Chuyển hóa cảm xúc để không mắc sai lầm
Từng trải nghiệm qua chương trình truyền hình thực tế “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, năm nay cùng đồng nghiệp xây dựng “Trường học hạnh phúc” (THHP), cô Lê Thị Nết (Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chia sẻ, việc thầy cô cần thay đổi để dạy học tốt hơn và xây dựng THHP là rất gần gũi.
“THHP bao gồm nghĩa rất rộng. Nhưng THHP trước hết phải là nơi mỗi HS, GV cảm thấy hạnh phúc. Bên cạnh đó còn nhiều nội dung khác giúp xây dựng nên THHP. Một trường học mà không sạch sẽ, cảnh quan môi trường GD không phù hợp thì làm sao HS đến học cảm thấy vui được” - cô Nết bày tỏ suy nghĩ.
Tuy nhiên, theo cô Nết, quan trọng nhất mỗi thầy cô cần phải nỗ lực thay đổi mới có thể xây dựng THHP đúng nghĩa: “Thầy cô thay đổi để dạy tốt hơn, khiến HS tiến bộ, muốn đến trường hơn, theo tôi đó là nhân tố quyết định trong xây dựng THHP”.
Cô Nết chia sẻ: Bản thân nhận được bài học đắt giá nếu không nỗ lực thay đổi. “Trước đây, tôi rất nóng tính, ngay trong lớp học cũng hay nổi đóa với HS. Có nhiều lúc tôi đã không khống chế được cơn tức giận của mình” - cô Nết kể - “Sau khi tham gia khóa tập huấn về giá trị sống và kỹ năng sống cho GV, tôi đã được học kỹ năng chuyển hóa cảm xúc, kỹ năng trao yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu. Bản thân phải luyện tập rất nhiều, phải học cách thay đổi thói quen và cách ứng xử nóng nảy. Đồng thời, tôi cũng phải thay đổi những biện pháp kỷ luật tích cực với HS, bỏ hẳn những hình phạt phản GD, không được HS chấp nhận”.
Trước khi học cách chuyển hóa cảm xúc, hay chịu lắng nghe và thấu hiểu học trò, cô Nết đã có ứng xử với HS khiến bản thân cô sau này đã chảy nước mắt vì ân hận. “Với tình huống đang giảng bài phát hiện một HS ngủ gật, nếu trước đây tôi có thể sầm sập lao từ bục giảng xuống chỗ ngồi của HS để quát tháo: “Giờ này là giờ gì? Tại sao lại ngủ vào lúc này?”; nhưng bây giờ, sau khi học và rèn sự kiên nhẫn, chuyển hóa cảm xúc tức giận, khi gặp tình huống ấy tôi sẽ nhẹ nhàng tới bên HS vỗ vai dịu dàng đánh thức HS.
Được cô giáo nhắc nhở một cách vị tha, giống một người mẹ, tôi thấy học trò nhìn mình với ánh mắt yêu thương, tin tưởng. Cũng với tình huống ấy, có HS thật thà nói với tôi: “Hôm nay em bị ốm, mệt nên ngủ quên, cô ạ!”. Vậy đó, nếu lúc ấy tôi thiếu kìm chế, quát tháo, khiến HS sợ hãi thì tôi đã vô tình làm tổn thương học trò của mình” - cô Nết chia sẻ.
“Đôi khi im lặng cũng là một cách rất quan trọng trong phương pháp GD” - cô Nết nói. GV cần cân nhắc lúc nào nên trao đổi với HS, lúc nào nên im lặng để cơn tức giận tạm lắng xuống, từ đó GV có thể tìm phương án, biện pháp giải quyết tình huống sư phạm một cách hợp lý nhất, tránh những hành xử phản GD.
Cô giáo Lê Thị Nết hạnh phúc cùng học trò trong chương trình truyền hình thực tế “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Ảnh: NVCC |
Học từ chính học trò
Để không đánh mất mình vì cơn nóng giận trong giờ học, bằng những bài học kinh nghiệm rút ra từ bản thân, cô Nết cho rằng: “GV rất cần được tham gia những lớp học về tâm lý GD, kỹ năng sống, học kỹ năng chuyển hóa cảm xúc... Hầu hết GV khi học sư phạm và ra dạy ở các nhà trường đều trang bị những kiến thức, kỹ năng này. Nhưng hoạt động dạy học của GV thường quay đi quay lại như chu trình của kim đồng hồ, cảm xúc dạy học có thể bị bào mòn theo thời gian.
Bởi vậy, học bao nhiêu cũng không đủ, những buổi tập huấn thường xuyên cho GV trở nên vô cùng cần thiết. Được trao đổi, trò chuyện với các chuyên gia, đồng nghiệp có kinh nghiệm sâu sắc sẽ giúp GV xốc lại tinh thần, tìm lại được nhiệt huyết dạy học thật sự vì HS. Tập huấn GV cần các kỹ năng chuyển hóa cảm xúc, những biện pháp để GV kìm chế bản thân, biết trao yêu thương, biết lắng nghe và thấu hiểu”.
Có rất nhiều cách để GV được truyền cảm hứng và học cách kìm chế cơn nóng giận, hiểu và thương yêu học trò hơn. Cô Nết phân tích: “Buổi lễ khai giảng năm học mới cũng là thời điểm để GV được truyền cảm hứng. Không chỉ HS hào hứng bước vào năm học mới, chính GV cũng được truyền cảm hứng rất nhiều từ lễ khai giảng năm học.
Rồi trong năm học, khi học trò đã có cảm hứng học thì GV không thể đánh mất cảm hứng của học trò. Bản thân GV phải thường xuyên được truyền cảm hứng và rèn luyện để giữ cảm hứng dạy học, khiến bản thân GV cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày đứng trên bục giảng và học trò cũng cảm thấy hạnh phúc vì được thầy cô có nhiệt huyết dạy”.
Cô Lê Thị Nết