Khi giấc mơ du học tan thành mây khói
Là một nhà báo, chị Thu Hà được bạn bè đồng nghiệp đánh giá cao về khả năng thuyết phục và sự sắc bén, quyết đoán. Trang Facebook của chị tràn ngập những hình ảnh liên quan đến công việc chuyên môn và cuộc sống của chị.
Bạn bè khen ngợi hai đứa con chị, chúng rất có tư chất và khả năng sáng tạo. Chị đã lên kế hoạch rất rõ ràng về việc hướng nghiệp và chuẩn bị tương lai cho con.
Khác với nhiều trường hợp cha mẹ khăng khăng định hướng con cái nối nghiệp mình, chị Hà lại lên chương trình tương lai cho đứa con gái lớn sẽ du học ở Mỹ. Ngôi nhà chung cư sẽ bán đi lo tài chính. Nhờ cô em gái đang là giảng viên ở một trường ĐH bên đó tìm trường cho cháu để con bé theo học chuyên ngành công nghệ sinh học.
Chị cũng cố gắng “chăm bẵm” ngôi trường THPT mà con đang học để rồi con chị là một cái tên sáng giá trong đội tuyển tham dự cuộc thi sáng tạo của HS ở nước ngoài. Hai tháng trời đeo bám, hộ tống cả đoàn thật bõ công khi nhóm HS của trường giành được giải nhất. Nghiễm nhiên con gái chị giành được một suất vào thẳng ĐH trong khối ngành mà chị lựa chọn cho con. Cùng với chuẩn bị nguồn tài chính, con chị đã có một bộ hồ sơ du học rất đẹp…
Nhưng tầm tay với càng gần đến giấc mơ du học thì con bé Nguyệt Anh lại dở chứng. Nó dứt khoát không học trường mẹ chọn, từ bỏ suất vào thẳng ĐH để hướng đến ngôi trường nó thích. Mà chuyên ngành nó đam mê là truyền thông báo chí, lĩnh vực mà chị không hề muốn cô con gái nào của mình theo đuổi. Không thể lay chuyển ý chí của cô gái 18 tuổi, chị đau khổ, giận dữ, mẹ con căng thẳng và giấc mơ cho con đi du học ở Mỹ để đổi đời của chị Hà đành tan thành mây khói.
Đừng đẩy con vào thế khó
Do chủ quan về “một tương lai tốt đẹp” nên phụ huynh thường bắt ép con cái phục tùng ý mình; họ hay chỉ trích những ước mơ của con với những đánh giá chủ quan mà không xét đến sở thích, năng khiếu... của trẻ. Những suy nghĩ chủ quan, không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của con cái, có thể khiến đôi khi cha mẹ vô tình trở thành người đánh cắp ước mơ của con, áp đặt trẻ thực hiện những ước mơ của mình.
Nhiều ông bố, bà mẹ lại không dám đặt niềm tin vào con mình. Họ bất chấp sở trường sở đoản, sở thích của con là gì, có cơ sở thực tiễn hay không mà cứ khăng khăng định hướng con cái nối nghiệp mình hoặc thô bạo thiết kế ước mơ cho con từ chính ý muốn của mình.
Trong thực tế, có rất nhiều sự việc đáng tiếc và đau lòng đã xảy ra từ sự thô bạo áp đặt và qui hoạch tương lai con cái mà nhiều phụ huynh đã sai lầm mắc phải. Nhiều đứa trẻ đã phải trau dồi đeo đẳng những bộ môn mà chúng không hề có hứng thú hoặc năng khiếu. Nhiều cô cậu sinh viên phải kéo dài những năm tháng trên giảng đường đại học của mình trong chán chường, u ám bởi không được quyền theo đuổi ước mơ của mình, không có cơ hội phấn đấu chiếm lĩnh một vị trí mà mình muốn.