Hệ thống giáo dục Nga: Đối mặt hàng loạt thách thức

Hệ thống giáo dục Nga: Đối mặt hàng loạt thách thức

Sau đây là ý kiến của các chuyên gia giáo dục Nga về những nhiệm vụ mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục mới của Liên bang Nga Sergey Kravtsov, phải giải quyết.

Đào tạo và thu hút đội ngũ giáo viên trẻ

Theo số liệu năm 2019, từ 11 - 13% tổng số giáo viên Nga chưa đến tuổi nghỉ hưu hoặc trước tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, ông Boris Chernyshov, Phó Chủ tịch Ủy ban giáo dục và khoa học thuộc Duma quốc gia lo ngại, đào tạo và thu hút cán bộ trẻ vào làm việc ở trường phổ thông là một trong những vấn đề chính trong lĩnh vực giáo dục.

“Ngay trong quá trình đào tạo, các giáo viên tương lai cần có điều kiện đến trường phổ thông và đánh giá khả năng của mình, cũng như môi trường mà ở đó họ sẽ làm việc.

Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm cải thiện các điều kiện làm việc sau này của giáo viên. Trước hết, giải phóng giáo viên khỏi những công việc hành chính, vì chúng lấy mất rất nhiều thời gian của họ.Và sau đó chúng ta phải đối mặt với các vấn đề như nạn bạo hành trong nhà trường”, ông Chernyshov khẳng định.

Ông Boris Chernyshov

Một trong những phương án giải quyết vấn đề này có triển vọng nhất, theo ông Chernyshov, là sự xuất hiện trong các trường phổ thông một chức danh mới chuyên trách về các vấn đề hành chính, không liên quan gì tới quá trình học tập của học sinh.

Cần phải xây dựng một cơ sở hạ tầng trong các trường phổ thông để giáo viên chỉ thực hiện các nhiệm vụ chính của mình – dạy học và giáo dục.

Bà Irina Abankina, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục thuộc Trường Đại học Kinh tế Moskva, đề nghị nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên vì hiện nay ở nhiều trường phổ thông, giáo dục tiểu học không giúp trẻ em tiếp thu các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.

“Kỹ năng làm việc theo nhóm, tư duy phê phán và sáng tạo, tìm kiếm các phương án giải quyết nhiệm vụ được giao, chứng minh chúng... đóng một vai trò rất quan trọng. Các kỹ năng này đang thiếu ở trường tiểu học. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, cần suy nghĩ về việc thay đổi cách học của học sinh mà không làm các em quá tải. Chỉ ngồi vào bàn và học các môn học sẽ không dẫn đến điều gì tốt đẹp” - bà Abankina nói.

Kinh phí ngày càng tăng, giáo viên không hài lòng

Theo các chuyên gia, các trường phổ thông Nga cần quan tâm tới vấn đề số hóa trong dạy học. Điều này có nghĩa là phải tích cực sử dụng không chỉ tài nguyên Internet, mà còn cả công nghệ làm việc trong thực tế.

Bà Irina Abankina

“Những tiện ích mà chúng ta đang tìm mọi cách cấm học sinh sử dụng nên được đưa vào quá trình học tập. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, có những rủi ro nhất định, nhưng mặt khác, số hóa đang phát triển rất nhanh, do đó, không có lý gì chúng ta lại trốn tránh nó”- bà Abankina nói.

Theo ông Chernyshov, việc phát triển các khả năng công nghệ sẽ góp phần chuyển dần các trường phổ thông Nga sang phương pháp liên môn. Có nghĩa là, học sinh không nghiên cứu nhiều hiện tượng trong một môn học, mà là một hiện tượng với sự trợ giúp của một số môn học.

Đồng thời, các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học không nên chỉ dựa vào lòng nhiệt tình của giáo viên.

Theo bà Abankina, tiền lương phải tăng tỷ lệ thuận với khối lượng công việc. Ở các khu vực của nước Nga, mức lương trung bình của giáo viên hiện nay vào khoảng 15.000 - 30.000 rúp/tháng.

Riêng ở Moskva, mức lương cao hơn, từ 70.000 - 90.000 rúp/tháng (khoảng 33 triệu đồng). Nhưng ngay cả số tiền này cũng không hoàn toàn hấp dẫn với một khối lượng công việc khổng lồ.

Theo nhận xét của ông Aleksandr Adamsky, Viện trưởng Viện Các vấn đề chính sách giáo dục Eureka, trong hệ thống giáo dục Nga đang diễn ra một nghịch lý, đó là sự gia tăng tài trợ dẫn đến kết quả tiêu cực.

“Điều này thể hiện rất rõ từ khi Tổng thống ban hành nghị định về mức lương của giáo viên. Số tiền khổng lồ đã được phân bổ, nhưng bầu không khí trong cộng đồng giáo viên lại trở nên tồi tệ hơn. Nguyên nhân làtrong khi khối lượng công việc thường xuyên tăng lên, thì động lực tài chính không đủ, khiến cho sự bất bình với chính quyền tăng lên”, ông Adamsky nói.

Theo ông, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước,Bộ Giáo dục không hoàn thành nhiệm vụ của mình: Bộ không tác động đến số tiền được cấp, cơ chế chi tiêu lẫn hiệu quả của nó. Chính vì vậy mà xuất hiện một khoảng cách lớn giữa việc tài trợ và chất lượng giáo dục.

Trong ba năm gần đây, lĩnh vực giáo dục tiểu học và trung học hoàn toàn mất kiểm soát, vì nhà nước đã buông lỏng chức năng quản lý. “Vì vậy, về nguyên tắc, hệ thống trả công lao động cho giáo viên nói chung đã biến mất. Sự thật là nó không tồn tại”, ông nói.

Hệ thống giáo dục không hấp dẫn

Các chuyên gia không hài lòng với dự thảo mới về “Chuẩn giáo dục quốc gia bắt buộc” đối với tất cả các trường phổ thông và mẫu giáo. Dự thảo được Bộ Giáo dục liên bang Nga phê duyệt ngày 28/11/2019, nhưng nhiều chuyên gia đề nghị không nên vội vàng thông qua.

“Đây là một ý tưởng rất cũ, nó khiến cho học sinh bị quá tải vì phải ghi nhớ một khối lượng thông tin rất lớn. Các nhà giáo dục nhồi nhét vào chuẩn đủ thứ mà họ cho là cần thiết,không học sinh nào có thể học thuộc hết những thứ đó. Đồng thời hằng năm họ lại muốn tiến hành đánh giá chất lượng tất cả các môn học. Tất cả những điều đó sẽ chỉ đuổi theo thành tích cao trên giấy” - ông Aleksandr Adamsky nhận xét.

Đến lượt mình, ông Boris Chernyshov cũng chỉ ra sự lỗi thời của chuẩn giáo dục quốc gia. Theo ông, chỉ có thể tìm thấy con đường phát triển chính xác nhất của lĩnh vực giáo dục thông qua những thử nghiệm và sai sót, chứ không phải đứng yên một chỗ từ năm này sang năm khác.

Ngoài ra, ông Chernyshov cho rằng bản thân học sinh phải tham gia vào việc thảo luận vấn đề chuẩn giáo dục. Mỗi học sinh phải hiểu cụ thể điều gì không phù hợp với mình trong hệ thống giáo dục, và các chuyên gia phải đưa ra kết luận trên cơ sở những cân nhắc này.

Cuối cùng, ông Adamsky nhận xét: Trước khi tiến hành các biện pháp nêu trên, cần bảo đảm hoạt động của hệ thống giáo dục Nga. Để làm điều đó, hiện này cần phải bắt đầu cân nhắc và tìm hiểu phương pháp luận của thế hệ chuẩn giáo dục quốc gia mới, có như vậy chấm dứt mọi cuộc tranh luận.

TheoGazeta.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ