Điều này cũng góp phần thu hút học sinh đến trường, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm giảng dạy.
Chìa khóa phát triển bền vững
Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách. Thụ hưởng những chính sách đó, 6 năm nay ở các điểm lẻ của Trường Tiểu học Khon Hin (Tuần Giáo, Điện Biên), thầy và trò không còn cảnh dạy học trong nhà tạm, lo chạy mưa hay trốn nắng.
Cùng đó, cơ sở vật chất trường, lớp khang trang đã thút hút học sinh đến trường tích cực hơn, chất lượng đại trà hằng năm nâng lên đáng kể. Nếu năm học 2022 - 2023, số học sinh đạt chuẩn đạt 90% thì năm học 2023 - 2024 tăng lên 98%.
Thầy Vũ Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khon Hin chia sẻ: “Trước đây vào những buổi chiều, học sinh hay trốn học. Gần đây tình trạng này không còn bởi nhà trường được đầu tư phòng chức năng, khu vui chơi đầy đủ đã kích thích trẻ đến trường học tập, tham gia các hoạt động ngoại khoá, vui chơi rèn luyện kỹ năng sống”.
Trước đó, đường đến trường chính và các điểm lẻ khá khó khăn, giáo viên ngại về công tác, học sinh để đến được trường vô cùng vất vả. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, Nhà nước đầu tư kinh phí để bê tông hóa đường vào thôn bản trong xã đã tạo thuận lợi cho thầy cô, học sinh đến trường. Đặc biệt, những điểm lẻ cách trường chính hơn 20km khi có đường bê tông, giáo viên không còn ngần ngại khi được phân công nhiệm vụ đến giảng dạy.
Công tác tại Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) từ năm 2012, cô Hoàng Thị Thuỷ chứng kiến sự đổi thay từng ngày của ngôi trường vùng khó này. “Năm 2012 tôi về công tác tại trường, dãy phòng công vụ chỉ là nhà gỗ tạm, mái lợp fibro xi măng nhưng hiện tại được xây dựng kiên cố, mái tôn, tạo sự yên tâm cho giáo viên cắm bản. Nhờ sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, địa phương, đời sống giáo viên vùng cao cũng cải thiện đáng kể”, Thủy nói.
Nhiều năm qua, để học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn, UBND tỉnh và ngành Giáo dục Lạng Sơn đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy.
Chia sẻ thông tin, cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn đồng thời cho hay: “Trường được đầu tư phòng học, phòng bộ môn, chức năng và khu ký túc xá khang trang, thuận tiện để học sinh, giáo viên giảng dạy, học tập. Cơ sở vật chất tốt là cơ hội để thu hút học sinh dân tộc thiểu số giỏi dự thi vào trường, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục vùng dân tộc nói riêng”.
Tháng 6/2022, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn khởi công xây dựng khu ký túc xá 4 tầng; 36 phòng ở, một phòng sinh hoạt chung. Đặc biệt, khu tích hợp với phòng trực ban giám hiệu, quản sinh và phòng ăn tập thể phục vụ hơn 600 học sinh.
“Với dãy nhà ký túc xá mới, chúng tôi quy hoạch sân phơi quần áo, hệ thống nhà vệ sinh, giàn năng lượng Mặt trời, bình nóng lạnh để có nước ấm đầy đủ vào mùa Đông, giúp học sinh có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Mùa mưa bão đến, thầy và trò đã hết nỗi lo khi sống trong khu ký túc xá cũ xuống cấp”, cô Thuận kể.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nhờ vậy, mỗi năm học Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn có hơn 100 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh các môn văn hoá. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có một học sinh đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 10 học sinh đủ điều kiện miễn thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ do có chứng chỉ HSK3 (tiếng Trung) trong đó 1 học sinh đạt HSK6.
Thay đổi tích cực
Theo ông Nguyễn Văn Vinh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương (Lào Cai), những năm qua sự nghiệp GD-ĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục vùng khó được đẩy mạnh triển khai….
Điều đó dần đáp ứng yêu cầu phát triển GD-ĐT, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc, miền núi nâng lên, tạo công bằng xã hội trong giáo dục.
Là một trong những địa phương được thụ hưởng những chính sách trên, quy mô giáo dục huyện Mường Khương ngày càng phát triển. Toàn huyện có 55 đơn vị trường học trực thuộc từ cấp mầm non đến THCS (20 trường mầm non, 16 trường tiểu học, 19 trường THCS và Tiểu học & THCS) với trên 19 nghìn học sinh.
Trong đó có 19 trường phổ thông DTBT, 5 trường có học sinh bán trú với hơn 4 nghìn em ở bán trú tại trường. 100% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố (không còn phòng học tạm). Các trường đều đủ phòng học, chức năng, trang thiết bị dạy học tối thiểu, khu vui chơi… đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức hoạt động giáo dục.
Đáng nói, nhờ được đầu tư cơ sở vật chất nên công tác huy động và duy trì số lượng học sinh tiếp tục chuyển biến tốt. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường mẫu giáo đạt trên 99,8%, nhà trẻ đạt 32,5%; tiểu học đạt 100%, THCS đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT và học các lớp nghề đạt trên 80%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn.
Đánh giá cao chất lượng giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Việc Bộ GD&ĐT, các địa phương quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cho các trường học, đặc biệt là trường miền núi, vùng dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục khó khăn, phát triển giáo dục vùng khó. Từ đó, các địa phương từng bước dịch chuyển tích cực về dạy và học; tạo bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị.
Không chỉ vậy, cả nước có hệ thống trường DTNT được đầu tư cơ sở vật chất tốt đã làm “thay da đổi thịt” chất lượng học tập, giảng dạy của thầy và trò. Nhiều năm gần đây các trường DTNT có học sinh đoạt giải và được vinh danh tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Từ đó, có thể tự hào và tin tưởng đây là nhân tố, nguồn nhân lực chất lượng cao, sau này quay về cống hiến cho quê hương. Các em cũng là tấm gương về phấn đấu vươn lên cho các thế hệ học sinh dân tộc thiểu số noi theo”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà nhìn nhận, các dự án, chương trình như: Nông thôn mới; Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đầu tư xây dựng đường sá, trường học. Nhờ đó, trường học ở miền núi khang trang hơn, việc huy động trẻ đến trường hiệu quả. Đó là những tín hiệu đáng mừng, cơ hội để học sinh vùng khó học tập, thực hiện ước mơ, xoá bỏ hủ tục lạc hậu.