Tạo cơ hội học tập tốt nhất cho trẻ vùng khó

GD&TĐ -“Động đâu thiếu đó” là tình trạng phổ biến của ngành GD-ĐT các tỉnh miền núi Tây Bắc. Chia sẻ với gánh nặng đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước, nhiều địa phương đã linh hoạt kêu gọi để có môi trường dạy học tốt hơn.

Các trường vùng cao Tây Bắc đang duy trì việc dạy và học trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Các trường vùng cao Tây Bắc đang duy trì việc dạy và học trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cơ sở vật chất thiếu nhất

Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai) cũng như trường vùng khó khác luôn trong tình trạng thiếu thốn trăm bề. Theo thầy Dương Văn Thắng - Hiệu trưởng nhà trường, trường còn thiếu các phòng chức năng như: Tin học, Âm nhạc, Ngoại ngữ, Mĩ thuật, phòng Khoa học công nghệ, phòng truyền thống, phòng Đội, phòng ở cho học sinh bán trú. Ngoài ra, trường còn thiếu cả nhà ăn, nhà đa năng và nhà vệ sinh. Nguyên nhân chính được xác định bởi các công trình đầu tư đã lâu, xuống cấp trong khi số lượng học sinh bán trú tăng.

“Thiếu phòng chức năng nên chúng tôi phải biến cơ sở hiện có thành “nhà đa năng”. Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên cao nhất cho việc học của các cháu nên phòng họp hội đồng của trường được chuyển thành phòng dạy – học tiếng Anh. Khi rảnh có thể tổ chức họp”, thầy Dương Văn Thắng bộc bạch.

Cũng theo thầy Thắng, Ban giám hiệu đang đề xuất kinh phí để xây dựng phòng học chức năng, phòng bộ môn với quy mô 3 tầng, 9 phòng. Đồng thời, xây dựng mới 20 phòng ở bán trú khép kín, nhà bếp, nhà ăn và các công trình phụ trợ khác. Thế nhưng, kinh phí vẫn chưa biết sẽ lấy ở đâu.

Còn tại Trường Mầm non Tả Củ Tỷ 1 (11 lớp tại 9 điểm trường gồm 1 điểm trung tâm và 8 điểm bản lẻ) phòng học mới đáp ứng được yêu cầu dạy, học ở mức tối thiểu. Ban giám hiệu đang kiến nghị bố trí kinh phí để sửa chữa các công trình phòng học hiện có; Đồng thời, xây dựng mới nhà bếp, nhà ăn, tường rào bảo vệ ở cả trường chính và các điểm lẻ. Cùng với đó, trường cần bổ sung đồ chơi ngoài trời, phòng làm quen tin học cùng điều kiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi, thiết bị học tập kết nối mạng Internet.

Bắc Hà là huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh Lào Cai với 81,2% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 13,9% hộ cận nghèo. 21 nghìn học sinh là con em đồng bào đang theo học tại 63 trường, với 176 điểm trường lẻ. Chia sẻ điều này ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà thừa nhận việc dạy, học ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, cơ sở vật chất và trang thiết bị một số trường học, đặc biệt là ở vùng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều trường còn thiếu diện tích đất, phòng học bộ môn, phòng học đa năng, nhà ở bán trú, nhà công vụ, nước sinh hoạt và một số hạng mục phụ trợ.

Các công trình được xây dựng từ giai đoạn trước không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục. Đặc biệt, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đưa học sinh về học tại trường chính kéo theo nhu cầu về điều kiện phục vụ học sinh ở bán trú tăng, số học sinh/lớp tăng. Khó khăn vì thế càng thêm khó.

Chương trình Kết nối nguồn lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện do Bộ GD&ĐT tổ chức tại xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chương trình Kết nối nguồn lực để xây dựng trường học an toàn, thân thiện do Bộ GD&ĐT tổ chức tại xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nỗ lực vượt khó

Giống như Bắc Hà, những năm qua, nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường, lớp học ở Điện Biên vẫn trông vào kinh phí Trung ương cấp nên phải hết sức căn ke. Nói vậy, bởi học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, nhu cầu trường, lớp lớn, song nguồn đầu tư có hạn. Khó khăn nhất là năm 2004, khi Điện Biên mới chia tách, toàn tỉnh chỉ có 2.310/5.048 phòng học kiên cố. Còn lại là phòng học bán kiên cố, phòng tạm lợp tranh tre nứa lá. Thậm chí, ở nhiều xã vùng cao thuộc các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Tủa Chùa còn không có phòng học tạm mà phải mượn gầm sàn của nhà dân để làm phòng học…

Ông Đỗ Xuân Chiến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ - chia sẻ: Năm học 2013 - 2014, toàn huyện có 37 đơn vị trường với 664 phòng học. Trong đó, có gần 300 phòng học tạm bằng gỗ, tranh, tre. Toàn huyện chỉ có 4/37 trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc kiên cố hóa trường, lớp học, phòng GD&ĐT các huyện đã chủ động lập kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất theo lộ trình ưu tiên để cán bộ, giáo viên, học sinh được làm việc, học tập trong môi trường khang trang, sạch đẹp.

Phòng GD&ĐT đã thành lập các tổ công tác đến từng điểm trường nắm bắt thực trạng và nhu cầu. Tranh thủ mọi sự ủng hộ giúp đỡ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, kết hợp sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước một cách linh hoạt trong việc ưu tiên hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng cơ sở vật chất. Vận động giáo viên, phụ huynh học sinh hỗ trợ ngày công, vật liệu sẵn có của địa phương (ván gỗ, cát, sỏi…) san nền, dựng lớp học.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay huyện Nậm Pồ đã có 26/41 trường đạt chuẩn quốc gia với tổng số 608 phòng học kiên cố, bán kiên cố. Huyện không còn phòng học tạm bằng tranh, tre nứa lá.

Ông Nguyễn Xuân Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - thông tin: 7 năm qua tính riêng nguồn kinh phí xã hội hóa, huyện đã huy động xây dựng trường, lớp học được trên 17 tỷ đồng. Giáo viên, học sinh và nhân dân đóng góp trên 20.000 ngày công lao động và 750m3 cát, sỏi để xây dựng trường lớp học.

Với huyện Mường Nhé, từ nguồn huy động xã hội hóa gần 20 tỷ đồng góp phần quan trọng nâng số phòng học được xây dựng kiên cố toàn huyện lên 435 phòng; phòng bán kiên cố (phòng lắp ghép) có 307. Toàn huyện hiện chỉ còn 31 phòng học tạm.

Có điều kiện học tập, sinh hoạt, ăn ở đầy đủ hơn, tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện Nậm Pồ tăng từ 90% năm 2013 lên 98% năm 2021. Tỷ lệ này ở huyện Mường Nhé cũng tăng từ 88% lên 98%. Toàn tỉnh Điện Biên, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần luôn đạt từ 98% trở lên. Điều này đã tác động tích cực đến chất lượng dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên.

Ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên - cho biết: Ngoài sự quan tâm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, giai đoạn 2015 - 2020 cả hệ thống chính trị ở địa phương đã vào cuộc kêu gọi vận động xã hội hóa giáo dục. Trường lớp được đầu tư khang trang góp phần thu hút trẻ từ 3 tháng đến dưới 36 tháng tuổi ra lớp đạt 45%; trẻ 3 - 5 tuổi học mẫu giáo đạt 99,6%; trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,9%. Đặc biệt, hệ thống trường PTDTBT, trường PTDTNT được đầu tư, nâng cấp đã đáp ứng đủ nhu cầu học tập, nuôi dưỡng học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.