Mặt khác, theo quan điểm “phát huy tính chủ động tích cực của học sinh”, hệ thống bài tập hiện nay không chỉ là bài tập thực hành mà còn là cả một con đường mà thông qua đó, học sinh sẽ tự tìm tri thức hình thành kỹ năng và hiểu biết về kiểu bài văn tả cảnh.
Chính vì vậy việc xây dựng hệ thống bài tập rèn kỹ năng làm văn tả cảnh cho học sinh là vô cùng cần thiết.
Nguyên tắc xây dựng bài tập
Trong quá trình xây dựng hệ thống bài tập cần dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau đây:
Đảm bảo mục tiêu môn học rèn kỹ năng tạo lập văn bản.
Đảm bảo tính hệ thống, tính đa dạng và phong phú.
Phù hợp với thực tiễn dạy học văn tả cảnh ở lớp 5, phù hớp với đặc điểm học sinh tiểu học.
Đảm bảo phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh.
Các bài tập hình thành kiến thức hiểu biết về kiểu bài
Với các bài tập hình thành kiến thức hiểu biết về kiểu bài, giáo vien có thể hướng dẫn học sinh làm một số bài tập như sau:
Bài tập 1: Khoanh tròn vào chữ cái trước những cách làm giúp cho ta viết bài văn tả cảnh sinh động giàu tình cảm:
a. Quan sát cảnh bằng tất cả các giác quan (Có thể nhắm mắt lại để lắng nghe, hít đầy lồng ngực hương thơm hay cảm nhận sự vật bằng da thịt...)
b. Trong khi quan sát, ta chú ý liên tưởng đến các sự vật khác.
c. Hình dung cảnh vật có tâm hồn như con người
d. Phải sử dụng biện pháp liệt kê để kể ra hết bộ phận của cảnh.
e. Lựa chọn được những từ ngữ hay, chính xác, độc đáo để miêu tả sự vật.
Mục đích của bài tập: Thông qua bài tập giúp học sinh có được những hiểu biết về cách viết bài văn tả cảnh thông qua việc giới thiệu:
Cách quan sát cảnh vật, cách liên tưởng, cách lựa chọn hình ảnh, từ ngữ.
Đáp án mẫu: Học sinh khoanh tròn ý a, b, c, e.
Bài tập 2: Đánh dấu x vào ô trông trước những dòng nêu nội dung ta cần thực hiện khi tả cảnh:
a. Phải biết lựa chọn trình tự miêu tả
b. Xây dựng được cốt truyện
c. Phải biết lựa chọn sự vật, hiện tượng để miêu tả
d. Cần biết sử dụng từ ngữ có hình ảnh để miêu tả.
e. Phải miêu tả các sự vật hiện tượng riêng lẻ không liên quan đến nhau.
g. Nên miêu tả các sự vật, hiện tượng, con người trong mối liên quan gắn bó với nhau.
Mục đích bài tập: Củng cố kiến thức kỹ năng về cách viết và xây dựng nội dung bài văn tả cảnh.
Đáp án mẫu: Học sinh đánh dấu x vào ô trống trước dòng a, c, d, g.
Bài tập 3: Khoanh tròn vào chữ cái trước dòng đúng.
Chúng ta có thể viết mở bài gián tiếp cho bài văn tả cảnh bằng cách:
a. Giới thiệu các sự vật khác rồi mới giới thiệu cảnh định tả.
b. Giới thiệu trực tiếp ngay cảnh định tả.
c. Bộc lộ cảm xúc rồi giới thiệu cảnh định tả
d. Dùng đoạn thơ hoạc một đoạn lời bài hát có liên quan để giới thiệu cảnh định tả.
Mục đích: Thông qua bài tập giúp học sinh nắm được cách viết mở bài gián tiếp cho bài văn tả cảnh theo các cách khác nhau.
Đáp án mẫu: Học sinh khoanh tròn trước các ý a,c,d
Bài tập 4: Đọc đoạn văn sau đây và trả lời câu hỏi:
“Đó là một buổi chiều mùa hạ có mây trắng xô đuổi nhau trên cao. Nền trời xanh vời vợi. Con chim sơn ca cất lên tiếng hót tự do tha thiết đến nỗi khiến người ta phải ao ước giá mà mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là nắng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng lúa ngậm đòng và hương sen. Một chú nhái bén nấp đâu đó nhảy tõm xuống đồng làm mặt nước nổi lên những vòng sóng. Làn nước trong veo chẳng khác nào một chiếc gương để khoảng trời tự ngắm vẻ đẹp và sự khoáng đạt của mình.”
- Đoạn văn trên có phải văn tả cảnh không? Vì sao?
- Tác giả đã quan sát sự vật bằng những giác quan nào?
- Trong đoạn văn trên em thích hình ảnh nào nhất vì sao?
Mục đích của bài tập: Giúp học sinh nhận biết kiểu bài; nắm được cách quan sát khi miêu tả, biết lựa chọn hình ảnh tiêu biểu trong đoạn văn tả cảnh.
Đáp án mẫu: Đoạn văn trên là đoạn văn tả cảnh vì trọng tâm miêu tả của cảnh là cảnh vật thiên nhiên, đồng quê.
Tác giả đã quan sát bằng các giác quan như thị giác ( mắt) thính giác ( tai) khứu giác ( mũi ngửi)
Học sinh lựa chọn theo ý cá nhân, ví dụ hình ảnh: Làn nước trong veo chẳng khác nào một chiếc gương để khoảng trời tự ngắm vẻ đẹp và sự khoáng đạt của mình. Em thích hình ảnh trên vì tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh, liên tưởng rất thú vị.
Bài tập 6: Trong hai mở bài sau, mở bài nào là mở bài trực tiếp, mở bài nào là mở bài gián tiếp.
“Hàng ngày đến trường em phải đi qua một cánh đồng lúa rộng mênh mông”.
“Quê hương là cánh diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng”. Quê hương của tôi là cánh đồng lúa xanh mát bao quanh làng, nơi gắn bó bao kỉ niệm thời thơ ấu của tôi.
Mục đích của bài tập: Giúp học sinh nắm vững cách viết mở bài trong văn tả cảnh.
Đáp án: a) Mở bài trực tiếp; b) Mở bài gián tiếp
Bài tập 7: Đọc đoạn văn sau đây và trả lời câu hỏi: “Cảnh hừng đông mặt biển thật nguy nga rực rỡ. Phía hai bên, những đám mây trắng hồng hầu như dựng đứng, hơi ngả xô về phía trước. Tất cả đều mời mọc lên đường. Xa xa, mấy chiếc thuyền nữa cũng đang chạy ra khơi, phía sau nom như một con chim đang đỗ sau lái, cổ rướn cao sắp cất lên tiếng hót.”
Đoạn văn miêu tả cảnh gì? Tác giả miêu tả theo trình tự nào?
Mục đích của bài tập: Giúp học sinh nhận biết đoạn văn tả cảnh, trọng tâm miêu tả. Nắm được trình tự miêu tả trong bài văn tả cảnh.
Đáp án: a) Đoạn văn miêu tả cảnh hừng đông mặt biển; b) Trong đoạn văn trên tác giả miêu tả theo trình tự không gian.
Các bài tập thực hành luyện kĩ năng làm văn tả cảnh
Nhóm bài tập rèn kĩ năng tìm hiểu đề:
Mục đích của nhóm bài tập này là rèn kĩ năng xác định yêu cầu của đề bài, đối tượng miêu tả, trọng tâm miêu tả, giúp học sinh tránh lúng túng khi triển khai bài viết, không bị lạc đề.
Bài tập 1: Em hãy đọc kĩ đề bài sau và trả lời câu hỏi:
Đề bài: Em hãy tả lại một cảnh đẹp của địa phương em.
- Đề bài yêu cầu em viết bài thuộc thể loại gì? Kiểu gì?
- Đối tượng miêu tả là gì?
- Trọng tâm miêu tả là gì?
- Cảnh vật em có thể lựa chọn để tả là cảnh vật nào?
Đáp án mẫu:
a) Đề bài yêu cầu viết bài văn miêu tả kiểu bài tả cảnh.
b) Đối tượng miêu tả là cảnh vật
c) Trọng tâm miêu tả: Cảnh vật thiên nhiên ở địa phương em.
d) Cảnh vật em tả có thể là một dòng sông, cánh đồng hoặc một mặt hồ...
Bài tập 2: Đọc kỹ đề bài sau và đánh dấu trước ô trả lời đúng nhất
Trọng tâm miêu tả của bài là:
- Bầu trời trong đêm trăng
- Mặt đất trong đêm trăng
- Cảnh bầu trời và mặt đất trong đêm trăng
Đáp án đúng: Cảnh bầu trời và mặt đất trong đêm trăng.
Nhóm bài tập rèn kỹ năng quan sát:
Mục đích của bài tập: Giúp học sinh rèn luyện kỹ năng quan sát, lựa chọn những chi tiết đặc sắc, thu nhận những nhận xét, so sánh liên tưởng, biểu cảm trong quan sát cảnh vật.
Bởi nếu quan sát chỉ là đề liệt kê cho hết cho đủ các đặc điểm, các bộ phận của đối tượng thì đó không phải là mục đích cuối cùng của việc quan sát trong văn miêu tả cảnh.
Nếu quan sát kỹ lưỡng thấu đáo bài viết sẽ sâu sắc. Hệ thống bài tập này nhằm hoàn thiện kỹ năng quan sát theo mức độ nâng dần từ đơn giản đến phức tạp.
Bài tập 1: Quan sát cảnh một đêm trăng đẹp ở quê hương em và ghi lại kết quả quan sát được theo những gợi ý sau:
- Bầu trời trong đêm trăng như thế nào?
- Hình dáng mặt trăng ra sao?
- Cảnh vật mặt đất có gì nổi bật?
Đáp án: Trong đêm trăng:
- Bầu trời cao vời vợi, muôn ngàn vì sao lấp lánh.
- Trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng như một chiếc đĩa bạc.
- Cảnh vật mặt đất được ánh trăng nhuộm vàng, cây cối in bóng xuống mặt đất ẩm sương. Gió nồm nam thổi mát rượi mang theo hương sen thơm ngát.
Bài tập 2: Dựa vào kết quả quan sát kết hợp với sự liên tưởng của mình em hãy nối các từ ngữ chỉ sự vật ở cột A với các hình ảnh so sánh liên tưởng ở cột B
Trăng đầu tháng | như chiếc gương phản chiếu mây trời | |
Những giọt sương trên lá | mảnh như lá dứa | |
Mặt sông trong xanh | long lanh như những hạt ngọc |
Đáp án: Học sinh có thể đưa ra đáp án đúng như sau:
- Trăng đầu tháng mảnh như lá lúa
- Những giọt sương trên lá long lanh như những hạt ngọc.
- Mặt sông trong xanh như chiếc gương phản chiếu mây trời.
Nhóm bài tập rèn kỹ năng lập dàn ý:
Mục đích của bài tập là giúp học sinh rèn kỹ năng lập dàn ý, sắp xếp tổ chức các ý của bài văn một cách chặt chẽ hợp lý.
Bài tập 1: Sắp xếp các ý sau theo trình tự miêu tả hợp lý về ngôi trường của em.
a. Sân trường có nhiều cây
b. Ngôi trường ven đường quốc lộ.
c. Cây bàng xòe tán lá mát rượi.
d. Cây phượng nở hoa đỏ rực.
e. Tòa nhà màu vàng lấp ló sau rặng cây.
Đáp án: a. Ngôi trường ven đường quốc lộ.
e. Tòa nhà màu vàng lấp ló sau rặng cây.
a. Sân trường có nhiều cây.
c. Cây bàng xòe tán lá mát rượi.
d. Cây phượng nở hoa đỏ rực.
Bài tập 2: Lập dàn ý chi tiết cho bài văn tả dòng sông quê em dựa vào các câu hỏi gợi ý sau:
a) Mở bài: Tên sông là gì? Sông có gắn bó gì với em?
b) Thân bài:
- Đặc điểm: Sông chảy thẳng hay quanh co, uốn lượn.
Lòng sông rộng hay hẹp? Nước sông nhiều hay ít? Màu sắc nước sông thế nào?
- Cảnh vật hai bên bờ sông: Trên mặt sông có hình ảnh gì nổi bật? Cảnh hai bên bờ có gì làm em thích thú.
- Em thích ngắm dòng sông vào thời điểm nào?
c) Kết luận: Cảm nghĩ của em?
* Đáp án: a) Mở bài:
- Con sông chảy qua quê em có tên đặc biệt sông Giàn. Sông gắn liền với bao kỷ niệm tuổi thơ em.
b) Thân bài:
- Đặc điểm:
+ Sông uốn lượn ôm ấp xóm làng.
+ Lòng sông rộng, nước sông đầy ăm ắp.
+ Màu sông đỏ gạch phù sa.
- Cảnh vật hai bên bờ sông:
+ Trên sông từng đoàn thuyền ngược xuôi.
+ Hai bên bờ làng mạc trù phú.
+ Em thích ngắm sông vào mỗi buổi hoàng hôn.
c) Kết luận:
Em yêu dòng sông quê em như yêu người mẹ hiền của mình.
Nhóm bài tập rèn kỹ năng sử dụng từ viết câu văn có hình ảnh:
Gồm bài tập điền từ vào chỗ trống nhằm luyện cho học sinh kỹ năng lựa chọn từ ngữ gợi tả, gợi cảm điền vào câu đoạn cho phù hợp làm cho câu văn hoàn chỉnh về ngữ pháp, giàu hình ảnh về nội dung diễn đạt;
Bài tập thay thế từ: Rèn cho học sinh kỹ năng huy động từ, lựa chọn thay thế từ, rèn thói quen, nhu cầu động nào, tăng cường liên tưởng, tưởng tượng để lựa chọn các từ ngữ có giá trị biểu hiện, biểu cảm cao khi viết văn tả cảnh;
Bài tập viết câu: Luyện viết câu rèn cho học sinh biết sử dụng từ láy, tính từ tuyệt đối, biện pháp so sánh nhân hóa để diễn đạt được những câu văn sinh động, gợi tả, gợi cảm về nội dung.
Nhóm bài tập rèn kỹ năng xây dựng đoạn văn:
Mục đích của bài tập: Trong các bài văn tả cảnh của học sinh tiểu học đoạn văn xuất hiện thường có độ dài trung bình khoảng 5 đến 7 câu. Vì số lượng câu không nhiều nên dễ bao quát toàn bộ đoạn văn một cách thuận lợi. Chính vì vậy chúng ta cần rèn kỹ năng xây dựng đoạn văn cho học sinh. Đây là cơ sở cho các em xây dựng bài văn.
Bài tập 1: Hãy viết câu mở đầu cho mỗi đoạn văn sau:
…. Chúng em thường rủ nhau ra sông tắm mát. Sông ôm chúng em vào lòng dịu dàng như người mẹ với đàn con. Buổi tối em cùng các bạn bơi thuyền trên sông hóng mát. Sông ì oạp vỗ vào mạn thuyền như ru chúng em ngủ.
Đáp án: Học sinh có thể viết câu mở đoạn: Dòng sông quê hương nơi đã gắn bó bao kỷ niệm tuổi thơ em.
Bài tập 2: Hãy viết tiếp khoảng 2-3 câu để có đoạn văn tả cảm xúc của em với sự vật được tả.
Ơi, con đường thân quen, nơi ôm ấp kỷ niệm tuổi thơ tôi!....
Đáp án: Ơi, con đường thân quen, nơi ôm ấp kỷ niệm tuổi thơ tôi! Con đường nơi in dâu chân tôi ngày hai buổi tới trường. Đường là bạn tâm tình tôi kể chuyện buồn vui. Đường nâng nâng bước chân tôi vững chãi bước vào đời.