Trẻ “nghiện” smartphone: Hệ lụy nhãn tiền

GD&TĐ - Cuộc sống hiện đại đã khiến mọi người có thói quen phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, việc lạm dụng điện thoại thông minh sẽ có những ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập. Nếu không có những điều chỉnh kịp thời, trẻ dễ rơi vào những hệ lụy đáng tiếc.

Trẻ “nghiện” smartphone: Hệ lụy nhãn tiền

Hệ lụy khi quá lệ thuộc vào điện thoại

Với những tính năng hiện đại như chụp ảnh, quay phim, nghe nhạc, chỉnh sửa hình ảnh cùng với các trò chơi trực tuyến… những chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật bất li thân với nhiều người. Đặc biệt nhờ có những thiết bị này mà thông tin trên thế giới đến gần hơn với con người. Một thế giới phẳng được thiết lập xóa đi những ranh giới khiến con người tới gần với nhau hơn. Tuy nhiên bên cạnh những tiện ích, việc lạm dụng điện thoại cũng khiến con người phụ thuộc, ảnh hưởng tới sức khỏe và giá trị sống hàng ngày. Đối với trẻ nhỏ, khi các em quá để tâm vào điện thoại sẽ lơ là học hành và nảy sinh những trạng thái cảm xúc tiêu cực.

Chị Trần Thu Hà ở Liễu Giai (Hà Nội) tâm sự: Ngày nhỏ vì muốn con chơi ngoan, ăn ngoan, vợ chồng chị đã cài phần mềm trò chơi vào điện thoại để dỗ dành con trai. Chính vì vậy, lâu dần con trai chị luôn phụ thuộc vào chiếc điện thoại đó. Muốn con làm việc gì chị thường phải lấy điện thoại để “mặc cả” với con. Sau một thời gian chị nhận thấy, con mình có những biểu hiện đáng lo: Rất ít giao tiếp với những người xung quanh, thời gian mong muốn được dùng điện thoại tăng dần. Thậm chí khi chị có ý không cho con dùng điện thoại, thái độ của con trở nên cáu gắt, dễ dàng nổi cáu với bất kỳ ai.

Có phụ huynh, chỉ vì sợ con có tâm lý tự ti với bạn bè nên đã trang bị cho con riêng một chiếc smartphone xịn. Tuy nhiên, phụ huynh này cũng nhận thấy, bên cạnh việc con dùng điện thoại để tải các phần mềm phục vụ cho việc học tập, con còn tham gia các mạng xã hội. Việc kết bạn trên Facebook và Zalo đã chiếm khá nhiều thời gian học tập của con. Bên cạnh đó, cha mẹ không thể kiểm soát được các mối giao lưu bạn bè ngoài trường học của con cái mình. Vì thế đã không hiếm những trường hợp trẻ bị lừa lọc, lạm dụng bởi kẻ xấu, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống Wedo Wegood, Hà Nội), cho biết: Việc trẻ nghiện điện thoại sẽ ảnh hưởng đến bộ não con người, khiến chúng ta giảm sút nhiều về khả năng tư duy, khả năng nhận thức và khả năng ghi nhớ. Với các con còn nhỏ, nếu như chúng ta cho các con tiếp xúc với smartphone quá nhiều sẽ dẫn tới những tác hại không tốt. Trẻ có thể rơi vào trạng thái bị đóng khung lại, thu hẹp chính cuộc sống của bản thân mình. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ.

Lý trí phải được kiểm soát

Trên thế giới, các nhà tâm lý học đã dùng thuật ngữ "nomophobia" để miêu tả nỗi sợ của những cá nhân mắc chứng lệ thuộc quá nhiều vào smartphone. Trong đó từ "nomo" mang nghĩa là "no mobile phone" (không điện thoại), còn "phobia" ở góc độ tâm lý học là miêu tả nỗi sợ. Khi người dùng quá lệ thuộc vào điện thoại sẽ khiến cho họ khó có thể từ bỏ được sự phụ thuộc đó. Bất kể một tín hiệu, một tin nhắn hay một thông báo từ điện thoại hay trên mạng xã hội cũng khiến người dùng ngay lập tức phải hồi đáp. Đối với trẻ em, khi rơi vào trạng thái nghiện smartphone sẽ khiến chúng mê mải vào những thú vui mà quên đi nhiệm vụ chính của mình là học tập. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như: Bỏ qua lời nhắc nhở của người thân, ích kỷ thậm chí đua đòi theo một trào lưu vô bổ.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cũng chỉ ra rằng: Các con gắn mình quá nhiều vào điện thoại sẽ gây ra hiện tượng mỏi mắt, làm cho hệ thần kinh suy yếu và chịu nhiều ảnh hưởng khác nữa. Khi trẻ nghiện smartphone, trẻ sẽ rơi vào trạng thái lúc nào cũng như bị ức chế. Ví dụ như khi chúng ta đăng một thông tin nào đó, nếu không có ai bình luận hay like sẽ khiến cho chúng ta có cảm giác không vui có khi lại là nỗi thất vọng. Nếu cứ liên tục lặp lại những trạng thái như vậy sẽ tạo ra những nỗi lo âu, buồn bực, thậm chí là bất mãn. Điều này sẽ kéo tâm trạng của con xuống rất nhanh.

Các chuyên gia tâm lý đã có những khuyến cáo về điều này đó là: Dù trẻ em, hay người lớn khi đã rơi vào trạng thái lo âu liên tục sẽ dẫn đến những bước đầu của việc rối loạn cảm xúc, thậm chí là những rối loạn hành vi. Ngoài ra điều quan trọng nhất đối với giới trẻ cũng như mọi người đó là phải nắm bắt thật nhanh tất cả các vấn đề. Song, nếu bản thân chú tâm nhiều vào điện thoại thì sẽ giảm đi sự giao lưu cũng như những tương tác gắn kết giữa con người với con người.

Theo chuyên gia Phạm Hiền, giải pháp để hạn chế trẻ sử dụng smartphone: Đầu tiên, các bậc cha mẹ khi bước chân về tới nhà chúng ta cần có thói quen tắt và ngừng sử dụng điện thoại. Khi làm được như vậy chúng ta cũng đã tự mình hạn chế được bản thân. Điều này cũng giúp cho các con không bị tác động của hình ảnh về những chiếc điện thoại đó. Có như vậy trẻ mới có thể tham gia các hoạt động tương tác tích cực khác trong sinh hoạt hàng ngày.

Lạm dụng smartphone khiến trẻ sao nhãng việc học tập: “Đặc biệt đối với giới trẻ, người lớn nên hướng các em tìm đến những niềm vui như thay vì đọc sách trên Internet thì hãy đọc sách giấy. Để xa rời được điện thoại chúng ta nên chú ý hướng trẻ tham gia vào các hoạt động bổ ích khác. Điều chỉnh thời gian sử dụng smartphone quan trọng nhất do lý trí của bản thân mỗi một con người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.