viên là người giúp giáo viên dạy, kèm cặp học sinh để các em có được vốn tiếng Việt cần thiết".
Sau 5 năm thực hiện với hai năm triển khai giải pháp "nhân viên hỗ trợ giáo viên", Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng và phát triển giáo dục ở huyện miền núi Tương Dương. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học ở đây đạt 97,8%; tỷ lệ học sinh được xếp loại chất lượng cuối năm tăng một cách nhanh chóng.
Về môn Toán, 83,4% học sinh đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 29,8% đạt khá, giỏi; về môn Tiếng Việt, có 83,6% học sinh đạt chuẩn, trong đó có 26,8% đạt khá, giỏi. Điều đặc biệt là do chất lượng học tập được nâng lên nên các em thích học và chăm học hơn, số học sinh bỏ học dở chừng ở vùng cao Tương Dương không còn là vấn đề đáng phải lo ngại như trước đây nữa.
Bài và ảnh: Bá Liễu-Minh Đức