'Hẹn gặp lại' tân khoa đầy xúc động của thầy Hiệu trưởng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 17/7, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho gần 5.000 tân tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiêp, sáng 17/7.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiêp, sáng 17/7.

Trong bài phát biểu đầy xúc động, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, đã nhắn gửi đến các tân khoa: “Đừng cố lao theo những công việc ngôi sao mà hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn…”

Kết thúc bài phát biểu, GS.TS Huỳnh Văn Sơn bày tỏ: “Tôi không muốn nói từ “tạm biệt”, vì dễ gợi nhớ đến sự chia tay. Thay vào đó, cho phép tôi hay dùng “hẹn gặp lại”, dù rằng sẽ dài, ngắn; xa, gần, trực tiếp hay trực tuyến”. Nhưng dù là như vậy, chúng ta hãy cùng ngừng lại một giây ở đây để cùng nói với nhau một lời “Hẹn gặp lại!”.

Báo Giáo dục & Thời đại xin giới thiệu bài phát biểu của GS.TS Huỳnh Văn Sơn.

Hãy sống tử tế

Ai không lớn lên trong lời ru của mẹ, ai không trưởng thành bằng chiếc nôi từ gia đình với câu hò và những giai điệu chắp cánh để trưởng thành. Tất cả là hành trang quan trọng để làm người tử tế…

Nếu không là người tử tế, liệu chúng ta có thể đào tạo hay dạy dỗ con cái, trẻ em thành người tử tế??? Là những cử nhân sư phạm hôm nay, là những cử nhân như những người trí thức thực thụ, mong các bạn hãy sống tử tế, tử tế với đồng nghiệp, với người thân, với cộng đồng và với chính mình trong nghề nghiệp…

GS.TS Huỳnh Văn Sơn tại lễ trao bằng tốt nghiêp, sáng 17/7.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn tại lễ trao bằng tốt nghiêp, sáng 17/7.

Cuộc sống buộc người ta phải dần xây đắp cho mình bản lĩnh và nhân cách. Nhân cách và bản lĩnh không thể phủ lên bằng những lớp màu vĩ đại tạm thời hay ảo diệu mà phải thể hiện đúng với bản chất, đúng với những gì ta đang có.

Nên người, sống tử tế, là điều mà ai cũng cần đạt được và phụ huynh hay người lớn nào cũng muốn con mình có được. Đó chính là kiểu sống có trước, có sau, kiểu ứng xử thấu tình đạt lý, văn minh…

Cuộc sống xô bồ thôi thúc không ít người sẵn sàng kiếm tiền bằng cách đổi cả danh dự và liêm sỉ, thậm chí cả sức khỏe và tính mạng của cộng đồng. Sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu của để dành nếu chúng ta chọn sai khi bắt đầu. Hay sự tử tế cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng một cách vô tư từ ai đó mà đó là hành trình làm người, hành trình hoàn thiện bản thân mình…

Khi người ta nghĩ đến chính mình nhiều quá, sẽ dễ bàng quan. Hay sự mất dần niềm tin về cái thiện, về điều tốt làm người ta dễ bi quan, thủ thế. Tất cả dần dần đẩy sự tử tế ra xa… Khi cái tôi phình to, khi cái bản ngã lớn lấn át, người ta dễ quên rằng mình phải cố sống tử tế đúng nghĩa…

Chưa hẳn người ta sẽ là người tử tế trong mọi trường hợp nhưng người tử tế thì có thể đáng tin trong nhiều trường hợp. Khi chạy theo những giá trị thiếu cân nhắc, người ta không lường được rằng cái thiếu tử tế lại làm hại chính người thân mình hay thậm chí bản thân mình. Vì thế, bài học sống sao cho là người tử tế, cùng với người xung quanh trở thành người tử tế càng học vẫn càng thấy thiếu nhưng hay đến lạ kỳ…

Người tử tế cần biết thực hiện và tuân thủ những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống mà không phải là những câu trả lời trắc nghiệm khô cứng hay kiểu ứng xử hoa hậu chỉ diễn ra trên sân khấu… Đó chính là kiểu định hướng lối sống, lựa chọn giá trị, ứng xử theo chuẩn mực mà ta tích lũy và chấp nhận trong cuộc sống. Ở đây, không có Đông Tây, không có mới cũ, không có xưa nay mà cốt cách làm người là điểm đến, đó là sự tử tế đích thực.

Dạy làm người tử tế cũng chính là mục tiêu và phương thức của nhà trường. Nếu dạy những người có phẩm chất trở thành người tử tế, người ta sẽ biết cách sống tử tế thì hạnh phúc nào bằng. Nhà trường và thầy cô giáo cần nhận ra cốt lõi của việc giáo dục con người sống tử tế, đó là một trong những mục đích rất quan trọng. Từng lứa tuổi, sự nâng dần những biểu hiện tử tế này có thể khác đi nhưng không thể thiếu trong mỗi lời giảng, từng sẻ chia.

Để người ta không quá lạc lõng khi hướng đến sống tử tế, văn minh, cần tử tế ngay trong suy nghĩ và cả cách bày tỏ cảm xúc hay những hành vi của mình. Và tử tế kể cả với cái like hay những dòng bình luận… Nếu chúng ta sống tử tế hơn, làm cho người khác dần tử tế hơn, điều ấy là sự kiến tạo hạnh phúc đích thực dù ở bất kỳ vai nào trong cuộc sống này: cha mẹ, con cái, thầy cô giáo hay là người quản lý…

Khởi nghiệp hay làm việc chuyên nghiệp

Những gì từ cuộc sống có thể thử thách để người ta sống tử tế. Và tử tế với một trí thức là biết tự tạo việc làm; làm việc chuyên nghiệp và biết khởi nghiệp trở nên cần thiết đến dường nào.

Hàng giờ, chúng ta vẫn đã và đang nhận những tờ rơi để làm CTV giáo dục, huấn luyện viên, giáo viên hay những người đồng sáng lập các tổ chức, nhóm, doanh nghiệp… Niềm vui này đáng quý thay, nhưng đó chỉ là tạm thời… Tự tạo việc làm cần nhất là phải tự hỏi đó có phải là việc làm, nghề nghiệp…

Với con số gần 5.000 trí thức đang tham gia trực tiếp và trực tuyến lễ tốt nghiệp, hãy tự hào nói rằng chúng ta có thể tìm việc nhưng đừng tìm cho mình số phận thụ động… Hạnh phúc xiết bao khi có thể tìm cho mình hành trình sống với nghề giáo, sống với nghiệp Hóa học, Văn học, Báo chí, Du lịch, Tư vấn tâm lý hay bất kỳ một bệ phóng nào trong nghề được đào tạo dẫu chỉ là bắt đầu…

Người ta có thể nhận ra ngoài kia, tầng hầm của những ngôi nhà cao tầng có thể là điểm xuất phát thấp nhưng tất cả tạo nên đỉnh của chop với những điểm sáng theo một chuỗi những cố gắng… Đừng cố lao theo những công việc ngôi sao mà hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn…

Chúng ta có cùng khát khao, cùng một niềm tin để bước vào hành trình hạnh phúc… Chúng ta tôn trọng hạnh phúc cá nhân, đầu tư cho tương lai tổ ấm nhưng chính hành trình đến với nghề, vào đời bằng chuyên môn, nghiệp vụ vẫn là những hạnh phúc có sức hút mạnh mẽ và bền chặt…

Chúng ta may mắn khi có những GS ở tuổi 65 - 70 vẫn còn yêu nghề dạy bằng cả rung động từ tâm khảm; ta đã có những GV thỉnh giảng có khoảng triệu đô vẫn đến và giúp ta vào nghề… nên không vì ta tốt nghiệp loại gì mà hãy không ngừng hoàn thiện bản thân để làm một GV, người lao động chuyên nghiệp.

Sự chuyên nghiệp không thể dễ dãi ngay cả với năng khiếu. Đó là thành quả của mồ hôi, nước mắt và thậm chí là đêm không ngủ để có hồ sơ bài giảng hoàn hảo nhất, kế hoạch làm việc và hành động có chất lượng… Đó cũng không phải là sự tự kiêu bởi ta đã biết, vì chuyên nghiệp là hoàn hảo từng chút một khi bắt đầu và suốt cả hành trình.

Chúng ta có thể khởi nghiệp nhưng chắc chắn không được phép khởi sự một cách quá thiếu chuyên nghiệp về chuyên môn và sự vô tư về đạo đức nghề nghiệp… Người ta có thể chọn cho mình nhiều điều nhưng một trong những điều đáng quý đó là cho mình một cơ hội làm nghề chuyên nghiệp…

Ở tuổi 22 đến 25 với những cử nhân và Thạc sĩ trẻ hôm nay có thể trải nghiệm, nhưng đừng quên rằng sự thử thách nào cũng có điểm dừng. Thử thách nhưng đừng thử thiếu lương tâm, thử sức nhưng đừng quên tự đánh giá, thử nghiệm nhưng đừng quên lòng tự trọng, thử tài nhưng đừng quên những tiếng gọi của khát khao chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp mà chúng ta từng chọn lựa…

Những Thạc sĩ và Tiến sĩ hôm nay đang là những điểm sáng ở tập thể người học của Trường chúng ta. Hành trình hoàn thiện bản thân không phải chỉ là học vị mà với những Tiến sĩ còn học hàm, là những gì chúng ta sống và cống hiến trong nghề nghiệp, còn sứ mạng sẽ tiếp nối để đào tạo ra những nhà khoa học trẻ…

Không ai có thể tự thấy mình rõ nhất khi chỉ nói và nghĩ tự thân… Chỉ có hành động mới làm ta bộc lộ bản thân và soi rọi năng lực, bản lĩnh của chính mình… Mỗi góc giảng đường, mỗi ánh nắng ban mai hay góc cây bao báp hoặc thư viện của Trường đều đẹp hơn nhờ vào anh chị… Anh chị là những đại sứ chuyên nghiệp nhất của Trường, là những giảng viên thỉnh giảng từ xa hay sát cánh với Trường để chúng ta cùng nhau chuyên nghiệp hóa hơn ở ngày mai…

Nếu ai đó đã từng trải nghiệm câu hỏi: Ai là người giỏi nhất trong lĩnh vực của bạn lúc 20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi và hơn thế nữa… sẽ thấu hiểu nhiều hơn về việc chuyên nghiệp như một thách thức… 20 tuổi, chúng ta dễ dàng nghĩ rằng mình là số 1; nhưng 30 tuổi lại thấy chúng ta và vài người nổi bật khác là số 1; đến 40 lại chỉ là có thể thuộc nhóm dẫn đầu và 50 tuổi chợt nhận ra rằng chúng ta là người có một số ưu điểm nhưng xung quanh chúng ta có quá nhiều người chuyên nghiệp…

Làm công việc gì, cũng cần trình độ nhưng quan trọng hơn còn là thái độ; làm nghề gì cũng rất cần kỹ năng nhưng quan trọng không kém là lương tâm; làm ở vị trí nào, quan trọng nhất biết mình là ai để đúng vai nhưng quan trọng hơn nữa là biết vai của người khác là gì để cùng tương tác…

GS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiêp, sáng 17/7.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiêp, sáng 17/7.

Chúng ta có thể chuyên nghiệp qua kỷ luật, chuyên nghiệp qua từng kỹ năng văn bản, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… nhưng quan trọng nhất vẫn là chuyên nghiệp qua lời hứa và chất lượng của hành động, việc làm… Hãy sống với lời hứa của mình, hãy cẩn trọng khi hứa và nếu đã hứa thì đừng để “trôi”, nếu hứa thì đừng để mình trở nên xấu xí bởi họ đỗ, tên thừa cho hội chứng sau Covid…

Người ta có thể thông cảm, sẻ chia nhưng người chuyên nghiệp không cho phép mình mãi vô tư buộc người ta cảm thông khi chính mình chẳng đổi thay và mãi trượt dài trong lời hứa thiếu chuyên nghiệp và thiếu cả sự cầu thị giản đơn…

Có bất công không khi ta luôn muốn người khác hy sinh hết lòng mà ta nửa dạ? Có quá đáng không khi so sánh về tất cả lời hứa của người khác đều được thực hiện khi đặt bên cạnh sự quên bẵng tự do hay số lần thất hứa của mình… Người ta cần chuyên nghiệp khi nghĩ, khi hứa, khi làm là vậy!

Không ngừng đổi mới và sáng tạo

Dòng chảy cuộc sống vẫn tiến về phía trước và hành trình chinh phục thành công và hạnh phúc mới chỉ bắt đầu. Nếu cái mới là đích đến, chắc hẳn mỗi tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hôm nay sẽ tiếp tục chinh phục hành trình ấy…

Ngoài kia, xã hội còn cần biết bao ý tưởng về sự đổi mới sáng tạo để giúp con người sống tốt hơn. Từ những vấn đề dân sinh đến vấn đề về khoa học kỹ thuật, hợp tác quốc tế, ngoại giao và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Xin được ghi nhận tất cả thành tựu đã qua của các anh chị trong những ngày tháng học tập, nghiên cứu ở ngôi Trường này. Mong anh chị sẽ bền tâm, vững chí không ngừng thách thức bản thân trong công việc để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn theo phương châm: Hướng đến cái mới để đáp ứng nhu cầu cải tiến và chinh phục…

Con số 2018 gợi nhớ cho chúng ta nhiều điều đáng nhớ. Nếu tính từ lúc tiếp cận chương trình GDPT 2018, khóa 2018 - 2022 này là đủ 4 năm để chúng ta làm chủ chương trình, tiếp cận và làm quen chương trình. Thách thức nhưng cũng là cơ hội, hãy khai thác những gì thuộc về kinh nghiệm, bản lĩnh và nhất là kỹ năng, tiềm lực của mình để triển khai chương trình GDPT 2018 bằng cái tâm, cái tình, cái tài của nhà giáo với nhiều sự đầu tư, sự sáng tạo để trở thành những nhà sư phạm thực thụ…

Chúng ta cần bớt đi những trăn trở về cái khó, nói giảm đi những gì về thách thức và hành động nhiều hơn bởi đó là cách làm nghề chân chính, giàu nghị lực, đủ bản lĩnh của một thế hệ nhà giáo trẻ… Nếu chỉ vì lương bổng nhà giáo, có lẽ chúng ta đã rơi đi ít nhiều xúc cảm tích cực của hứng thú nghề đã chọn…

Nếu chỉ vì lo lắng liên quan đến cơ sở giáo dục – nơi ta sắp đến, sắp về, có lẽ ta đã bỏ đi những gì đã cam kết cùng nhau khi bắt đầu lên lớp ở giờ đầu tiên… Chúng ta nên hết lòng, hết sức với học trò, những bài giảng mà chắc chắn đó là máu của con tim, là nồng nàn hơi thở, là tinh túy nhất của tư duy bởi đó là nhiệm vụ trồng người, là trách nhiệm được thực thi của con tim và khối óc…

Hành trình đổi mới và sáng tạo không thể chiều ý bởi sự ỷ lại, chủ quan rằng ta đã biết, đã quen; càng không thể thắp sáng bằng sự tư duy robot hay những thói quen cố hữu khi thực hiện công việc… Hành trình đổi mới và sáng tạo cần sự chuyên nghiệp, cần quyết tâm làm người tử tế, cần thái độ chấp nhận sự thay đổi, cần kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và nhất là sự thách thức với bản thân mình…

Chúng ta sẽ làm được nếu có chân đế của niềm tin, có nền tảng tri thức và kỹ năng đã được đào tạo, có thêm nghị lực của những trí thức trẻ được đào tạo từ Trường Sư phạm trọng điểm quốc gia. Nhất là sự chắt chiu yêu thương, sự hun đúc một ý chí sáng tạo, sự định hướng chất lượng tốt hơn mỗi ngày của thầy cô, bạn bè và cả niềm tin dõi theo của gia đình, người thân… và tiếng nói từ tâm khảm, từ trách nhiệm bản thân… giúp ta sáng tạo và đổi mới.

Trân quý 552 học viên Cao học, 20 NCS, 266 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và thủ khoa các ngành đào tạo trên tổng số 4055 sinh viên đã làm cho Trường có thêm những người học tuyệt vời. Càng trân quý sự đầu tư tình yêu, kỳ vọng của các bậc phụ huynh khi đồng hành cùng Trường suốt thời gian qua để đào tạo, phát triển…

Xin cảm ơn quý giảng viên, viên chức của Trường đã cùng nhau đúng nghĩa của từ sát cánh qua những mùa dịch, qua chặng đường tự rèn luyện, tự học tập và không ngừng phấn đấu của các cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ…

Xin tri ân về sự hy sinh lặng thầm của nhiều thầy cô giáo, viên chức của Trường… Xin sẻ chia về nỗi đau của một số người học của Trường và gia đình đã không thể có mặt ngày hôm nay dù bất kỳ lý do nào đi nữa hay đó là điều đáng tiếc đã xảy ra…

Nụ cười, nước mắt; mong đợi, nỗi buồn, niềm vui, lo lắng… đều là những cung bậc cảm xúc chúng ta đã cùng trải nghiệm 2 – 3 năm với bậc Thạc sĩ, 4 - 5 năm qua với Cử nhân và với Tiến sĩ đã có 5 - 7 năm học tại Trường đều là những dấu ấn khó phai…

Mong rằng hành trình sắp tới có thể bước đường sẽ xa nhau nhưng những gì đã cùng có tại hành trình lập thân tại Trường sẽ là những dấu ấn khó phai, đáng nhớ! Hãy vun dưỡng tâm hồn của mình bằng sự cho đi, rộng lượng, vị tha và bao dung và mãi đủ để chúng ta là người nhà, người một nhà: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh…

Tôi không muốn nói từ “tạm biệt”, vì dễ gợi nhớ đến sự chia tay. Thay vào đó, cho phép tôi hay dùng “hẹn gặp lại”, dù rằng sẽ dài, ngắn; xa, gần, trực tiếp hay trực tuyến”. Nhưng dù là như vậy, chúng ta hãy cùng ngừng lại một giây ở đây để cùng nói với nhau một lời “Hẹn gặp lại!”.

“Đừng cố lao theo những công việc ngôi sao mà hãy trở thành những ngôi sao trong lĩnh vực của mình dẫu là lặng thầm hay nở muộn…” - GS.TS Huỳnh Văn Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...