HĐND TPHCM xem xét nhiều nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 98

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 19/9, kỳ họp chuyên đề HĐND TPHCM khai mạc, xem xét thông qua các nội dung liên quan đến việc cụ thể hóa Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù.

Kỳ họp chuyên đề HĐND TPHCM khai mạc sáng 19/9. (Ảnh: Thành Nhân)
Kỳ họp chuyên đề HĐND TPHCM khai mạc sáng 19/9. (Ảnh: Thành Nhân)

Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, kỳ họp diễn ra trong 1 ngày (19/9), để quyết định các nội dung cấp bách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM, tình hình kinh tế - xã hội trong 8 tháng đầu năm ở Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 11,3%;

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thành phố cũng còn những tồn tại, hạn chế.

Tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đạt kế hoạch đề ra (63,45% dự toán, đạt 93,24% so với cùng kỳ).

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp (29%); hoạt động xuất nhập khẩu giảm sâu so với cùng kỳ.

Dự báo trong thời gian tới, nhất là 3 tháng cuối năm, tình hình kinh tế, xã hội có nhiều thách thức.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thành Nhân)
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thành Nhân)

Tại kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ giữa năm) vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Do đó, kỳ họp này sẽ xem xét thông qua các dự thảo Nghị quyết về những nội dung trọng tâm thuộc thẩm quyền HĐND TPHCM.

Một số đề án trọng tâm được xem xét gồm: Thành lập Sở An toàn thực phẩm Thành phố; cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức;

HĐND TPHCM còn xem xét, quyết định thông qua các tờ trình quan trọng, cấp thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, như: Danh mục dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); đầu tư dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo nhiều công trình trường học.

Trước đó, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất làm 5 tuyến đường theo hình thức BOT từ cơ chế của Nghị quyết 98, gồm: Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu; Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An; Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TPHCM; Trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ