Trong đó, giáo viên chính là chủ thể tích cực góp phần xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với ba giá trị cốt lõi là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Nhận diện giá trị cốt lõi
Trao đổi về vấn đề này, cô Phạm Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu nhấn mạnh: Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh và phụ huynh đều được hạnh phúc; Là nơi học sinh có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm; Là nơi học sinh không có áp lực học hành mà luôn được phát huy khả năng của mình, các môn học được biến hóa thành các bài học thú vị thông qua các trò chơi, trải nghiệm;
Là nơi mà thầy cô giáo có các phương pháp dạy học tích cực, luôn hỗ trợ và giúp đỡ học sinh kịp thời, thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, tạo cho chúng sự an tâm, tin tưởng và cảm thấy được yêu thương. Nơi ấy không có bạo lực, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo. Hiểu một cách đơn giản, trường học hạnh phúc là nơi mà cả học sinh và thầy cô đều “muốn đến”.
Theo cô Phạm Thị Mỹ Linh, xây dựng Trường học hạnh phúc là một quá trình, trong đó bản thân mỗi giáo viên cần thay đổi tư duy nhận thức, hành động và cảm xúc để có được các bài học hay, đầy hứng thú với học sinh, tạo ra bầu không khí thân thiện và yêu thương.
Trên tinh thần ấy, Công đoàn và Ban Giám hiệu Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu đã phối hợp tổ chức thực hiện các dự án giúp thầy cô thay đổi như: Dự án “Đồng hành cùng thầy cô – Thay đổi để hướng tới tương lai” dựa theo chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” phát trên kênh VTV7, với mong muốn “mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.
Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Công ty cổ phần FCE Việt Nam thực hiện chương trình The Leader in me tại trường trong thời gian 3 năm (bắt đầu từ năm học 2018 – 2019). Chương trình được áp dụng với 100% giáo viên và học sinh. Cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) được tập huấn chương trình trong hè và trong năm học trung bình 1 tháng/lần theo chủ đề. Học sinh được học 3 tiết/tháng trong các tiết sinh hoạt đầu giờ sáng thứ Hai hàng tuần. Đây là chương trình lãnh đạo bản thân giúp chúng ta thay đổi tư duy, làm chủ cuộc sống, phát huy được các thế mạnh tiềm ẩn của mỗi người, phát huy vai trò lãnh đạo của bản thân, hình thành cho chúng ta 7 thói quen của người thành đạt.
Nơi ngập tràn tình yêu
Cô Phạm Thị Mỹ Linh. Ảnh: Tg |
Cũng theo cô Phạm Thị Mỹ Linh, một nhân tố quan trọng nữa trong việc xây dựng một ngôi trường hạnh phúc là xây dựng một không gian học tập tốt cho học sinh vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thoải mái của học sinh. Trường Nguyễn Siêu luôn chú trọng xây dựng một ngôi trường Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn để mang đến cho học sinh không gian học tập an toàn, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên và có tính thẩm mỹ cao.
Năm học 2019 - 2020, nhà trường phát động phong trào xây dựng Trường học xanh – Lớp học hạnh phúc trong toàn thể CBGVNV và học sinh. Hưởng ứng tích cực cho phong trào này, các GV và HS luôn nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, đề cao khẩu hiệu “thấy rác là nhặt”, biết cách phân loại rác và vứt rác đúng nơi quy định (thùng rác vô cơ, thùng rác hữu cơ), tham gia trồng cây xanh phục vụ cho việc học tập và làm đẹp cảnh quan sân trường, tiết kiệm nước, tắt khi không sử dụng các thiết bị điện, đặc biệt loại bỏ rác thải nhựa và nilon, thay thế bằng một lối sống và thói quen thân thiện với môi trường như: Không bọc sách, vở bằng túi bọc nilon mà HS có thể thay thế bằng bọc giấy; không sử dụng cốc, chai nhựa để uống nước mà thay vào đó là bình nước thủy tinh; thay túi nilon đựng đồ ăn bằng túi giấy...
Một lớp học hạnh phúc là nơi mà HS luôn cảm thấy có tình yêu thương từ thầy cô và các bạn trong lớp, cảm thấy được thấu hiểu và tin tưởng, được bộc lộ quan điểm, cảm xúc của mình và phải được tôn trọng. Mỗi lớp học tự thảo luận và thống nhất xây dựng một Thỏa ước tập thể của lớp mình dựa trên những quy định chung của nhà trường, thỏa ước này được đề ra thể hiện sự đoàn kết nhất trí của học sinh.