Hiện tượng Ngô Bảo Châu: "Cú hích" để giới trẻ dấn thân vào khoa học

Hiện tượng Ngô Bảo Châu: "Cú hích" để giới trẻ dấn thân vào khoa học

>>Giải thưởng Fields đã thuộc về GS.Ngô Bảo Châu

>>Vinh quang mang tên Ngô Bảo Châu

>>GS.Ngô Bảo Châu: Bí quyết của tôi là niềm đam mê khoa học

>>Giải Fields và mối cơ duyên với Toán học Việt Nam

>>Sẽ có những "Ngô Bảo Châu" trong tương lai không xa

GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà Toán học quốc tế tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới
GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà Toán học quốc tế tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới

Trò chuyện với Thạc sỹ Phạm Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Khối THPT chuyên Toán-Tin (thuộc ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN) ngay sau thời khắc GS.Ngô Bảo Châu được thế giới vinh danh, người thầy đã từng gần 40 năm gắn bó với những học sinh chuyên Toán này dường như bị niềm vui làm cho nghẹn lại khi nói về người học trò cũ. Tất cả chỉ có thể diễn tả bằng niềm hạnh phúc, vui sướng và tự hào đến tột độ.

“Ngô Bảo Châu vào trường khóa 23 (1987-1989), trong những năm đó, tôi là giáo viên trực tiếp phụ trách đội tuyển học sinh giỏi nên ngoài giảng dạy tôi còn thường xuyên làm việc với Châu. Tôi đã giao cho Châu rất nhiều bài tập nhưng chưa bài nào khiến Châu phải đầu hàng, bài nào cũng đạt điểm 10 tuyệt đối. Đã hơn 20 năm rồi nhưng dường như Châu không mấy thay đổi, vẫn hiền lành, khiêm tốn, giản dị, nghiêm tức và đặc biệt thông minh” - Thạc sỹ Phạm Văn Hùng tâm sự.

Thầy Hùng cũng rất xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm khó quên giữa hai thầy trò, đặc biệt khi thầy làm phó trưởng đoàn học sinh giỏi Việt Nam đi dự thi quốc tế tại Đức, lúc đó, thầy và trò đều còn trẻ nên bỡ ngỡ dẫn đến nhiều chuyện hài hước. Đặc biệt, khi vào đại học, Ngô Bảo Châu đã tặng thầy Hùng một cuốn vở, trong đó ghi những bài toán hay và cách giải mà mình sưu tầm được. Đến giờ, dù đã 21 năm, cuốn vở đó vẫn được thầy Hùng giữ gìn cẩn thận. Thậm chí, thầy còn giữ rất cẩn thận cả những bài kiểm tra toán ở lớp của Ngô Bảo Châu.

Nhân chuyện về Ngô Bảo Châu để nói về các lớp chuyên, thầy Hùng cho rằng, việc có trường chuyên là vô cùng cần thiết vì đó chính là cái nôi để đào tạo bồi dưỡng nhân tài từ sớm, và quan trọng hơn là nơi để nuôi dưỡng niềm say mê của các em.

Cuối cùng, thầy Hùng nhận định: “Ngô Bảo Châu cho thấy rằng, Việt Nam có thể làm nên điều kỳ diệu. Giới trẻ Việt Nam hiện nay có niềm say mê nhưng dường như còn chưa đủ tự tin, Chính Châu sẽ là “cú hích” để giới trẻ Việt Nam dấn thân vào khoa học một cách quên mình”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương.

PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm  Khối THPT chuyên Toán-Tin (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN) hân hoan: Ngày hôm nay, cả trường như một ngày hội. Tất cả các thầy cô, học sinh đều vui mừng và hạnh phúc, tự hào vì người học trò, thế hệ đàn anh của mình đã đạt được đến đỉnh cao.

Trong ký ức của tất cả những người thầy của Ngô Bảo Châu, thì đó là một cậu học trò toàn diện, tài hoa và bình dị, chan hòa, hóm hỉnh, PGS.Nguyễn Vũ Lương cho biết.

“Thành tích Ngô Bảo Châu đạt được có thể nói là một kỳ tích, trời đất đã ban tặng cho Việt Nam một giải thưởng lớn quá sức tưởng tượng. Nhưng ý nghĩa lớn lao hơn tất cả, đó là từ nay, giới trẻ Việt Nam đã có một hình ảnh thực để hướng tới, để phấn đấu, để tin tưởng, để có động lực mạnh mẽ... Giải thưởng mà Châu đạt được cũng là món quà tình thần vô giá đối với các học sinh chuyên, các thầy giáo dạy chuyên và tất cả các thầy giáo giảng dạy môn toán nói chung”.

Trả lời câu hỏi, mô hình đào tạo hiện giờ với hiện tượng Ngô Bảo Châu có mối quan hệ như thế nào, PGS.Vũ Văn Lương khẳng định vai trò của trường chuyên: Trường chuyên khác với trường bình thường, độ khó, độ thách thức của bài toán nhiều hơn nên học sinh chuyên sớm hình thành tư chất, khả năng của một nhà khoa học trẻ. Làm việc nhiều thì thành thói quen, thói quen sẽ hình thành tính cách. Tính cách của học sinh chuyên là niềm say mê, không sợ khó khăn, thích chinh phục cái mới. Đó cũng chính là tố chất đầu tiên của một nhà khoa học.

GS. TSKH Trần Văn Nhung
GS. TSKH Trần Văn Nhung

GS. TSKH Trần Văn Nhung -  Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước thì nhận định: Thành tựu của Ngô Bảo Châu là niềm tự hào to lớn của Việt Nam, của châu Á và cả thế giới, đó là một tài năng đặc biệt về Toán học, chứng tỏ trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể đứng ở đỉnh cao của thế giới.

Dù rằng Ngô Bảo Châu được học tập, nghiên cứu ở các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, nhưng trước hết anh là người Việt Nam, mang gen Việt Nam, dòng máu Việt Nam. Việt Nam là nơi để Ngô Bảo Châu cất cánh. Và  thành quả của Ngô Bảo Châu hôm nay có ý nghĩa đặt biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam với niềm tự hào, tự tin sâu sắc: trí tuệ Việt Nam không chỉ được khẳng định trong chiến tranh, mà tỏa sáng cả trong nghiên cứu khoa học.

Làm gì để có thêm một Ngô Bảo Châu, hay thậm chí là nhiều Ngô Bảo Châu nữa, theo GS.Trần Văn Nhung hoàn toàn không dễ dàng. Theo GS.Trần Văn Nhung, trong khoa học, không phải cố gắng là đạt được. Muốn đào tạo một tài năng đặc biệt thì phải có quan điểm, môi trường đào tạo đặc biệt.

“Giờ đây, nhiều sự kiện liên quan đến Toán học Việt Nam đang khiến chúng ta kỳ vọng một bước ngoặt của nền Toán học nước nhà. “Một bước ngoặt” - có thể không to tát đến thế, nhưng với giải thưởng của Ngô Bảo Châu cũng như quyết tâm thành lập Viện nghiên cứu cấp cao về Toán của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có niềm tin nền Toán học Việt Nam sẽ có thay đổi. Tại sao chúng ta không thể tin: Ngô Bảo Châu thắp sáng niềm tin, niềm tự hào của chúng ta”- GS.Trần Văn Nhung tin tưởng.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ