Ngày... tháng... năm...

'Hãy thức tỉnh đi!' trước sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Cụm từ “Hãy thức tỉnh đi” như hồi chuông cảnh tỉnh tới mọi người trên thế giới về sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Một khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại bang Rio Grande do Sul, Brazil ngày 3 - 5. Ảnh: REUTERS.
Một khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại bang Rio Grande do Sul, Brazil ngày 3 - 5. Ảnh: REUTERS.

Gửi tới cộng đồng!

Qua từng ngày, những dấu hiệu về thời tiết cực đoan ngày càng được thể hiện rõ trên toàn cầu. Đó chính là hồi chuông báo động để cảnh tỉnh những hành động con người đã và đang đối xử với môi trường của Trái đất thân yêu.

Thời tiết cực đoan là các hiện tượng thời tiết xảy ra một cách bất bình thường, không theo quy luật, như lũ lụt, mưa đá, lốc xoáy, nắng nóng,… Chúng đến và đi mà không có thời điểm cố định, khiến con người thường không kịp trở tay ứng phó nên gây ra những thiệt hại thật nặng nề cả về người và của.

Trong khoảng thời gian gần đây, những hiện tượng thời tiết cực đoan hoành hành một cách dày đặc trên khắp thế giới, gây ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Theo báo cáo của Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus, liên tục từ tháng 4/2023 cho tới tháng 3/2024, toàn thế giới đã ghi nhận nhiệt độ trung bình cao kỉ lục cao hơn, 1,58 độ C so với nhiệt độ trung bình thời kì Tiền Công nghiệp (1850 - 1900).

Tại châu Á, ví dụ tiêu biểu cho bản báo cáo ấy có thể kể đến bang Odisha (miền Đông Ấn Độ) trong tháng 4 đã ghi nhận nhiệt độ cao tới 44,2 độ C, khiến một trường hợp tử vong và 71 trường hợp khác mắc các bệnh liên quan tới nắng nóng.

Hay tại hai đất nước ngay trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan và Phillipines cũng đã ghi nhận nhiệt độ cao do nắng nóng lần lượt là 44,5 độ C và 43 độ C, thậm chí tại các trường học tại Phillipines phải rút ngắn thời gian học tập trên lớp.

Không chỉ châu Á, những châu lục khác cũng ghi nhận mức nhiệt cao như Argentina có mức nhiệt lên tới 40 độ C hồi tháng 1 năm nay, hay tại Pháp - đất nước vốn có khí hậu ôn hòa cũng có mức nhiệt cao nhất đo được tại khu vực Tây Nam vào tháng 4 đạt tới 34 độ C.

Bên cạnh những nơi ghi nhận nắng nóng cực đoan lại có những nơi phải hứng chịu những trận lũ lụt nghiêm trọng. Điển hình như tại Giang Tây, Trung Quốc, cơn bão vào đầu tháng 4 được ghi nhận là nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua với những hiện tượng sấm sét, mưa lớn và mưa đá to bằng quả trứng.

Mưa lớn cũng đồng thời khiến khu vực Quảng Đông rơi vào trận lũ lụt đầu tiên của năm. Hay tại Brazil, tiểu bang Rio Grande do Sul bị ngập chìm trong biển nước, nhiều người thiệt mạng sau khi hứng chịu thảm họa mưa lớn và lũ lụt.

Mặc dù một phần nguyên nhân khách quan do El Niño vẫn đang hoành hành kể từ năm 2023, nhưng nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự gia tăng cả về tần suất và cường độ của thời tiết cực đoan đến từ hoạt động của con người.

Rừng - “lá phổi xanh” của Trái đất, ngày càng bị thu hẹp lại bởi hoạt động khai thác lâm sản cùng với những đợt cháy rừng. Than đá, dầu mỏ - những nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn mất cả chục triệu năm để hình thành hiện đang bị khai thác tới mức cạn kiệt.

Hay môi trường Trái đất không ngừng bị đầu độc bởi những gì con người thải ra: Các loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính như CO2, methane,… từ các khu công nghiệp, phương tiện giao thông, chăn nuôi, hoạt động hàng ngày của con người,… liên tục được thải lên bầu khí quyển.

Các loại chất thải, dù cho có nguy hiểm đến đâu như rác thải nhựa, nước thải, chất thải rắn vẫn bị con người đổ ra sông, suối, biển,… Những mảnh đất màu mỡ đang dần bị ô nhiễm do các chất hóa học nguy hiểm từ rác thải ngấm xuống lòng đất hoặc đến từ các loại hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp mà nông dân sử dụng như thuốc trừ sâu, diệt cỏ...

Chính từ việc khai thác mà không có biện pháp để bù đắp, tái tạo, đi cùng với hành vi gây ô nhiễm môi trường đang góp phần thúc đẩy hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Ông Andrew Harper - Cố vấn đặc biệt hành động về khí hậu, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn khi nhắc tới cảnh ngập lụt của tiểu bang Rio Grande do Sul (Brazil) đã nói rằng: “Đó là một tín hiệu cảnh báo mà chúng ta đã thấy trong 5 - 10 năm nay. Đến lúc nào thì con người mới giật mình và tự vấn bản thân: Hãy thức tỉnh đi, bạn không được coi thường những dấu hiệu này!”.

Cụm từ “Hãy thức tỉnh đi” ấy như hồi chuông cảnh tỉnh tới mọi người trên thế giới về sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hậu quả mà nó để lại có thể kéo dài 10 năm, 100 năm hoặc cũng có thể là dài hơn thế nữa. Chính vì vậy, mỗi người cần có sự nhìn nhận đúng đắn trong việc bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống trên hành tinh xanh này.

Không cần phải có những giải pháp “khủng”, nếu như mỗi người cùng làm những hành động nhỏ phân loại và bỏ rác vào đúng nơi quy định, trồng cây,… là đã có thể góp phần giúp môi trường được cải thiện đáng kể.

Con người hiện tại vẫn đang nắm trong tay quyền quyết định không chỉ sự tồn tại của chính bản thân, mà còn cả của những thế hệ mai sau. Chính vì vậy, hãy hành động ngay lúc này để cải thiện môi trường, đẩy lùi hiện tượng biến đổi khí hậu, giúp không chỉ con người mà các loài động vật có thể chung sống yên ổn dưới mái nhà Trái đất. Bằng không, một khi môi trường đã bị hủy hoại tới mức không thể cứu vãn, tất cả sự sống sẽ biến mất thì Trái đất sẽ từ “hành tinh xanh” trở thành “hành tinh chết”!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy trò Trường THCS Trần Phú, quận Kiến An trong giờ học.

'Hạ nhiệt' áp lực kỳ thi vào lớp 10

GD&TĐ - Năm đầu tiên đổi mới hình thức, nội dung thi vào lớp 10 THPT khiến nhà trường, thầy cô, đặc biệt học sinh lớp 9 và phụ huynh băn khoăn lo lắng.