TP.HCM thu phí sử dụng vỉa hè từ 1/9

GD&TĐ - Từ 1/9, TPHCM sẽ thu phí việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho hoạt động kinh doanh hoặc trông giữ xe.

Vỉa hè trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM, trước Bệnh viện Bình Dân được sử dụng để giữ xe. (Ảnh: Lê Nam)
Vỉa hè trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM, trước Bệnh viện Bình Dân được sử dụng để giữ xe. (Ảnh: Lê Nam)

Ngày 26/7, UBND TPHCM ban hành Quyết định quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.

Nguyên tắc của việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố là không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.

Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ từ 1,5m trở lên.

Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường ngoài mục đích giao thông (không áp dụng trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị) phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông. Trường hợp đặc biệt do UBND TPHCM quyết định.

Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

Các hoạt động sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được UBND TPHCM ban hành kế hoạch cụ thể sẽ không phải cấp giấy phép.

Chẳng hạn, việc sử dụng hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện (UBND quận, huyện và TP Thủ Đức) ban hành.

Tương tự, việc sử dụng tạm thời hè phố làm điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành.

Trường hợp sử dụng một phần vỉa hè không phải cấp phép gồm đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang. Người dân được phép sử dụng từ 48-72 giờ và phải thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú.

Theo quy định của UBND TPHCM, sau khi sử dụng vỉa hè, lòng đường, người sử dụng phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thu dọn các phương tiện, thiết bị, vệ sinh và hoàn trả nguyên trạng lòng đường, hè phố khi kết thúc sử dụng.

Một cửa hàng ở Quận 1, TPHCM, bị xử phạt vì trưng bày xe ô tô lấn chiếm vỉa hè.

Một cửa hàng ở Quận 1, TPHCM, bị xử phạt vì trưng bày xe ô tô lấn chiếm vỉa hè.

Quy định mới về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn của UBND TPHCM có hiệu lực từ ngày 1/9; thay thế Quyết định số 74 ban hành năm 2008 về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè.

Với kế hoạch trên, Sở GTVT TPHCM dự kiến nguồn thu mang lại cho ngân sách TP khoảng 1.500 tỉ đồng mỗi năm.

Hồi tháng 6, Sở GTVT TPHCM đã xây dựng dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP, lấy ý kiến xã hội.

TPHCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí cho thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh và để trông giữ xe.

5 khu vực, gồm: Khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A - khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm); Khu vực 2 (quận 2 cũ, quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân); Khu vực 3 (quận 9 cũ, Thủ Đức cũ, quận 8, quận 12, Tân Phú, Gò Vấp); Khu vực 4 (huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè); Khu vực 5 (huyện Cần Giờ).

Ở mỗi khu vực, các tuyến đường lại được chia thành 2 nhóm: Các tuyến đường trung tâm và các tuyến đường còn lại.

Tùy vào vị trí, mức thu cho việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để kinh doanh dao động 20.000-100.000 đồng/m2/tháng; thu phí để trông giữ xe 50.000-350.000 đồng/m2/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...