Không còn là khuyến cáo
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người lo ngại: Nhiều phụ huynh học sinh và các em học sinh chưa có ý thức, kiến thức để thấy đồ ăn vặt, đồ chơi được bày bán di động ở cổng trường hầu hết là 3 “không” (không nguồn gốc, xuất xứ; không bảo đảm chất lượng; không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm). Những đồ ăn, đồ uống vặt này không chỉ gây ra sự cố về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, quá trình học tập của các em; đồng thời làm mất thêm thời gian, chi phí để chăm sóc khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, những sự cố về sức khỏe…
Cũng như vậy, PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phân tích: Những thực phẩm chế biến sẵn bán cho trẻ em thường có độ mặn cao. Nếu ăn thường xuyên sẽ tạo thành thói quen ăn mặn gây thừa muối, tạo ra nguy cơ tăng huyết áp. Nguy cơ tăng huyết áp càng cao ở những trẻ thừa cân, béo phì. Ngay với trẻ cân nặng bình thường nhưng có thói quen ăn mặn về lâu dài sẽ đối diện nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp khi trưởng thành.
Nguy cơ mắc bệnh về tiêu hoá, tiểu đường, tim mạch, ngộ độc thực phẩm, thậm chí là bệnh ung thư còn đến từ việc sử dụng sản phẩm chiên rán với dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần cùng với các chất phụ gia không bảo đảm tiêu chuẩn, hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ.
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Ngộ độc thực phẩm cấp tính thường do dùng thức ăn nhiễm vi sinh vật hay các hóa chất với lượng lớn. Ngộ độc mạn tính xảy ra khi dùng thực phẩm chứa chất hóa học trong thời gian dài. Những vi sinh vật thường gây ngộ độc thực phẩm, gồm: Vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc.
Việc bảo quản thực phẩm không đúng quy định; không bảo đảm vệ sinh trong khâu chế biến… tạo “cơ hội” cho vi sinh vật gây bệnh nhiễm vào thực phẩm, rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Một trong những món “khoái khẩu” với giới trẻ, được bán nhan nhản tại các cổng trường học, cổng chợ là các loại xoài dầm, cóc dầm, dứa dầm... PGS.TS Phan Thị Sửu khuyến cáo: Các loại quả trộn với bột ớt không rõ nguồn gốc, mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm tại các quầy hàng rong không cao nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm là khó tránh khỏi.
Hơn nữa, để làm hoa quả dầm người bán hàng thường sử dụng đường hóa học. Đường hóa học không tạo năng lượng, không có giá trị dinh dưỡng nhưng rất nguy hại nếu là đường hóa học cyclamate. Đây là loại đường bị cấm sử dụng trong thực phẩm, không tốt cho gan, thận.
Dạy trẻ nói “không” với quà vặt
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh nhìn nhận: Việc để học sinh sử dụng đồ ăn vặt “ba không” bán quanh khu vực trường học cần sớm được giải quyết triệt để. Trước hết, nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục học sinh hình thành ý thức, thói quen sử dụng thực phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn các em nhận biết được hậu quả của việc sử dụng thực phẩm tràn lan, trôi nổi, nhất là thực phẩm từ các hàng ăn vặt ngoài cổng trường…
Để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, mỗi gia đình cần thường xuyên nhắc nhở con em mình cảnh giác với các sản phẩm không nhãn mác và nguồn gốc không rõ ràng. Đặc biệt, phụ huynh cần quản lý chặt chẽ việc chi tiêu của các em, không để các em tiêu tiền theo sở thích mua, ăn quà vặt. Cha mẹ hãy chủ động cung cấp cho trẻ những đồ chơi, đồ ăn an toàn…
Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, lâu nay, việc quản lý các cửa hàng bán đồ ăn, đồ chơi ngoài cổng trường, những xe hàng buôn bán đồ ăn vặt cho học sinh… còn nhiều khó khăn, bất cập. Lực lượng công an, quản lý thị trường đi kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt được một thời gian, họ lại quay trở lại bán và kéo học sinh tìm mua với những đồ ăn “khoái khẩu”, giá rẻ như cho…
Vì vậy, cần phát huy vai trò của cộng đồng địa phương nơi có trường học trong việc tuyên truyền người dân trên địa bàn không bán những đồ ăn, uống, đồ chơi kém chất lượng cho trẻ em, học sinh chỉ vì lợi nhuận.
Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra đột xuất hàng bán đồ ăn vặt, đồ chơi cho trẻ em, nếu phát hiện thấy sai phạm cần xử lý nghiêm. Nếu chỉ dừng lại ở phạt hành chính hay thu giữ phương tiện bán hàng… sẽ không có tác dụng chấn chỉnh, dẹp bỏ được loại hình bán hàng nhỏ lẻ vừa nguy hại cho sức khỏe của học sinh, vừa gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông…