Thêm cơ hội cho trẻ mầm non vùng khó

Thêm cơ hội cho trẻ mầm non vùng khó

(GD&TĐ) - Số lượng trẻ 3-4 tuổi sẽ ra lớp đông hơn, được chăm sóc, giáo dục tốt hơn là nhận định của nhiều địa phương khi liên Bộ GD&ĐT, Tài chính và Nội vụ ban hành Thông tư 09/2013 về việc hỗ trợ ăn trẻ cho trẻ mẫu giáo ở vùng khó. Nhờ Thông tư trên mà hành trình vận động trẻ ra lớp ở vùng khó cũng bớt đi nhọc nhằn, vất vả…

Hiệu trưởng trường mầm non (MN) xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) Nguyễn Thanh Thêm cho biết: Nhà trường thực hiện việc kê khai, lên danh sách những trẻ 5 tuổi thuộc diện được hỗ trợ tiền ăn trưa theo quy định của QĐ 239/QĐ-TTg từ năm 2010. Khi biết con mình thuộc diện được hỗ trợ, số trẻ 5 tuổi ra lớp đông hơn.

Tuy nhiên, với trẻ 3-4 tuổi và  nhà trẻ, việc huy động trẻ ra lớp gặp không ít khó khăn. Trước hết do phụ nữ ở xã chủ yếu ở nhà làm nội trợ nên thường kiêm luôn việc trông giữ con. Mặt khác, khi giáo viên đến vận động gia đình đưa trẻ 3-4 tuổi đi lớp, nhiều phụ  huynh cũng bày tỏ băn khoăn về việc học sinh tiểu học được miễn học phí còn học sinh mẫu giáo lại phải đóng tiền (20.000đ/tháng/học sinh), còn trong trường mầm non, trẻ 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa, trẻ bé hơn thì không. Do vậy, mặc dù cơ sở vật chất nhà trường tương đối khang trang nhưng cũng mới huy động được 5 trẻ nhà trẻ, 34 trẻ 3 tuổi và 40 trẻ 4 tuổi ra lớp.

Theo cô Thêm, sau khi có Thông tư 09 liên Bộ về việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ 3-4 tuổi ở vùng khó thì chắc chắn số trẻ ở độ tuổi này đến lớp sẽ đông hơn, hành trình vận động trẻ ra lớp của giáo viên cũng bớt khó khăn bởi các cô có “cơ sở” để thuyết phục phụ huynh về những điểm lợi khi trẻ đến lớp (không chỉ được chăm sóc, giáo dục mà còn được hỗ trợ tiền ăn) sẽ giảm bớt khó khăn cho gia đình, tạo điều kiện cho các thành viên còn lại tìm kiếm công việc, tăng thu nhập…

Thêm cơ hội cho trẻ mầm non vùng khó ảnh 1
5 đối tượng trẻ em được hỗ trợ tiền ăn trưa

Theo nội dung hướng dẫn của Thông tư 09, Hưng Yên có  các đối tượng thuộc diện 1-4-5. Theo đại diện Sở GD-ĐT Hưng Yên, sau khi Sở có văn bản hướng dẫn, các trường sẽ lên danh sách học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ rồi gửi về Sở. Dựa trên thống kê của các trường, Sở sẽ lên danh sách trẻ được hỗ trợ tương ứng với mức tiền để UBND tỉnh có quyết định. Tại Hưng Yên, hình thức hỗ trợ cho học sinh 5 tuổi và dự kiến trẻ 3-4  là chuyển trực tiếp về cho cha mẹ học sinh bởi thực tế hầu hết các trường mầm non trong tỉnh đều có mức ăn 10-15.000đ/ngày/học sinh. Do vậy, số tiền trên chỉ mang tính hỗ trợ nên  chuyển về cho gia đình sẽ thuận lợi hơn.

-  Đối tượng 1 là trẻ 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại QĐ 239/QĐ- TTg ngày 9/2/2010;

- Đối tượng 2 là trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi là dân tộc rất ít người đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non;
- Đối tượng 3 là trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành;
- Đối tượng 4 là trẻ 3-4 tuổi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non không thuộc đối tượng 3 có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước;
- Đối tượng 5 là trẻ 3-4 tuổi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.

Còn theo Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Thái Nguyên) Nguyễn Minh Loan: Thông tư 09 có hiệu lực là cơ hội để tăng tỷ lệ trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi đến trường (hiện nay tỷ lệ trẻ mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi ra lớp là trên 85%). Đồng thời đây cũng là điều kiện để giáo dục mầm non Thái Nguyên nói riêng và giáo dục mầm non cả nước nói chung, thực hiện tốt công tác phổ cập trong những năm tiếp theo. 

Trưởng phòng Nguyễn Minh Loan cho biết: Thực hiện Thông tư số 11 và Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Thái Nguyên đã hoàn thành việc chuyển 100% trường mầm non bán công sang công lập, hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có 217 trường mầm non (trong đó có 211 trường công lập, 5 trường tư thục và 1 trường mầm non dân lập). Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đã đạt 100%, với gần 4.000 giáo viên mầm non đã được tuyển vào biên chế. Do vậy, thực hiện Thông tư 09, Thái Nguyên sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn cho trẻ dưới 5 tuổi. “Hy vọng Thông tư trên sẽ là tiền đề giúp cho GDMN Thái Nguyên phát triển vững chắc”,  Trưởng phòng Nguyễn Minh Loan tâm sự.

Cũng theo bà  Loan, Thái Nguyên lựa chọn 2 hình thức hỗ trợ là chuyển tiền về trường hoặc trả trực tiếp cho phụ huynh. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là gửi về gia đình để họ thấy được lợi ích của việc cho con em đến trường mầm non, mặt khác cũng là hạn chế rắc rối về thủ tục khi trẻ chuyển từ trường này sang trường khác… Bà Loan cũng mong rằng, sau trẻ 3-4 tuổi, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ tiếp tục được Nhà nước quan tâm để các cháu được hưởng quyền lợi như trẻ lớn hơn khi ra lớp.

L. Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ