Thu phí vỉa hè ở TPHCM đã đến lúc đặt lên bàn cân

GD&TĐ - Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố ở TPHCM được nhận định sẽ mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội.

Một người dân bán hàng rong trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ, Quận 3, TPHCM.
Một người dân bán hàng rong trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ, Quận 3, TPHCM.

Có thể thu về hơn 1.500 tỉ đồng/năm

Sở GTVT TPHCM vừa xây dựng Dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố, lấy ý kiến xã hội.

Theo nội dung dự thảo, 6 hoạt động được quy định phải nộp phí sử dụng lòng đường, hè phố, gồm: Làm điểm trông giữ xe có thu phí; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao; làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường; tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; lắp đặt tạm thời các công trình trong hành lang an toàn giao thông.

TPHCM được chia thành 5 khu vực để tính mức thu phí cho thuê lòng đường, vỉa hè (trừ trông giữ xe). Các tuyến đường ở mỗi khu vực lại được chia thành 2 nhóm: Các tuyến đường trung tâm và các tuyến đường còn lại. Với khu vực 1 (gồm các Quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A - Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm), mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các hoạt động là 100.000 đồng/m2/tháng với các tuyến đường trung tâm; 50.000 đồng/m2/tháng với các tuyến đường còn lại.

Ở khu vực 2 (Quận 2 cũ, Quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), mức thu lần lượt ở hai nhóm tuyến đường là 30.000 đồng/m2/tháng và 20.000 đồng/m2/tháng với các tuyến đường còn lại.

Tại khu vực 3 (các Quận 9, Thủ Đức cũ, Quận 8, Quận 12, Tân Phú, Gò Vấp); khu vực 4 (huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè); khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu là 20.000 đồng/m2/tháng cho cả các tuyến đường trung tâm và các tuyến đường còn lại.

Bên cạnh đó, mức thu sử dụng lòng đường để trông giữ xe ô tô, xe máy, xe mô tô và xe đạp; hè phố để trông giữ xe máy, xe mô tô và xe đạp cũng được chia thành 5 khu vực tương tự như trên.

Tuy nhiên, mức thu này được nhân thêm hệ số k (hệ số điều chỉnh giá đất) so với các hoạt động còn lại. Theo đó, với các tuyến đường trung tâm, mức thu phí để trông giữ xe dao động 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng tùy theo mục đích sử dụng và khu vực; các tuyến đường còn lại dao động 50.000 - 180.000 đồng/m2/tháng.

Sở GTVT TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 4.869 tuyến đường với bề rộng từ 5 m trở lên. Trong đó, 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5 m với tổng chiều dài 2.328 km và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m với tổng chiều dài 1.716 km.

Thống kê cũng cho thấy, hơn một nửa tuyến đường trên địa bàn thành phố không có vỉa hè, dẫn đến tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường. Còn trong số các tuyến đường còn lại (đường có vỉa hè), chỉ có khoảng 27% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông.

Với kế hoạch thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, dự kiến nguồn thu mang lại cho ngân sách TPHCM khoảng 1.522 tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, số thu đối với lòng đường là 550 tỉ đồng; với vỉa hè là 972 tỉ đồng.

Sở GTVT đề nghị nộp 100% số thu vào ngân sách thành phố; chi phí cho việc thu phí được lập và cấp theo dự toán được duyệt hàng năm, phục vụ duy tu bảo trì lòng đường, hè phố.

Vỉa hè đường Điện Biên Phủ, Quận 3, trước Bệnh viện Bình Dân được sử dụng để giữ xe.

Vỉa hè đường Điện Biên Phủ, Quận 3, trước Bệnh viện Bình Dân được sử dụng để giữ xe.

Hài hòa lợi ích các bên

Mục tiêu không chỉ dừng lại ở tạo nguồn thu

“Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, đơn vị sẽ bổ sung làm rõ quy định quản lý lòng đường, vỉa hè. Khi xây dựng đề án trên, đơn vị đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, mô hình các nước và mức độ sẵn sàng chi trả của người dân thành phố. Mục tiêu của việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường không phải chỉ tạo nguồn thu mà còn góp phần điều tiết hoạt động đô thị của TPHCM”.

Ông Trương Văn Đức, người dân trú tại TP Thủ Đức đồng tình việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vì cho rằng, điều này sẽ hạn chế tình trạng lấn chiếm hạ tầng đô thị này bấy lâu.

Chưa kể, vỉa hè, lòng đường cũng là tài sản công, cần thu phí sử dụng để tăng nguồn thu ngân sách; sử dụng việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông hoặc phúc lợi xã hội. “Việc này cũng thay đổi nhận thức mặc định rằng vỉa hè trước nhà ai là thuộc về nhà người đó hoặc vỉa hè chỉ dành cho việc đi bộ. Phải nhận thức rằng, đây là tài sản chung và cần được sử dụng hiệu quả”, ông Đức nói.

Mới đây, tại hội nghị phản biện xã hội với dự thảo trên do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức, nhiều đại biểu cũng tán thành cần sớm thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường.

Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố quận Bình Thạnh cho rằng, thực trạng giao thông đường bộ tại TPHCM đang bị quá tải về hạ tầng cơ sở; nếu triển khai thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, cần tính toán kỹ lưỡng, bám sát thực tế hơn và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.

Theo đại biểu này, hiện nay chưa triển khai cho thuê vỉa hè, lòng đường mà tình trạng lấn chiếm tràn lan, không xử lý được thì khó đảm bảo khi cho thuê sẽ giữ gìn được an ninh, trật tự và mỹ quan đô thị. Do đó, việc thông qua đề án này nên rà soát tính toán kỹ lưỡng hơn.

Cũng theo bà Sáu, nếu TPHCM triển khai thu phí, nên đưa ra các giải pháp thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi để xe. Đây là chiến lược lâu dài, giải quyết được bài toán quá tải hạ tầng. Công tác thu phí nên giao cho một đơn vị, thay vì phân cấp cho chính quyền các quận, huyện, làm cồng kềnh bộ máy.

Luật sư Trương Thị Hòa, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM đồng tình việc cần thiết phải ban hành quy định mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Bà Hòa dẫn số liệu, nguồn vốn cho công tác bố trí bảo trì đường bộ đáp ứng 40% so với nhu cầu.

Hệ thống hạ tầng giao thông do UBND các quận, huyện quản lý chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu, hoàn toàn chưa phù hợp với trường hợp hư hỏng của kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng không có vốn để bố trí sửa chữa, dẫn đến mất an toàn giao thông. Do đó, thu phí vỉa hè sẽ giúp địa phương sẽ có thêm nguồn kinh phí cho việc này.

Hài hoà lợi ích các bên, không phải chỉ chú trọng vào việc tăng ngân sách cũng là ý kiến của nhiều người dân TPHCM khi bàn về chủ trương thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường.

“Những người bị tác động trực tiếp là các hộ kinh doanh hoặc hộ dân thuê lòng đường, vỉa hè. Do đó, cần tính toán lại mức thu cho hợp lý, minh bạch và công khai khoản thu”, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, chủ hộ kinh doanh trú tại quận Bình Thạnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.