Đồng hành 'tháo khẩu trang' cho con

GD&TĐ - Theo chuyên gia, cha mẹ và thầy cô, nhà trường cần đồng hành, quan tâm, nắm bắt tâm lý e ngại của trẻ khi không thể thiếu lớp khẩu trang che mặt.

Cha mẹ cần nắm bắt tâm lý để giúp con tự tin hơn khi tháo khẩu trang xuống. Ảnh minh họa: INT.
Cha mẹ cần nắm bắt tâm lý để giúp con tự tin hơn khi tháo khẩu trang xuống. Ảnh minh họa: INT.

Tâm lý bất an

Lê Ngọc Minh - học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội) cho biết: “Trong hai năm liên tục chỉ nhìn thấy một nửa khuôn mặt của nhau, sau đó để lộ toàn bộ khuôn mặt trước người khác khiến chúng em cảm thấy bất an”.

Minh và bạn bè của em không phải là trường hợp riêng biệt. Khi chuyện đeo khẩu trang không còn bắt buộc trong trường học, nhiều học sinh có những cảm xúc lẫn lộn và chia sẻ rằng cảm thấy an toàn hơn khi đeo khẩu trang. Không chỉ để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm bệnh mà còn để che giấu ánh nhìn của người khác trên cơ thể mình.

Theo nhiều giáo viên, học sinh cảm giác luôn bị giám sát và dễ dàng rơi vào tình huống bẽ mặt, cảm thấy thiếu tự tin, luôn muốn giấu mặt.

Đối với Phương Lan - Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), bước vào đầu cấp, cô hầu như chỉ học trực tuyến tại nhà. Khi được đến trường cùng bạn bè và tất cả vẫn phải đeo khẩu trang nhằm đề phòng dịch bệnh khiến nữ sinh này cảm thấy an toàn vì vào đầu cấp chưa gặp ai nên giờ sự giấu mặt qua lớp khẩu trang cũng không gây sự hoang mang, lạ lẫm.

Thế nhưng khi trường học dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang lại khiến em bối rối. Cô gái này sợ phải để lộ ra làn da nhiều mụn và bị người khác đánh giá hoặc không còn nhiều bạn chơi với mình như trước nữa. Cuối cùng, cô và một số người bạn của cô quyết định vẫn đeo khẩu trang trên mặt mọi lúc tại lớp học.

“Em lo ngại cách mà mọi người đánh giá về mình. 2 năm liền, bạn bè nhìn thấy và quý mến em với nửa khuôn mặt. Giờ đây, nếu bỏ khẩu trang, em sợ rằng mọi thứ không còn như ban đầu”, Phương Lan nói.

Theo chuyên gia, thanh thiếu niên thường mang nỗi bất an về hình ảnh của bản thân trong mắt người khác. Các em chịu áp lực về chuẩn mực xã hội và dễ rơi vào lo âu nếu mình không sở hữu ngoại hình, khuôn mặt được cho là tiêu chuẩn.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hòa cho rằng, việc cởi bỏ khẩu trang có thể coi là một tình huống chuyển đổi xã hội khiến thanh thiếu niên trở nên quan tâm hơn đến ngoại hình và nhạy cảm với những gì người khác nghĩ.

Các em sẽ xuất hiện xu hướng tâm lý cảm thấy rằng mình bị chú ý và mang nhiều khuyết điểm. Dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn là cha mẹ, các em quan tâm đến tiêu chuẩn xã hội về ngoại hình và cảm thấy sắc đẹp trở nên cực kỳ quan trọng, nhất là đối với các bạn gái.

TS Nguyễn Thị Hòa cũng cho rằng, với những thanh thiếu niên gặp áp lực bị đánh giá ngoại hình, các em rất cần cha mẹ vào cuộc để giúp đỡ.

“Điều quan trọng nhất là các em cần được cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở trường”, TS Hòa nhấn mạnh.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Giúp con hiểu rằng mình không đơn độc

Theo TS Nguyễn Thị Hòa, phụ huynh cần động viên con mình rằng các em không đơn độc, nhiều bạn bè khác cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Bởi thực tế, thanh thiếu niên có xu hướng nghĩ rằng bản thân là người duy nhất phải trải qua những điều tồi tệ mà không ai khác có thể hiểu được. Nhưng các em sẽ cảm thấy bớt sợ hãi, lo lắng hơn khi họ biết những người bạn xung quanh cũng từng trải qua điều giống mình.

Do vậy, nếu phụ huynh nhận thấy sự lo lắng của con mình là quá nghiêm trọng, hãy liên hệ với chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.

Đồng thời, các bậc cha mẹ nên tạo cho trẻ một lịch trình trong ngày gồm thời gian học tập, làm việc và vui chơi. Việc sắp xếp thời gian biểu phải đảm bảo những việc quan trọng như học tập thực hiện trước sau đó mới đến các hoạt động khác.

Có thể để trẻ sử dụng điện thoại để vui chơi và kết nối với bạn bè, nhưng chỉ trong thời gian nhất định, còn thời gian khác dành để đọc sách, tập thể dục, thể thao, hoặc giúp đỡ cha mẹ các công việc gia đình.

Sẽ là một sự hứng thú với trẻ khi chúng có thể đoán trước được ngày mới chúng có thể làm việc gì và khi nào chúng được vui chơi.

Đối với trẻ em từ 10, 11 tuổi trở lên, nên để trẻ tự thiết kế lịch trình của mình. Với trẻ nhỏ, khi cha mẹ sắp xếp thời gian biểu phải đảm bảo tất cả bài tập của trẻ phải được hoàn thành trước rồi mới đến các hoạt động khác. Lưu ý rằng, những việc quan trọng nên thực hiện vào đầu ngày mới sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

Ngoài ra, ở nhà, trẻ không đeo khẩu trang nên cha mẹ hãy quan tâm tới vấn đề tâm lý mà trẻ đang e ngại rồi cùng nhau xử lý. Ví dụ, con muốn đeo khẩu trang để che đi làn da xấu, mụn hoặc khiếm khuyết nào đó thì người lớn hãy đồng hành cùng con để giải quyết chuyện đó.

Hoặc con ngại bộc lộ cảm xúc, không muốn cười hoặc phản ứng lại khi đang giao tiếp, chiếc khẩu trang đã giúp con làm được điều đó. Trường hợp này, cha mẹ hãy giúp con tự tin, thoải mái bộc lộ quan điểm, ý kiến của mình và lôi kéo con nhiều hơn vào các hoạt động tập thể của gia đình, nơi sinh sống hoặc trong các câu lạc bộ ở trường học.

“Hầu hết trẻ không muốn tháo khẩu trang là những e ngại mặt tâm lý nhiều hơn là lo lắng về sự lây nhiễm của các loại dịch bệnh. Phòng bệnh là rất tốt nhưng nó sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu đeo khẩu trang nằm ngoài lý do này. Do vậy, người lớn phải quan tâm, nắm bắt và khích lệ trẻ, giúp con tự tin hơn về ngoại hình cũng như làm chủ cảm xúc trong các mối quan hệ, giao tiếp…”, TS Nguyễn Thị Hoà nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, nếu dùng khẩu trang y tế sai cách hoặc mua phải loại khẩu trang kém chất lượng sẽ không thể phát huy tối đa công dụng phòng ngừa lây nhiễm. Đối với những trường hợp dùng khẩu trang y tế nhiều lần sẽ khiến cho mầm bệnh tích tụ ở khẩu trang và dễ phát tán nguồn bệnh.

Trên thực tế, một số trường hợp sử dụng quá nhiều loại khẩu trang kém chất lượng đã bị kích ứng da, dị ứng và dễ nổi mụn. Hơn nữa, khi đeo khẩu trang nhiều, liên tục trong mùa dịch bệnh thì làn da mặt nhạy cảm của chúng ta sẽ bị bí, vì mồ hôi không được thoát ra một cách dễ dàng và da lúc này sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ