Chia sẻ thông tin về IELTS để mọi người có cái nhìn đúng về chứng chỉ này, Tiến sĩ Nguyễn Song Hiền, chuyên gia giáo dục, Viện quản lý và công nghệ Châu Âu, đồng thời đưa ra những lưu ý nhằm tránh dẫn đến lạm dụng chứng chỉ này, làm sai lệch bản chất của việc học Ngoại ngữ.
IELTS không phải “chìa khóa vạn năng”
- IELTS được nhiều gia đình, học sinh, sinh viên sẵn sàng đầu tư để học, thi. Lý do, đạt điểm cao chứng chỉ IELTS là lợi thế lớn trong tuyển sinh ĐH, tìm việc làm. Ông có thể chia sẻ những thông tin cơ bản về IELTS để mọi người có cái nhìn đúng, hiểu đúng về chứng chỉ này?
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết chúng ta cần có một cái nhìn khái quát về quá trình hình thành và phát triển của IELTS.
IELTS là từ viết tắt của the International English Test System. Đây là hệ thống kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế dành cho những người không nói tiếng Anh bản địa.
Tuy nhiên, tiền thân của hệ thống kỳ thi này là the English Language Test Service (tan dịch là dịch vụ kiểm tra tiếng Anh) được thành lập năm 1980 bởi the British Council (Hội đồng Anh) và the Cambridge English Language Assessment (Tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh Cambridge).
Vì số lượng người tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh nói trên thấp, nên vào năm 1989 nó được thiết kế lại nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc tế.
Để thực hiện dự án này, chương trình phát triển quốc tế các trường đại học và cao đẳng của Úc đã tham gia liên kết với Hội đồng Anh và Cambridge để thành lập nên hệ thống IELTS như ngày nay.
Hiện nay, chứng chỉ IELTS được sử dụng cho các mục đích cơ bản như tuyển dụng, di cư, tuyển sinh vào các trường cao đẳng, đại học ở một số nước dạy tiếng Anh, cho một số công việc đặc thù khác.
Như vậy, có thể thấy, đây chỉ là một trong những tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh dành cho những người ở những quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa.
- Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng ngày càng nhiều trường ĐH xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có điểm cao IELTS; thậm chí với tuyển sinh đầu cấp, chứng chỉ này cũng là lợi thế với học sinh một số địa phương? Đây có phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam?
Mặc dù IELTS có độ tin cậy cao và được công nhận trên 140 quốc gia và nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các trường cao đẳng đại học trên thế giới, nhưng nó chỉ phục vụ cho những đối tượng muốn tham gia vào thị trường lao động ở những nước sử dụng tiếng Anh, hoặc muốn di cư hoặc du học. IELTS hoàn toàn không phải là thước đo siêu việt để đánh giá năng lực tư duy, trình độ kiến thức hay khả năng nghề nghiệp của một cá nhân.
Không thể đánh đồng một người đạt chứng chỉ IELTS 8 hay 9 điểm là đủ khả năng để vào bất kỳ ngành nào hay trường đại học nào. Vì bản chất của Kỳ thi chứng chỉ IELTS đơn giản là một bài đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của cá nhân đó dựa trên một số tiêu chí nào đó mà thôi. Hoàn toàn không thể đồng nhất nó với khả năng theo học một ngành nào đó ở bậc đại học.
Thực tế, nó chỉ có giá trị như giấy thông hành để có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế, hoặc du học.
Cá nhân tôi chứng kiến nhiều người có chứng chỉ IELTS có tổng bands 7 đến 8 nhưng trong giao tiếp thực với người bản xứ rất lúng túng thậm chí không hiểu ý nhau.
Điều đó cho thấy sự hạn chế của trong việc thi lấy chứng chỉ này vì chỉ lo ôn các dạng bài để lấy điểm chứ không chú trọng phát triển các kỹ năng theo tình huống giao tiếp của đời sống hàng ngày.
Ảnh minh họa/ITN. |
Tránh làm sai lệch mục đích dạy học tiếng Anh
- Việc nhiều trường, nhiều người quá đề cao IELTS liệu có thể dẫn đến việc lạm dụng chứng chỉ này, sai lệch bản chất của việc học Ngoại ngữ?
Mục đích tối thượng của học một ngoại ngữ là phải sử dụng được nó một cách thành thạo trong đa dạng các bối cảnh đời sống hàng ngày.
Muốn vậy, trước hết phải hiểu rõ văn hóa đích của ngôn ngữ đó và không ngừng thực hành giao tiếp với người bản địa qua nhiều kênh và phương tiện khác nhau.
Nếu học ngoại ngữ chỉ cho mục đích thi cử thì cái chúng ta có được khi theo học một ngoại ngữ chỉ là một tờ giấy chứng nhận vô tri mà thôi.
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT khi dừng xét tuyển vào lớp 10 sử dụng chứng chỉ IELTS.
Trong thực tế, ở các cấp học hiện nay, việc ưu tiên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS cho đánh giá, xếp loại năng lực tiếng Anh của học sinh thay cho chứng chỉ ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ GD&ĐT ban hành dẫn đến sự lệch lạc nhận thức trong việc định hướng dạy Tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta.
Thực tế, chứng chỉ IELTS quốc tế được thiết kế như một công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh dành chung cho thí sinh đến từ các quốc gia, mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ và mang tính học thuật hơn là ứng dụng cho giao tiếp trong thực tế đời sống hàng ngày.
Bên cạnh đó, nó không có một chương trình cụ thể phục vụ cho mục đích giảng dạy và phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các cấp độ của người học. Thay vào đó, những thí sinh muốn đạt được chứng chỉ này chủ yếu tập trung vào ôn luyện các dạng đề theo khung định sẵn .
Điều nguy hại nhất khi để cao chứng chỉ quốc tế này nó dẫn đến việc sai lệch mục đích của việc dạy và học tiếng Anh trong bậc học phổ thông.
Mục đích căn bản nhất của việc dạy và học tiếng Anh của bậc học phổ thông là phát triển dần các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh để hướng tới giúp hầu hết các em sau khi hoàn thành bậc phổ thông có thể sử dụng được tiếng Anh như một công cụ giao tiếp quốc tế.
Mà để đạt được mục tiêu này, không có chương trình ngoại ngữ nào khác ngoài chương trình ngoại ngữ dựa trên khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn.
Nguy hại hơn, việc lạm dụng chứng chỉ quốc tế này làm tiêu chí đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh phổ thông vô tình gây ra bất bình đẳng trong giáo dục và xa rời khỏi sứ mệnh của nền giáo dục Việt nam, một nền giáo dục đại chúng và mọi học sinh đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lợi giáo dục.
Việc đề cao chứng chỉ quốc tế này chỉ tạo thuận lợi cho những học sinh gia đình khá giả, ở thành phố có điều kiện để ôn luyện; còn những học sinh bất lợi, yếu thế ở những vùng miền núi, vùng xa ngày càng trở nên bất lợi hơn và yếu thế hơn trong việc tuyển chọn vào các trường hay ngành học yêu cầu chứng chỉ này.
Vì vậy, không thể sử dụng bất kỳ tiêu chuẩn nào nằm ngoài tiêu chuẩn chung của Bộ GD&ĐT cho dù nó có được công nhận quốc tế. Có như vậy chúng ta mới có thể hình thành nên một nền giáo dục có tính hệ thống, đảm bảo sự nhất quán và thống nhất trong toàn bộ các bậc học.
Nó cũng đảm bảo được tính kế thừa, tính thực tiễn, đáp ứng được các mục tiêu giáo dục dựa trên năng lực và phù hợp với thực trạng phát triển năng lực ngoại ngữ của học sinh trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.
- Xin cảm ơn TS về những chia sẻ!