Uống rượu, ngoài nguyên nhân do thói quen, truyền thống văn hóa còn bởi nam giới muốn khẳng định bản lĩnh, vị thế của mình với gia đình, xã hội.
Mừng hay lo
Với hàng tỷ lít rượu, bia được tiêu thụ mỗi năm, Việt Nam được xếp vào danh sách những nước tiêu thụ mặt hàng trên nhiều nhất trên thế giới. Còn theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, việc sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam khá phổ biến, đặc biệt là ở nam giới. Ước tính có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày.
Rượu, bia có mặt trong hầu hết các bữa ăn của gia đình từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Người dân uống rượu, bia để chúc mừng lễ tân gia, đám cưới hay uống rượu, bia để chia buồn trong đám hiếu. Có thể nói, rượu, bia trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực, văn hóa của người dân. Tuy nhiên, nếu ai cũng uống cầm chừng, uống một lượng vừa phải thì không có gì đáng bàn. Điều đáng nói lượng rượu, bia ở được sử dụng ở nước ta tăng hàng năm. Buồn, vui, nhàn rỗi tìm đến rượu bia… khiến nhiều chuyện đau lòng xảy ra. Uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, bốc đồng, chạy xe với tốc độ cao do bị kích thích, rượu gây ức chế não bộ làm cho người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe. 70% số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tai nạn giao thông thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18 - 24 giờ.
Cần cách tiếp cận mới
Nghiên cứu của tác giả An Thanh Ly (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo HIV/AIDS - ĐH Y Hà Nội) cho thấy rượu, bia giúp nam giới thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình. Một ly rượu để trụ cột trong gia đình cám ơn mọi người đã giúp đỡ gia đình khi có việc. Mặt khác, đàn ông coi việc uống rượu, bia là cách để duy trì và mở rộng quan hệ xã hội. “Bên bàn rượu, nam giới dễ kết bạn với nhau hơn. Các mâu thuẫn hay chuyện làm ăn cũng được giải quyết nhanh gọn trên bàn nhậu” - tác giả An Thanh Ly nhận định.
Uống rượu, bia không chỉ là phương tiện giúp nam giới thể hiện nam tính mà quan niệm “nam vô tửu như kỳ vô phong” đã tồn tại lâu đời, như một lời khẳng định không có đàn ông không biết uống rượu. Bên cạnh đó, đa phần nữ giới thích đàn ông biết uống rượu hơn những người không uống được. Họ cho rằng, đàn ông không biết uống rượu sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp, công việc với bạn bè và cộng đồng. Sự tán thưởng của phụ nữ góp phần củng cố giá trị của khả năng uống rượu, bia nói riêng và sự mạnh mẽ nói chung đối với nam giới. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực uống rượu, bia nhiều khi không xuất phát từ bản thân họ mà do xã hội, người thân mang lại. Do vậy, muốn hạn chế hành vi sử dụng bia, rượu ở nam giới, trước hết phải thay đổi quan niệm, thói quen của xã hội.