Hiểm họa lớn nhất cho nhân loại

GD&TĐ - Tất cả những dạng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng tới muôn loài trên Trái đất.

“Biến đổi khí hậu là vấn đề nhức nhối nhất mà chúng ta đang phải đối mặt. Nó còn nghiêm trọng hơn cả mối đe dọa từ khủng bố” – Câu nói ấy của David King – cựu cố vấn khoa học Chính phủ Anh trong cuốn sách “Sự nóng lên toàn cầu: Chúng ta không thể cứ bình thản như chẳng hề có chuyện gì xảy ra”, như một lời khẳng định sắt đá về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu.

Những hậu quả nghiêm trọng

Kể từ khi con người bước vào thời kì cách mạng công nghiệp, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã gia tăng với một tốc độ chóng mặt do việc sử dụng những nguồn nhiên liệu không thân thiện với môi trường, chẳng hạn như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên…

Một biểu đồ trong cuốn sách. Ảnh: Tấn Quyết.

Nằm trong bộ “Những câu chuyện lịch sử khác thường”, cuốn sách “Sự nóng lên toàn cầu: Chúng ta không thể cứ bình thản như chẳng hề có chuyện gì xảy ra” đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục: “Con người thải ra khoảng 30 tỉ tấn carbon dioxide vào khí quyển mỗi năm, hay nói cách khác, hằng năm, mỗi người chúng ta không kể đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ đều thải ra trung bình khoảng 4,4 triệu tấn carbon dioxide”.

Hay “Nên nếu bạn: Xem tivi, đun nước, bật điện, chơi trò chơi điện tử, dùng máy tính, máy giặt, dùng lò sưởi, máy rửa chén bát, dùng điều hòa, máy hút bụi, dùng lò vi sóng, xả rác… thì cũng có nghĩa là bạn đang tạo ra khí nhà kính”.

Những bằng chứng ấy luôn hiển hiện và không thể chối cãi nhất cho hành động xả thải khí nhà kính của con người, khiến cho Trái đất nóng lên.

Hậu quả của sự nóng lên toàn cầu này cũng được cuốn sách đề cập, không chỉ dừng lại trong việc khiến “băng tan” và “mực nước biển dâng”, mà còn kéo theo cả những “đợt nắng nóng kỉ lục”, “nạn hạn hán tồi tệ nhất”, “lượng mưa tăng vọt với cường độ dữ dội hơn”, hay cả những “cơn bão dữ dội hơn”.

Tất cả những dạng thời tiết khắc nghiệt ấy đang trở nên ngày càng phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng tới muôn loài trên Trái đất. Với sự nóng lên toàn cầu, gấu xám Bắc Mĩ có cơ hội được gặp những con gấu Bắc Cực, để từ đó tạo ra một loài gấu lai mới, hay những rặng san hô vô vàn màu sắc sẽ bị tẩy trắng, kéo theo đó là hàng ngàn loài động vật dưới biển mất đi nơi cư ngụ an toàn…

Thậm chí đối với con người, sự nóng lên toàn cầu đã phá hoại mùa màng, khiến ngày càng có nhiều người lâm vào cảnh nghèo đói, khó khăn.

Tất cả đồng lòng!

Cuốn sách khoa học thu nhỏ gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu. Ảnh: Tấn Quyết.

Cuốn sách khoa học thu nhỏ gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu. Ảnh: Tấn Quyết.

Tuy nhiên, tác giả Ian Graham không dành cuốn sách chỉ để nói về sự nóng lên toàn cầu, cũng như những hậu quả mà chúng ta đã và đang đối mặt.

Ông còn dành tới gần nửa cuốn sách để đưa ra những giải pháp giúp nhân loại có thể đẩy lùi được tác động của sự nóng lên toàn cầu.

Bên cạnh những giải pháp cũ mà mọi người đều biết tới, chẳng hạn như thay thế những nguồn năng lượng không thân thiện với môi trường bằng các nguồn năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước… vô tận để thân thiện hơn với môi trường, các nhà khoa học cũng giới thiệu những giải pháp mới rất đáng thử nghiệm, có thể kể đến như trồng cây nhân tạo, sắt hóa nước biển, bụi hóa không khí…

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nhấn mạnh đến sự đoàn kết giữa người với người, giữa các nước với nhau sẽ đem lại được sự thành công trên toàn thế giới trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Những ý tưởng cho dù có thú vị và hữu ích tới đâu, nhưng lại không có được sự ủng hộ của mọi người cũng sẽ mãi mãi chỉ được nằm trên giấy.

Những Hội nghị Stockholm 1972, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Rio 1992, Nghị định Kyoto 1997, Hội nghị khí hậu Copenhagen 2009 chính là nơi để các quốc gia đoàn kết với nhau và cùng đi đến thống nhất chung vì mái nhà chung Trái đất với rất nhiều cam kết về giảm khí phát thải đã được kí kết.

Tất cả giờ đây đều đang đồng sức, đồng lòng để giúp Trái đất mãi mãi là một nơi sinh sống tuyệt vời cho tất cả các loài sinh vật.

Dường như từ tác phẩm này, tác giả Ian Graham còn gửi gắm thông điệp về sự giữ gìn. Nếu những gì chúng ta đang có bị khai thác, sử dụng một cách hoang phí và không hề có được lợi ích thiết thực, thì sẽ nhanh chóng đánh mất nó.

Môi trường Trái đất như là tài sản chung của toàn bộ sinh vật, nhưng con người đã khai thác một cách bừa bãi và quá đà, để rồi để lại hậu quả khó có thể lường trước của sự nóng lên toàn cầu cùng những hiện tượng tự nhiên cực đoan khác.

Từ “Sự nóng lên toàn cầu: Chúng ta không thể cứ bình thản như chẳng hề có chuyện gì xảy ra”, độc giả có được cái nhìn nhận rõ ràng về hiện tượng nóng lên toàn cầu đang xảy ra trên toàn thế giới. Đây chắc chắn là một cuốn sách rất đáng đọc, để mỗi người có thể ý thức về trách nhiệm của mình đối với Trái đất, không chỉ cho chính bản thân mình, mà còn cho cộng đồng.

“Những câu chuyện lịch sử khác thường: Sự nóng lên toàn cầu: Chúng ta không thể cứ bình thản như chẳng hề có chuyện gì xảy ra” là tác phẩm đến tay độc giả Việt qua ấn bản của Nhà xuất bản Kim Đồng, với bản dịch của Trần Nguyên.

Tác phẩm này chính là một “cuốn sách khoa học thu nhỏ” về hiện tượng nóng lên toàn cầu, bao gồm tất cả những lí do đã và đang gây ra biến đổi khí hậu cũng như những giải pháp để có thể hi vọng đảo ngược tình thế hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ