Đại dịch kết thúc, vì sao trẻ vẫn 'thu mình' sau lớp khẩu trang?

GD&TĐ - Dù đại dịch được coi là đã kết thúc, nhưng nhiều em vẫn duy trì thói quen thu mình sau lớp khẩu trang trước các mối quan hệ, bao gồm người thân...

Nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường của trẻ, phụ huynh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc nhà trường. Ảnh minh họa.
Nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường của trẻ, phụ huynh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc nhà trường. Ảnh minh họa.

Trẻ thu mình hơn sau đại dịch có thể do nhiều yếu tố, từ việc trải qua hạn chế tiếp xúc xã hội đến những lo ngại của phụ huynh và chính trẻ trước vấn đề sức khỏe, an toàn.

Phương pháp phát triển kỹ năng giao tiếp

Khi đại dịch bùng phát, gần 150 triệu trẻ em đã không được đến trường, tương đương với 2 nghìn tỷ giờ học bị mất. Hai phần ba trẻ em trong độ tuổi đi học trên thế giới không thể truy cập giáo dục trực tuyến trong thời gian trường học đóng cửa vì không có kết nối Internet tại nhà.

Việc đóng cửa trường học kéo dài đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, ảnh hưởng nặng nề đến những trẻ em thiếu khả năng tiếp cận công nghệ và các hỗ trợ trực tuyến khác cho việc học tập tại nhà. Đồng thời, dẫn đến tình trạng sa sút trong học tập và tăng tỷ lệ học sinh bỏ học.

Covid-19 được coi là cuộc khủng hoảng kinh tế, giáo dục và y tế toàn cầu lớn nhất trong lịch sử, gây ảnh hưởng đến mọi trẻ em trên toàn thế giới. Các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ngay từ đầu.

Đại dịch bùng phát vào thời điểm được coi là quan trọng để trẻ phát triển các kỹ năng. Một số cha mẹ lo rằng, việc đeo khẩu trang sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ. Mặc dù, đại dịch đã kết thúc, nhưng không ít phụ huynh lo ngại rằng, tâm lý trẻ vẫn chịu ảnh hưởng sau thời gian dài “sống chung” với khẩu trang trong môi trường bị thu hẹp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đinh Văn Mãi - Thạc sĩ Công tác xã hội, giảng viên Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) dẫn chứng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 diễn ra vào cuối năm 2019 tác động không nhỏ đến trẻ em và thanh, thiếu niên. Thời điểm đó, trẻ phải ở nhà nhiều hơn, hạn chế việc giao tiếp trực tiếp, thường xuyên “gắn bó” với chiếc khẩu trang.

Trẻ em có khả năng thích ứng nhanh chóng với việc giao tiếp qua khẩu trang. Ảnh minh họa.

Trẻ em có khả năng thích ứng nhanh chóng với việc giao tiếp qua khẩu trang. Ảnh minh họa.

Trẻ em đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần chưa từng có như thời gian cách ly lặp đi lặp lại, trường học đóng cửa, chuyển qua học trực tuyến, mối quan hệ bạn bè bị rạn nứt, lây nhiễm Covid-19, mất mát người thân hay cảm thấy khó chịu trong cuộc sống.

Có một số nghiên cứu đã xem xét tác động của việc đeo khẩu trang và đại dịch Covid-19 đối với kỹ năng giao tiếp của trẻ em. Kết quả khái quát cho thấy, khẩu trang có thể làm giảm sự hiểu biết về ngôn ngữ cơ thể và diễn đạt của trẻ em khi nhìn thấy khuôn mặt. Tuy nhiên, nhiều trẻ có thể thích nghi bằng cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ, chẳng hạn như việc sử dụng cử chỉ và âm thanh để thể hiện ý định.

Cụ thể, nghiên cứu của các học giả thuộc Trường Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) được công bố trên tập san PLOS One khẳng định, thói quen mang khẩu trang trong đại dịch Covid-19 không cản trở quá trình phát triển xã hội hay giao tiếp của trẻ.

Trẻ em có khả năng thích ứng nhanh chóng với việc giao tiếp qua khẩu trang. Trẻ có thể tìm ra cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp phi ngôn ngữ và học cách đọc biểu cảm từ mắt cũng như cử chỉ để hiểu người khác.

Cụ thể, theo thông tin từ Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ (AAP), ngay từ khi mới sinh trẻ em đã học cách giao tiếp bằng cách quan sát khuôn mặt, miệng, giọng nói của người thân và đáp lại. Bên cạnh đó, các yếu tố như âm lượng, ngữ điệu của giọng nói, cử chỉ cơ thể - vốn không bị ảnh hưởng bởi khẩu trang. Điều đó cũng đóng vai trò trong việc giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp.

“Đa số nghiên cứu cho rằng, cần tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội để phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua các phương pháp khác nhau, thúc đẩy sự linh hoạt và sáng tạo trong việc giao tiếp, bất kể có khẩu trang hay không”, chuyên gia nhấn mạnh.

Ranh giới giữa “thu mình” và “khủng hoảng” tâm lý ở trẻ có thể mong manh và không dễ dàng nhận biết. Ảnh minh họa.

Ranh giới giữa “thu mình” và “khủng hoảng” tâm lý ở trẻ có thể mong manh và không dễ dàng nhận biết. Ảnh minh họa.

Sự hỗ trợ cần thiết từ nhà trường và gia đình

Phía sau lớp khẩu trang, không ít trẻ trở nên thu mình hơn. Dù đại dịch được coi là đã kết thúc, nhưng nhiều em vẫn duy trì thói quen thu mình lại trước các mối quan hệ, bao gồm người thân, thầy cô và bạn bè.

Lý giải về tình trạng này, ThS Đinh Văn Mãi cho biết, trẻ thu mình hơn sau đại dịch có thể do nhiều yếu tố, từ việc trải qua hạn chế tiếp xúc xã hội đến những lo ngại của phụ huynh và chính trẻ trước vấn đề sức khỏe, an toàn.

Do đó, chuyên gia nhận định, trong bối cảnh này, phụ huynh và nhà trường, thầy cô cần có những hỗ trợ cụ thể. Từ đó, giúp trẻ cởi mở, hòa nhập hơn. Cha mẹ cũng cần dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện, lắng nghe, cũng như vui chơi, hỗ trợ trẻ khi ở nhà. Như vậy, trẻ sẽ cảm nhận được sự gần gũi, quan tâm thường xuyên của cha mẹ.

Đồng thời, thầy cô cần tạo điều kiện cho trẻ để các em thể hiện ý kiến, chia sẻ suy nghĩ. Giáo viên cũng nên khen ngợi những quan điểm tích cực của trẻ thông qua các hoạt động nhóm, thảo luận khi học tập, hoặc hoạt động ngoại khóa.

“Ngoài ra, nhà trường cần phát triển đa dạng các hoạt động học tập cũng như hoạt động ngoại khóa thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: Câu lạc bộ, trại hè, sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao trong trường hoặc dự án cộng đồng do trẻ hoặc nhóm trẻ khởi xướng… Những hoạt động này sẽ gia tăng cơ hội cho trẻ trao đổi, làm việc nhiều hơn với bạn bè. Từ đó, giúp trẻ gia tăng sự tự tin”, ThS Đinh Văn Mãi chia sẻ.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, nhà trường nên xây dựng và thực hiện dịch vụ tư vấn – tham vấn học đường. Qua đó, cung cấp các hỗ trợ tâm lý thông qua hoạt động tư vấn, trò chuyện, hoạt động phát triển lòng tự tin, vượt qua nỗi sợ cho trẻ.

Ông Mãi cho rằng, ranh giới giữa “thu mình” và “khủng hoảng” có thể mong manh và không dễ dàng nhận biết. Các dấu hiệu khủng hoảng hay sang chấn tâm lý của trẻ có thể không rõ ràng. Những dấu hiệu này cũng phụ thuộc vào từng tình huống khác nhau. Do đó, phụ huynh cần dựa vào một số dấu hiệu để kịp thời nắm bắt khi trẻ đang trải qua khủng hoảng tâm lý.

Chuyên gia cho biết, phụ huynh cần quan sát biểu hiện thay đổi của trẻ. Dấu hiệu đáng chú ý có thể là những thay đổi đột ngột về thái độ, hành vi, hoạt động thường ngày của trẻ. Phụ huynh cần chú ý quan sát, theo dõi những biểu hiện của trẻ để có những hỗ trợ kịp thời.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên lắng nghe và giao tiếp với con. Thay vì chỉ trích, phụ huynh cần dành thời gian để lắng nghe trẻ chia sẻ. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ sau một ngày, tập cho con viết nhật ký cảm xúc. Phụ huynh chú ý những lời nói, hành động tiêu cực của trẻ khi tiếp xúc với con.

“Nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường của trẻ, phụ huynh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc nhà trường để được tư vấn, giúp đỡ. Quan trọng nhất là phụ huynh có sự quan tâm, chăm sóc và dành thời gian trò chuyện, lắng nghe, đồng hành với trẻ”, ThS Đinh Văn Mãi cho biết.

Theo UNICEF, để hỗ trợ nâng cao sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em cũng như thanh niên, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập trung tăng số lượng, chất lượng dịch vụ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trên toàn quốc. Đồng thời, cần thiết lập một hệ thống hạ tầng cơ sở phù hợp với việc cung ứng các hỗ trợ chuyên biệt liên quan đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn và công cụ chẩn đoán lâm sàng cho trẻ em và thanh niên, nhằm cho phép phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần và tổn thương tâm lý xã hội.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các mối quan hệ hợp tác và đối tác giữa các bộ, ngành trong cung ứng dịch vụ nhằm đảm bảo bổ sung và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Cần đầu tư hơn nữa cho việc gắn kết thanh, thiếu niên với nhau. Trang bị đầy đủ và sẵn sàng các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi những chiều cạnh tiêu cực của truyền thông xã hội.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động của các nhóm tương trợ phụ huynh, đặc biệt là với những người có con được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...