Hệ lụy trẻ gặp phải khi chào đời trong đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Sinh con trong thời điểm dịch Covid-19, nhiều bậc cha mẹ lo ngại trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi đây là giai đoạn hình thành và phát triển nhiều kỹ năng.

Sự phát triển ngôn ngữ và xã hội của trẻ có thể chậm hơn một chút do khẩu trang trong đại dịch.
Sự phát triển ngôn ngữ và xã hội của trẻ có thể chậm hơn một chút do khẩu trang trong đại dịch.

>>> Đồng hành 'tháo khẩu trang' cho con

>>> Đại dịch kết thúc, vì sao trẻ vẫn 'thu mình' sau lớp khẩu trang?

Có thể phát triển chậm hơn

Bà Ashley Ruba - nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Cảm xúc Trẻ em của Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), cho biết: “Có những giai đoạn nhạy cảm trong quá trình phát triển thời thơ ấu. Trong đó, ngôn ngữ và cảm xúc thực sự phát triển nhanh chóng ở vài năm đầu đời”.

Chuyên gia này cho biết thêm, có thể sử dụng các dấu hiệu bằng lời nói hoặc khuôn mặt của người khác để tìm hiểu cảm giác của ai đó, hoặc nhận biết khía cạnh an toàn cũng như nguy hiểm của môi trường và con người. Khả năng này là một nhiệm vụ quan trọng đối với trẻ nhỏ.

Những lo ngại rằng, việc đeo khẩu trang có thể cản trở những trải nghiệm học tập và kỹ năng giao tiếp tự nhiên đã được nghiên cứu trước đại dịch. Theo một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí Cognition, khi trẻ từ 3 - 8 tuổi nhìn khuôn mặt bị che đi, chúng không biểu hiện bất kỳ sự suy giảm nào trong việc phân loại các biểu cảm.

Các nhà nghiên cứu viết rằng, điều này cho thấy, trẻ em dưới 9 tuổi thích nghiên cứu vùng mắt ngay cả khi chúng có thể nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt.

Trong thời kỳ đại dịch, Ruba cũng đã nghiên cứu xem liệu khẩu trang có ảnh hưởng đến khả năng hiểu nét mặt của trẻ hay không. Ruba và đồng tác giả đã cho hơn 80 trẻ em từ 7 - 13 tuổi xem những bức ảnh về hàng loạt khuôn mặt không bị che khuất. Song, những khuôn mặt này được che bởi khẩu trang hoặc đeo kính râm. Những khuôn mặt hiện rõ nỗi buồn, giận dữ hay sợ hãi.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, khi được yêu cầu gán một trong sáu cảm xúc cho mỗi khuôn mặt, trẻ em đã đúng 66% về những khuôn mặt không bị che. Khi nhìn vào những khuôn mặt đeo khẩu trang, trẻ gặp khó khăn nhưng có thể xác định chính xác nỗi buồn khoảng 28%, tức giận 27% và sợ hãi 18%.

Dựa trên những phát hiện này và tính linh hoạt bẩm sinh của trẻ trong việc thích ứng với thử thách hoặc bắt kịp, một số chuyên gia không nghi ngờ bất kỳ tác động lâu dài nào của việc đeo khẩu trang đối với sự phát triển của trẻ.

Tiến sĩ nhi khoa Hugh Bases tại Bệnh viện Nhi Hassenfeld thuộc NYU Langone Health, cho biết: “Tôi nghĩ dù có tác động gì đi chăng nữa, chúng ta cũng sẽ nhanh chóng phục hồi”.

Trong khi đó, theo bà Amy Learmonth - Giáo sư tâm lý học tại Trường Đại học William Paterson, sự phát triển ngôn ngữ và xã hội của trẻ có thể chậm hơn một chút do khẩu trang trong đại dịch.

Những đứa trẻ sinh ra trong đại dịch có hành vi và sự phát triển bình thường.

Những đứa trẻ sinh ra trong đại dịch có hành vi và sự phát triển bình thường.

Sự khác biệt giữa các lứa tuổi và phong cách học tập

Theo Học viện Nhi khoa Mỹ, ngay từ khi chào đời, trẻ sơ sinh đã học giao tiếp bằng cách quan sát khuôn mặt, miệng, giọng nói của người thân và cố gắng phản ứng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ không khuyến nghị trẻ em dưới 2 tuổi đeo khẩu trang. Bà Learmonth cho biết, đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi, việc học cách giao tiếp thông qua các tín hiệu thị giác có lẽ quan trọng hơn.

Theo chuyên gia này, nếu lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ và xã hội của con mình trong thời kỳ đại dịch, các phụ huynh chỉ cần đảm bảo dành thời gian để nói chuyện trực tiếp với trẻ cũng như không đeo khẩu trang. Những tương tác này có thể diễn ra trong lúc tắm, giờ chơi hoặc bữa ăn.

Ngoài ra, cuộc trò chuyện thường không chỉ là nội dung bằng lời nói. Các yếu tố khác như giọng nói hoặc cử chỉ cơ thể không bị khẩu trang che khuất có thể bổ sung vào bối cảnh giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp.

Theo Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ, trẻ nhỏ, kể cả những trẻ khiếm thị, sẽ sử dụng các đầu mối hoặc giác quan khác để hiểu và học ngôn ngữ. Tuy nhiên, có một mối lo ngại đối với những đứa trẻ có sự phát triển ngôn ngữ hoặc xã hội không điển hình. Với trẻ chậm phát triển ngôn ngữ hoặc hiểu các tín hiệu xã hội, các em có thể bị tụt lại phía sau xa hơn.

Nữ phụ huynh Alex Thomas cùng hai con.

Nữ phụ huynh Alex Thomas cùng hai con.

Kỹ năng giao tiếp bị tụt hậu

Trong khi đó, một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ sinh ra trong đại dịch có hành vi và sự phát triển tương tự so với bình thường. Song, kỹ năng giao tiếp của những trẻ này bị tụt hậu so với thế hệ trước.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học có trụ sở tại Đại học Giải phẫu Hoàng gia ở Ireland (RCSI). Nghiên cứu nhằm xem xét cuộc sống của những đứa trẻ được sinh ra trong đại dịch, cũng như tác động đối với sức khỏe và sự phát triển của chúng.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm do bà Susan Byrne - giảng viên cao cấp tại RCSI và Jonathan Hourihane, Giáo sư nhi khoa của RCSI dẫn đầu. Nghiên cứu tập trung vào những em bé sinh ra trong ba tháng đầu tiên phong tỏa. Đồng thời, những trẻ này được so sánh với một nhóm tương tự được sinh ra trước đại dịch. Tổng cộng có 354 gia đình và con của họ tham gia vào nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, vào thời điểm sáu tháng, trung bình chỉ có ba người hôn em bé, bao gồm cả cha mẹ chúng. Điều đó cho thấy, các em bé đã gặp rất ít người thân hoặc bạn bè của gia đình. Một trong bốn đứa trẻ chưa từng gặp bạn nào cùng tuổi vào ngày sinh nhật đầu tiên.

Khi được hỏi cảm giác nuôi dạy một đứa trẻ trong thời gian phong tỏa, các cha mẹ thường sử dụng những từ như “cô đơn” và “cô lập”. Mặt khác, người ta cũng nhận thấy rằng, thời gian dành cho gia đình và sự gắn kết được mở rộng hơn. Những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ đại dịch có thể nghe được ít từ hơn vì chúng không ra khỏi nhà. Điều này có thể dẫn đến điểm giao tiếp của chúng thấp hơn một chút so với những đứa trẻ sinh ra trước đó.

Tuy nhiên, kỹ năng vận động và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ không ảnh hưởng. Ngoài ra, các bảng câu hỏi do cha mẹ điền vào cho thấy, không có sự khác biệt nào trong hành vi của con họ liên quan đến vấn đề về giấc ngủ, lo lắng hoặc thu mình khỏi xã hội.

Hiện, nhóm hy vọng sẽ mở rộng nghiên cứu và theo dõi các em bé cho đến khi chúng 5 tuổi. “Các hạn chế về Covid đã kết thúc cách đây khá lâu. Các em bé đã được ra ngoài và thực hiện mọi hoạt động bình thường, gặp gỡ những người khác, đi chơi nhóm. Hy vọng rằng, những phát hiện này sẽ ổn định khi trẻ lên 5 tuổi. Song, chúng ta cần tìm hiểu một cách thuyết phục xem liệu điều đó có thực sự đúng như vậy không”, bà Byrne cho biết.

Song, những kết luận tương đối đáng khích lệ của nghiên cứu này trái ngược với kết quả học tập của trẻ lớn hơn.

Mới đây, một nghiên cứu tiết lộ, học sinh tiểu học ở Anh vẫn học kém hơn ở môn Toán và Viết so với các tiêu chuẩn được thiết lập trước khi đại dịch bùng phát. Hiệu suất đọc của trẻ cũng sa sút.

Cụ thể, các bài kiểm tra đánh giá tiêu chuẩn được thực hiện ở Anh vào cuối bậc tiểu học cho thấy sự cải thiện đôi chút so với năm ngoái. Song, kết quả của trẻ vẫn kém xa so với năm 2019. Các bài kiểm tra đã không được thực hiện vào năm 2020 và 2021 vì sự gián đoạn của Covid-19.

Người ta thấy rằng, chưa đến 3/5 số học sinh đạt được tiêu chuẩn mong đợi ở các môn chính là Đọc, Viết và Toán. Con số 59% của năm nay giảm so với mức 65% trước khi khóa học và thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 90% học sinh đạt tiêu chuẩn dự kiến ở cả ba môn học ở giai đoạn 2 của chính phủ vào năm 2030.

Tiến sĩ Mary Bousted - Tổng thư ký của Liên minh Giáo dục Quốc gia (Anh), cho biết: “Kết quả khẳng định quan điểm của các giáo viên và nhà nghiên cứu. Đó là các trường tiểu học vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch”.

Bà Alex Thomas - mẹ của Jacob (3 tuổi) và Maddie (4 tuổi), sống ở Rừng Waltham chia sẻ: “Cả hai đứa con của tôi đều được giới thiệu đi trị liệu ngôn ngữ. Jacob chào đời vào tháng 4/2020, ngay thời điểm bắt đầu đại dịch, khi con gái tôi được 18 tháng tuổi. Thời điểm đó, nhà trẻ đóng cửa nên bé không thể đi học nữa”.

Nữ phụ huynh chia sẻ, trong thời gian phong tỏa, trẻ không được tiếp xúc hàng ngày với các nhóm chơi, bạn bè và gia đình: “Tôi nhận thấy ngôn ngữ của Maddie không phát triển. Lên 2 tuổi, con bé vẫn không nói được từ nào. Vì vậy, tôi đã nhờ người thăm khám sức khỏe của mình giới thiệu cho một nhà trị liệu ngôn ngữ. Các buổi học diễn ra qua Zoom và nhà trị liệu chỉ tương tác với tôi chứ không phải con gái tôi. Ngay cả vào tháng 9/2022, khi gần 4 tuổi, con bé vẫn chưa thực sự biết nói. Kể từ đó, chúng tôi đã trả 80 bảng một giờ cho liệu pháp ngôn ngữ riêng”.

Không chỉ vậy, con trai của nữ phụ huynh này cũng nằm trong danh sách chờ trị liệu ngôn ngữ. Khi bắt đầu đi học mẫu giáo, cậu bé không nói được bất kỳ từ nào. “Tôi nghĩ điều đó ít nhất một phần là do sự cô lập mà mọi người phải chịu trong thời kỳ đại dịch”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Theo CBS News; The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.