Mẹ tôi cũng không hiền. Bà là mẫu phụ nữ bất cần, câu cửa miệng của bà là “chết là cùng chứ gì!”. Quen thuộc trong tuổi thơ mấy chị em tôi là cảnh ba mẹ xô xát, chửi nhau không tiếc lời, mặc kệ lũ con chứng kiến.
Ba tôi thật ra cũng ít khi đánh con, nhưng chỉ cần nghe tiếng xe của ông về tới đầu ngõ là mấy chị em tôi nơm nớp lo sợ, chẳng biết hôm nay ba có uống rượu bia gì chưa. Nếu ba về, bình thường, tươi tỉnh, tất cả thở phào, nhẹ nhõm. Nếu ba loạng choạng, mặt mũi đỏ gay, là cả đám sợ hãi.
Tôi không bao giờ quên một lần ba rượt đuổi mẹ chạy quanh nhà với cây rựa trên tay. Lũ trẻ con chúng tôi hoảng loạn gào khóc. Cảnh như thể trong một bộ phim kinh dị ấy ám vào đầu óc tôi, khiến tôi suốt đời hoài nghi về cái gọi là hạnh phúc gia đình…
Tôi đã bao lần ước gì mình thoát khỏi cuộc sống chắc chẳng kém địa ngục đó. Lớn một chút, tôi có lần đánh bạo hỏi mẹ, sao mẹ không ly hôn, vì cái gì mà cứ phải sống như thế, khổ lây cho con cái. Mẹ tôi có vẻ ngạc nhiên, trả lời rằng, gia đình nào cũng vậy, cũng đều lúc này lúc khác, đâu có gì mà ầm ĩ!
Đến tận bây giờ, khi đã có gia đình và con cái, tôi vẫn không thể nào ủng hộ suy nghĩ chấp nhận bạo lực gia đình như một việc hiển nhiên của mẹ tôi. Tôi ghét rượu chè bia bọt, ghét những người đàn ông say sưa, nhậu nhẹt.
Tôi nhìn cuộc đời hoài nghi, chán ngán, mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân. Tôi không muốn lặp lại sai lầm của mẹ tôi. Tôi cứ mãi băn khoăn, vì đâu mà người ta không tự giải thoát mình ra khỏi cảnh sống bấp bênh, khổ sở ấy, cứ phải cam chịu cho đời trôi qua trong bi kịch của bạo hành không dứt?
Vì con, như có lần mẹ tôi giải thích ư? Không, tôi không tin và càng không cần thứ “vì con” kiểu đó. Vì con hay chỉ làm tổn thương con cái?
Đọc báo, thi thoảng lại thấy có ông bố đánh con, làm hại con, thậm chí giết con. Tôi căm hận những người đàn ông đó, nhưng tôi nghĩ, trách nhiệm còn thuộc về những bà mẹ.
Tại sao không chịu tìm hiểu kỹ trước khi kết hôn? Tại sao cứ cố nắm níu cuộc hôn nhân chẳng ra gì? Tại sao ích kỷ không nghĩ đến con cái, đến nỗi sợ hãi và khổ sở của chúng khi sống trong mái nhà tạm bợ, vá víu ấy?
Bao nhiêu người đàn bà, vì hèn nhát, vì cam phận, vì cứ nghĩ “từ từ tính” đã làm ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con mình?
Biết đến bao giờ người phụ nữ mới chịu hiểu, hôn nhân không phải là kết thúc, mà chỉ là bắt đầu. Sự bắt đầu nào cũng cần phải có chuẩn bị. Làm sao bước chân vào hôn nhân mà chẳng có nghề nghiệp, chẳng một xu dính túi, rồi vô tư sinh con, mặc nhiên để chúng lớn lên, sống một cuộc đời tăm tối…