(GD&TĐ) - Đối với bà con nông dân, tấc đất là tấc vàng. Thế nhưng, không ít người sẵn sàng hiến "vàng" vì tương lai con cháu. Ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), gương hiến đất dựng trường của Kăn Thắng và Kôn Tiểu xứng đáng được ngợi ca.
Dân bản sống ở chốn núi rừng miền tây tỉnh Quảng Trị xưa nay gắn bó với rẫy nương. No đói, sướng khổ... đều trông cậy vào mảnh đất. Do đó, chuyện tranh chấp đất đai xảy ra giữa một số gia đình vốn chẳng hiếm. Thế nhưng, bà Kăn Thắng và ông Kôn Tiểu lại có một quyết định "lạ đời" - chung tay hiến gần 2.000m2 đất để dựng trường Tiểu học xã Tà Rụt.
Bà Kăn Thắng bên ngôi trường đang được xây dựng |
Thông tin việc gia đình bà Kăn Thắng và ông Kôn Tiểu hiến đất dựng trường đến giờ vẫn là đề tài nóng hổi ở xã Tà Rụt. Nhiều người tò mò đặt câu hỏi: "Hiến hết chừng ấy đất, gia đình Kăn Thắng và Kôn Tiểu lấy gì làm kế sinh nhai?", người lại lăn tăn: "Chẳng biết hiến đất có được trả... nhiều tiền không?"... Mỗi khi nghe những lời ấy, già bản Tà Rụt 2 thường đặt tay lên bên trái lồng ngực, nghiêm nghị bảo: "Kăn Thắng và Kôn Tiểu làm thế xuất phát từ tâm, chẳng tiền bạc gì đâu. Chúng nó nghĩ đến quê hương, con cháu mới hy sinh lợi ích cá nhân như thế. Thật đáng quý! Đáng quý!".
Sinh và lớn lên ra trong cảnh nghèo khó, bà Kăn Thắng và ông Kôn Tiểu chẳng có điều kiện bám trụ con chữ đến nơi, đến chốn. Quanh năm, họ phải gieo giọt mồ hôi trên nương để kiếm kế sinh nhai. Càng vất vả, tâm trí Kăn Thắng cũng như Kôn Tiểu càng sáng rõ suy nghĩ: "Chỉ có cái chữ mới giúp người Vân Kiều, Pa Kô mở mày, mở mặt".
Bản thân chẳng có cơ hội bám trụ con chữ lâu bền, bà Kăn Thắng và ông Kôn Tiểu thực sự âu lo khi thấy vất vả đeo bám học sinh ở bản như hình với bóng. Ngày ngày, hàng chục trẻ em vùng cao phải băng đèo, lội suối ngót nghét chục cây số để "tìm chữ". Một số em vì không chịu nổi vất vả nên đã... "bỏ cuộc giữa chừng".
Thấy ánh mắt háo hức bước đến trường của học sinh sớm nhuốm màu buồn, lòng bà Kăn Thắng và ông Kôn Tiểu thắt lại. Ông Kôn Tiểu tâm sự: "Mình có 5 đứa con, 2 đứa đã nghỉ học vì gia đình nghèo, đường đến trường lại quá khó khăn. Thực sự, mình rất buồn lòng".
Ba đứa con nhỏ của Kôn Tiểu và trẻ em xã Tà Rụt hứa hẹn có tương lai tươi sáng hơn đời cha |
Có lẽ đó là động lực mạnh mẽ thúc giục bà Kăn Thắng và ông Kôn Tiểu quyết định hiến mỗi người gần 1.000m2 đất để xây dựng trường Tiểu học xã Tà Rụt. Nói về việc làm ý nghĩa này, bà Kăn Thắng cười bảo: "Lúc hiến đất cũng tiếc lắm. Cả rẫy cà phê, hồ tiêu... đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch mà... Vả lại, hiến hết đất rẫy thì chẳng biết lấy gì để làm ăn nữa. Nhưng, thấy lũ trẻ ngày nào cũng cuốc bộ đi học đến rạc cả chân nên mình chẳng thể cầm lòng?". Về phía ông Kôn Tiểu, quyết định của "công dân ưu tú" này vấp phải sự phản đối của gia đình, họ hàng... Ai cũng bảo: "Nhà mày còn 3 đứa con nhỏ. Hiến đất rẫy đi rồi, mày định để con bốc đất ăn thay cơm à?". Nghe thế, Kôn Tiểu khẳng khái đáp: "Tôi hiến đất không chỉ vì tương lai của 3 đứa con mình mà còn vì ngày mai của cả bản, cả xã nữa". Lời Kôn Tiểu tâm sự khiến người phản đối quyết liệt nhất cũng gật gù.
Ngày trường Tiểu học xã Tà Rụt khởi công, dân bản kéo nhau đến xem rất đông. Lòng ai cũng háo hức như đánh trống, giong cờ. Anh Hồ Văn Ngơn (Chủ tịch xã Tà Rụt) vui vẻ bảo: "Thế là, học sinh xã mình không phải băng đèo, vượt suối tìm chữ nữa. Trường học mới sẽ khang trang, cao đẹp hơn. Kăn Thắng và Kôn Tiểu xứng đáng là hai công dân ưu tú".
Việc làm hiếu nghĩa của bà Kăn Thắng và ông Kôn Tiểu giúp dân bản nhận ra nhiều điều hay, ý đẹp. Đất thực sự quý, nhưng nhiều thứ đáng giá gấp bội - Tương lai con trẻ là một minh chứng.
Tân Tuấn Hiệp