Hiện tượng toàn cầu: Thầy dạy toán có hàng triệu học sinh

GD&TĐ - Các bài học toán từ xa của Sal Khan thoạt đầu chỉ dành cho anh em họ của mình nhưng nay đã trở thành một “hiện tượng toàn cầu”.

Hiện tượng toàn cầu: Thầy dạy toán có hàng triệu học sinh

Trường học ảo của anh cung cấp các bài hướng dẫn toán miễn phí cho hàng triệu học sinh trên khắp thế giới. Hiện Viện Khan (Khan Academy) do anh thành lập đã có hơn 135 triệu người đăng ký từ 190 quốc gia và sử dụng 51 ngôn ngữ.

Câu chuyện bắt đầu từ Nadia 

Khan nhớ lại: “Điều tôi thích nhất về toán học là nó mang bản chất tinh khiết nhất của vũ trụ. Với hầu hết mọi thứ, như màu đỏ chẳng hạn, chỉ là cảm nhận. Thời gian và không gian chỉ là sự mô phỏng của tâm trí. Nhưng toán học vượt qua tất cả. Toán học mở đường cho những ý tưởng nảy sinh từ sâu thẳm của tâm trí”. 

Sal Khan ở độ tuổi 20 và đang làm nhà phân tích quỹ đầu tư chứng khoán tại thành phố Boston thì cô em họ 12 tuổi Nadia sống tại New Orleans (Mỹ) nhờ anh giúp đỡ môn Toán.

Cô bé đang gặp khó khăn và bị xếp vào nhóm kém toán nhất lớp, Nhận lời, anh dạy kèm qua điện thoại, và thật diệu kỳ, từ học sinh phải phụ đạo môn Toán, Nadia tiến bộ ngoạn mục và trở thành học sinh giỏi toán nhất trường.

Không lâu sau, Khan “thừa thắng xông lên”, mở rộng lớp học đại số và giải tích từ xa cho 15 anh em họ ở tiểu bang Louisiana. Để thuận tiện cho công việc, anh thành lập một trang web và viết một số phần mềm giúp tạo ra các câu hỏi thực hành.

Một người bạn thấy được tiềm năng của lớp học, đề nghị anh thử quay video và đưa chúng lên tài khoản YouTube.

“Thoạt đầu tôi nghĩ đây là ý tưởng… chỉ mang tính giải trí. Nhưng tôi quyết định, cứ thử xem sao. Một phần vì những người anh em họ nói thích gặp tôi qua các bài học trên YouTube hơn là gặp trực tiếp. Vì các em có thể học đi học lại mà không bị chê là chậm tiếp thu”.

Dần dần, những bài giảng dễ hiểu của Khan về các chủ đề toán học khó hấp dẫn đã được những người bên ngoài gia đình chú ý. Đến năm 2008, tức 4 năm sau ngày thử nghiệm với cô em Nadia, đã có hàng chục nghìn học sinh theo dõi các bài giảng trực tuyến của Khan mỗi tháng.

Các bài học lan truyền mạnh mẽ hơn nữa sau khi tỷ phú Bill Gates tiết lộ tại một hội nghị là ông đã sử dụng video của Khan để dạy toán cho các con. Trước đó, Google đóng góp cho Khan 2 triệu USD để anh có thêm tiền phổ biến giấc mơ về một “nền giáo dục đẳng cấp nhưng miễn phí cho tất cả mọi người, không phân biệt xuất thân và địa lý”.

Hiện, giáo viên toán học nổi tiếng nhất thế giới này có trụ sở chính trong một khu văn phòng cũ của công ty Google ở Mountain View thuộc tiểu bang California (Mỹ). Viện Khan cung cấp hàng nghìn video hướng dẫn và bài tập toán miễn phí cho bất kỳ ai có kết nối Internet.

Lúc bắt đầu xảy ra đại dịch, khi các trường học trên khắp thế giới đóng cửa, thời lượng học trên trang web của Khan tăng gấp ba lần chỉ sau… một đêm, từ 30 triệu lên 85 triệu một ngày! Khan trở thành một siêu sao của Thung lũng Silicon, một người tạo ra đột phá bằng cách đưa khẩu hiệu “Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” của Facebook vào giáo dục.

Một số người giàu nhất thế giới đã đầu tư hàng triệu USD vào công ty phi lợi nhuận Khan, trong đó có các tên tuổi như Eric Schmidt, Elon Musk, Carlos Slim, Gates. Họ gọi anh là “kẻ tiên phong tác động đối với giáo dục là khôn lường”.

Công ty được thành lập ngay trong ngôi nhà của cha mẹ Khan với một chiếc máy tính xách tay và chiếc micro giá rẻ. Hiện Khan vừa bước sang tuổi 45 tuổi, sống khiêm tốn với vợ - Umaima - một bác sĩ, và ba đứa con trong một ngôi nhà bốn phòng ngủ ở vùng ngoại ô.

Gia đình chỉ có hai chiếc xe Honda, không có Tesla, Ferrari, máy bay riêng, đầu bếp riêng. “Của cải ròng của tôi không tính bằng tiền tỷ trong… trí tưởng tượng, thậm chí hàng chục triệu cũng không có”, anh nói. 

Tuổi thơ nghèo khó

Tại Khan Lab, học sinh được khuyến khích học hỏi từ thất bại, phát huy tính sáng tạo, tinh thần đồng đội và óc kinh doanh. Một số học sinh thành lập sớm doanh nghiệp của riêng mình nhờ có cha mẹ đủ giàu để chấp nhận rủi ro. Kết quả thật khả quan. Nhóm đầu tiên tốt nghiệp năm 2021 tiếp tục vào các trường đại học hàng đầu của nước Mỹ. 

Lớn lên trong cảnh túng thiếu ở thị trấn Metairie thuộc tiểu bang Louisiana, Khan là con trai của một bà mẹ đơn thân gốc Ấn Độ phải làm việc lặt vặt trong nhiều cửa hàng tiện lợi để nuôi sống gia đình. Cha anh, một bác sĩ từ Bangladesh đến Mỹ học trường y, đã rời gia đình khi anh còn nhỏ vì mắc chứng trầm cảm.

Khan chỉ gặp cha một lần năm 13 tuổi, một năm trước khi ông qua đời. “Lớn lên, tôi sống trong hai thế giới khác nhau. Ở trường, bạn bè chủ yếu là người da trắng; hầu hết có mẹ đơn thân. Tôi cảm thấy đây là xu hướng chủ đạo.

Nhưng trong cộng đồng Nam Á, được xem là bất thường khi bạn có cha mẹ ly hôn và không biết cha mình là ai! Tôi sống dưới mức nghèo khổ trong hầu hết thời thơ ấu, không có bảo hiểm y tế và thường mua sắm tại các cửa hàng giảm giá. Khi nhìn thấy những đứa trẻ Ấn Độ và Bangladesh ở New Orleans có gia đình nghề nghiệp đầy đủ tôi muốn được như chúng”.

Chính toán học đã mở cho Khan con đường tiến đến giấc mơ này. Khan trở thành người đầu tiên trong trường trung học anh học vào được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh giá, trước khi anh lấy bằng MBA của Trường Kinh doanh Harvard. 

Định hình lại cách học

Trường tư thục thực nghiệm Khan Lab nằm ở tầng trệt trụ sở chính của Viện Khan, được Khan thành lập năm 2014 để thử nghiệm một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới.

Ví dụ, một bài học về khoa học dữ liệu, nơi các học sinh ngồi trên một chiếc bàn dài để cùng phân tích hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Học sinh xoay quanh các ý tưởng về mô hình trên biểu đồ phân tán không giống bất kỳ lớp học thường thấy. Các trợ giảng cũng là học sinh, trong khi lớp học có độ tuổi hỗn hợp (từ 14 - 18) và tất cả đều sử dụng máy tính xách tay.

Tại ngôi trường thực nghiệm đặc biệt này, học phí lên đến hơn 30 nghìn USD/năm và học sinh là con cái của các giám đốc điều hành và các triệu phú dotcom.

Không có điểm số hay bài tập về nhà. Học sinh tiến bộ theo tốc độ của riêng mình và đi theo những chương trình học mang tính cá nhân với các bài học trực tuyến của Viện Khan, được giáo viên hỗ trợ khi cần.

Theo phương pháp “học sinh tự làm chủ”, học sinh phải chứng minh đã chắc chắn hiểu từng bài học trước khi bước sang bài mới. Những người sáng giá nhất sẽ hoàn thành khóa học nhanh, nhưng không có sự kỳ thị đối với người phải mất nhiều thời gian hơn để vượt qua một bài học.

Khan trong chiếc áo polo màu đỏ bó sát trông không giống một gã khổng lồ công nghệ mà giống những doanh nhân theo chủ nghĩa lý tưởng với đầy tham vọng.

Anh xem mục đích tạo ra một mô hình giáo dục hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ để cá nhân hóa việc học cũng giống như công ty Netflix thay đổi cách chúng ta xem truyền hình, xem phim và Amazon thay đổi cách chúng ta mua sắm.

“Mô hình lớp học truyền thống, trong đó tất cả học sinh đều học cùng một thứ và cùng một lúc không còn phù hợp với nhu cầu đang thay đổi của thế giới hôm nay.

Về cơ bản, đó là giáo dục thụ động, trong khi thế giới ngày càng đòi hỏi việc tiếp nhận và xử lý thông tin phải tích cực hơn, linh hoạt hơn”, Khan nói. Nghe có vẻ không tưởng, nhưng Viện Khan chỉ là bước khởi đầu cho kế hoạch “định hình lại cách học” của Khan.

Trong thời gian đại dịch hoành hành, anh đã xây dựng một nền tảng dạy kèm ngang hàng (peer-to-peer tutoring platform) miễn phí. Trong đó, học sinh ở độ tuổi 13 có thể được công nhận đủ điều kiện để dạy kèm các học sinh khác ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cho đến nay đã có 1 nghìn gia sư và 10 nghìn học viên đăng ký tham gia trang web Schoolhouse.world. 

Những giấc mơ tiếp theo

Giờ đây, Khan đang thực hiện giấc mơ ở giai đoạn tiếp theo: Hoàn thiện một “trường trung học ảo” toàn thời gian dành cho học sinh từ khắp nơi trên thế giới.

Trường tư thục Khan World, sẽ khai trương vào mùa thu tới. Trường sẽ tổ chức các buổi hội thảo hàng ngày, các buổi hướng dẫn theo phong cách Oxford hàng tuần và học trực tuyến được cá nhân hóa dựa trên giáo trình giảng dạy của Viện Khan.

Khan nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu với 200 học sinh và sẽ đón 200 nghìn em trong tương lai gần. Khan World là mạng lưới an toàn cho bất kỳ ai. Nếu bạn bị thất bại tại một trường, bạn có thể đến đây”.

Với sự hợp tác của Đại học Bang Arizona (ASU), trường sẽ miễn phí cho học sinh sống ở tiểu bang Arizona, nhưng học sinh từ các vùng khác của Mỹ phải trả 10 nghìn USD/năm và học sinh quốc tế phải trả 12 nghìn USD. Nhà trường cũng có các chuyên gia cố vấn và xác nhận sự tiến bộ của học sinh thông qua hệ thống kiểm định quốc tế.

Theo The Hill 5.2022

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ