Hệ lụy trẻ “nghiện” thiết bị di động

GD&TĐ - Có thể nói, thiết bị di động thông minh đang trở thành vật dụng không thể thiếu với đại bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. 

Hệ lụy trẻ “nghiện” thiết bị di động

Tuy nhiên, mặt trái của nó là hội chứng nghiện những thiết bị này, kéo theo những hệ lụy không mấy tốt đẹp về mặt tâm lý, khiến trẻ sao nhãng việc học hành và không ít em trở thành nạn nhân của thế giới ảo...

Ẩn họa khó lường

Với tốc độ phát triển về công nghệ như hiện nay thì tại các thành phố lớn, việc mỗi gia đình trang bị cho con em mình chiếc ĐTDĐ thông minh hay máy tính bảng gần như trở thành quá... bình thường. Chị Nguyễn Phương Thảo ở Phan Bội Châu - Hoàn Kiếm - Hà Nội chia sẻ: “Con tôi năm nay vào lớp 1, nhưng suốt ngày thích chơi điện tử, đi làm thì thôi nếu về đến nhà mà tôi không đưa ĐTDĐ cho con chơi, cháu sẽ khóc lóc, giận dỗi và không nghe lời. Chỉ đến khi tôi nhượng bộ cho con chơi điện tử thì cháu mới vâng lời và tươi cười”.

Thiết bị di động thông minh cũng là tác nhân khiến giới trẻ thành nạn nhân của các mạng xã hội - nơi các em thường xuyên chia sẻ thông tin cá nhân, tâm tư tình cảm và mở rộng các mối quan hệ xã hội.

Tại đường dây nóng hỗ trợ và bảo vệ trẻ em 18001567, chuyên viên tư vấn của đường dây này chia sẻ về trường hợp một em gái bị tung một số hình ảnh nhạy cảm với bạn trai lên Facebook từ chính chiếc điện thoại thông minh của em đã mất cách đây không lâu. Sau đó, những hình ảnh này của em không ngừng bị bạn bè chia sẻ, chửi bới, thậm chí bị đưa lên trang web “đen” kèm số điện thoại. Em gái này đã bị hoảng loạn, trầm cảm, luôn có ý muốn tự tử và cầu cứu sự trợ giúp tâm lý từ đường dây.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp khi ngày nay không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng đang lạm dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội quá nhiều. Theo Cục Bảo trợ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), hiện ở Việt Nam hay các quốc gia khác, hình ảnh trẻ em bị lợi dụng cho các mục đích khác nhau là khá phổ biến. Những thông tin thật của trẻ em như địa chỉ, số điện thoại, trường, lớp học sẽ tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng trẻ em, làm quen với các em trên mạng. Các đối tượng nêu trên sẽ tổ chức chat với các em trên mạng, qua đó tìm kiếm thông tin và sau đó có hành vi lợi dụng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục và bắt cóc trẻ em.

Những hệ lụy

Theo các chuyên gia y tế, tâm lý, khi trẻ đam mê các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh quá mức sẽ dễ mắc các bệnh về mắt như cận thị. Lý do là trẻ tập trung nhìn vào một thiết bị chiếu sáng có cảm ứng quá nhiều khiến cho mắt mỏi mệt. Bên cạnh đó, khi trẻ sử dụng thiết bị di động thông minh nhiều giờ liên tiếp, trẻ sẽ ngồi yên một chỗ, không hoạt động gì. Vì thế, trẻ dễ trở nên chậm chạp, lờ đờ, ít phản ứng với các tác động xung quanh. Tình trạng béo phì do ít hoạt động thể chất theo đó cũng khá phổ biến trong hoàn cảnh hiện nay.

Các chuyên gia về tâm lý cho rằng, trẻ đang trong giai đoạn trí não phát triển nhanh, nếu bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ quá nhiều, não sẽ không còn phát triển bình thường mà sẽ cố định lại, phát triển theo hướng khác. Và như vậy hệ thống GD tâm lý, tính cách nhà trường, gia đình cũng không còn nhiều ý nghĩa khi trẻ mang trong mình những suy nghĩ khô khan, theo tính chất công nghệ với những áp dụng rập khuôn, máy móc.

Ở một khía cạnh khác, theo các chuyên gia, khi nghiện các thiết bị thông minh trẻ dễ cáu bẳn, bực bội, la hét, đập phá. Ngoài ra, khi nghiện công nghệ, trẻ dễ đam mê dẫn tới quên thời gian, ít ngủ, thiếu ngủ, mà điều này vô cùng nguy hiểm bởi trẻ đang trong độ tuổi phát triển cần ăn ngủ đều đặn để phục vụ cho việc phát triển trí não, nếu thiếu ngủ, việc phát triển trí não của trẻ cũng bị ảnh hưởng theo.

Để hạn chế trẻ tiếp xúc quá mức với thiết bị thông minh và mạng xã hội, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chỉ cho con thấy những tác động của việc trẻ quá đam mê các loại thiết bị này. Có thể cho con đọc những bài viết của những trường hợp bị rối loạn tâm thần do nghiện thiết bị di động quá mức, việc này sẽ khiến con trẻ giật mình và tránh xa thiết bị. Ngoài ra, để con trẻ tránh xa thiết bị điện tử, cha mẹ cũng cần tự mình học cách làm gương, không lạm dụng các thiết bị di động trong gia đình, đặc biệt trước mặt trẻ, bởi trẻ hay có sự so sánh và đặt câu hỏi, tại sao bố mẹ được dùng, còn bản thân mình lại không...

Theo thông tin từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), mỗi năm, Cảnh sát hình sự phát hiện gần 10.000 vụ xâm hại trẻ em, gần 10.000 nạn nhân và đối tượng. Tỷ lệ xâm hại và quấy rối tình dục trẻ em chiếm đến 80%, trong đó khoảng 2/3 bị xâm hại qua môi trường mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.