Đồng thời đáp ứng được xu thế phát triển chung trong thời đại mới, phù hợp với phẩm chất văn hóa của con người Việt Nam.
Sự đổi mới ấy được giới chuyên môn chỉ ra 10 sự khác biệt rất rõ ràng thuyết phục so với chương trình 2006. Điều đó thể hiện một quá trình, một kịch bản rất cặn kẽ và có tâm, có tầm của các nhà hoạch định nghiên cứu và thực hiện đổi mới giáo dục. Song cái tôi muốn nói ở đây là một tinh thần cầu thị, lan tỏa, một sự nỗ lực, một niềm tin lạc quan trong sự đổi mới ở tất cả các ban, ngành, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đang trực tiếp thực hiện chương trình này.
Tôi nhớ lại hình ảnh trái tim Đan Kô sáng rực giữa đêm tối bùn lầy trong tiếng la hét, oán thán của những con người muốn thoát khỏi khổ đau, bế tắc của nhà văn Macxim Gorki. Trái tim của lòng dũng cảm đã đưa dòng người ấy đến một vùng đất mới hạnh phúc ngọt ngào… dù Đan Kô đã ngã xuống! Có lẽ những con người oán thán, giày vò Đan Kô khi đến đích chắc họ ăn năn và hối hận lắm.
Trên hành trình của sự đổi mới giáo dục ắt hẳn cũng có không ít những con người đang cằn nhằn lê bước miễn cưỡng như thế. Bởi một tư duy ngại thay đổi, luôn tự bằng lòng với cái tôi hiện tại, dẫn tới chủ quan, ca ngợi, tôn sùng quá khứ một cách cực đoan. Nhưng họ đâu chịu biết thế giới ngoài kia đầy biến động, sự phát triển của khoa học như vũ bão. Các phần mềm, các nền tảng công nghệ số, AI… trên thế giới thay đổi từng giây. Nhận thức của con người theo đó mà phát triển đến không ngờ.
Cậu bé Lê Hoàng Long ở TPHCM mới 3 tuổi đọc vanh vách biển số xe của 63 tỉnh, thành và ý nghĩa của nó. Cậu bé Lê Khải Đăng ở Pleiku (Gia Lai), 5 tuổi chỉ ra tên các lá cờ trên 200 quốc gia cùng sự giải thích về ý nghĩa, lịch sử. Bé Thái Huỳnh Chí Kiên, 7 tuổi, cũng ở TPHCM nhớ được rất nhiều các vùng miền cũng như lịch sử nước ta và các quốc gia khác trên thế giới… Nhiều em còn nhỏ tuổi học tiếng Anh rất giỏi, nhảy giỏi, hát giỏi… Đơn giản vì các em tự học qua công nghệ dưới sự động viên khích lệ của gia đình.
Đó là chưa nói đến tầng lớp trí thức công nghệ đang cách xa ta hàng vạn dặm. Họ biến những điều mới mẻ thành nhịp sống, thành những giá trị kinh tế và nâng cao trí tuệ của họ. Còn chúng ta trước cái mới còn rụt rè, e ngại đến sợ hãi.
Có ai đó giẫm phải gai góc trên con đường mới, họ chưa kịp kêu lên thì mình đã la ó om sòm và còn gây ra cái hiệu ứng la ó cho cả những người chưa hiểu chuyện. Thử hỏi có con đường nào đến vinh quang mà chỉ trải những hoa hồng? Nếu cứ giữ thái độ ấy, tư tưởng ngại thay đổi ấy thì làm sao có thể gánh vác được sự nghiệp đổi mới chung.
Ảnh minh họa ITN. |
Vậy bạn phải bắt đầu từ đâu? Hãy hít thở thật sâu cho tim đừng loạn nhịp, cho trí não tràn đầy khí lành với một niềm tin, lòng dũng cảm vượt qua chính mình. Thấy khó ở đâu thì tìm ra cách giải quyết ở đó, hăm hở học hỏi. Yếu công nghệ thông tin thì học công nghệ thông tin, yếu phương pháp thì học phương pháp… và tìm ngay trong những đôi mắt háo hức hàng ngày đang chờ đợi ở lớp các bạn dạy.
Lũ trẻ sẽ không thích đâu, nếu bạn ngồi đọc cho chúng chép những định nghĩa, những khái niệm hay bạn thao thao bất tuyệt vì nghĩ rằng những quan điểm này là đúng, mệnh đề kia là sai. Không, chỉ cần một cái click chuột là chúng có thể thấy được hết, còn hay và hấp dẫn hơn nhiều.
Cái chúng cần là được phát huy, được thể hiện, được thầy cô gợi ý phát hiện bóc tách những mảng tối sáng cho chúng. Vì vậy, nhà giáo đứng trước đối tượng là học trò phải biết chúng cần gì, khả năng đến đâu để tổ chức bài học (kế hoạch dạy học) sao cho hợp lí.
Không có một phương pháp, cách thức nào là tối ưu cho một đối tượng hay một yêu cầu kiến thức, cũng không phải phương pháp này, cách thức này sử dụng phù hợp với đối tượng này là cũng phù hợp với đối tượng kia… Tất cả phải theo dõi và tự thiết kế điều chỉnh sao cho phù hợp nhất có thể. Khi nào mà trong lớp các đối tượng học sinh đều hứng khởi hợp tác, tập trung thể hiện các nhiệm vụ của mình thì bạn đã thành công một phần lớn rồi đó.
Có bạn dạy Ngữ văn nói rằng “khi dạy theo phương pháp mới này khiến bao nhiêu những ý văn chương hay ho ngày trước em được tôi rèn bây giờ không có dịp được thể hiện với học sinh”. Bạn yên tâm, bây giờ là lúc để các em thể hiện, mình chỉ vun vào thôi. Thấy chỗ nào các em chưa thực sự chuẩn thì khéo léo vun chỉnh các em vào cho chuẩn.
Tất nhiên “sân khấu” của bạn vẫn còn một số khoảnh khắc để cho học sinh được thấy năng khiếu của bạn chứ. Cứ bình đi một đoạn văn, đoạn thơ nào đó, cứ đọc diễn cảm đi, cứ ngâm đi… Vâng cái đó cũng là phương pháp chuyên biệt riêng ở môn của bạn, vấn đề là bạn phải sử dụng sao cho hợp lí trong kế hoạch bài dạy của mình thôi.
Có bạn lại cho rằng, “kiến thức nặng quá”. Hãy đọc lại yêu cầu của hướng dẫn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo từng khối lớp, cấp học bạn sẽ thấy những yêu cầu đó là cơ bản, là xương sống của chương trình. Nó cũng nhẹ nhàng theo từng cấp học, có tính kế thừa và nâng cao theo lứa tuổi. Vậy cứ bám vào đó mà soạn và nhớ lấy những ánh mắt chờ đợi của các em học sinh là được. Đừng tự nhặt thêm đá bỏ vào gùi của mình rồi than phiền nặng nhẹ.
Rồi có bạn lại cho rằng bộ sách này dễ, bộ kia khó, bài này hay bài kia dở… ôi chao các bạn nói đúng cả. Nhưng vấn đề ở đây, sách giáo khoa lúc này chỉ là tài liệu tham khảo mà các nhà biên soạn đã bám vào chương trình và lựa chọn ra các bài theo quan điểm nhất định của họ để làm minh chứng cho chương trình yêu cầu thôi. Đừng băn khoăn nhiều về nó. Bạn học lái xe chưa nhỉ?
Này nhé ở trường dạy lái sẽ có lúc cho bạn thực hành trên những chiếc xe cũ rích, thầy dạy cho bạn những thao tác cơ bản từ cái xe đó và giờ đây còn có cả xem mô hình. Học lái xe mà như đang chơi điện tử vậy. Nhưng mai kia sau khi sát hạch, bạn có bằng rồi thì theo bằng cấp mà chạy loại xe nào chẳng được.
Cũng như vậy, khi hiểu vấn đề rồi học sinh sẽ ra ứng dụng bài học trong cuộc sống giống như các bạn lái trên các dòng xe khác nhau nhưng cùng một nguyên lí vậy. Môn Ngữ văn của bạn là học theo đặc trưng thể loại bây giờ là thế chứ đâu phải xoáy sâu cảm nhận về một bài thơ, đoạn thơ như trước kia.
Tôi đang mò mẫm như các bạn, có lúc cũng vui lắm ở những tiết học khi thấy các học sinh thể hiện hết mình. Có nhiều em làm tôi kinh ngạc vì khả năng cá nhân. Có em chuẩn bị bài rồi lên trình bày như một nhà diễn thuyết, trình độ trình chiếu thật điêu luyện, có em có những phát biểu đầy mới mẻ, thậm chí có những câu hỏi dí dỏm và hóc búa cho cả thầy.
Có lúc chúng ồn ào náo nhiệt, kịch tính có khi chúng giận hờn ngây ngô… nhưng đằng sau đó là ánh mắt ngây thơ trong sáng, nụ cười hồn nhiên tươi tắn. Tôi chưa bao giờ bằng lòng với bất kì một tiết dạy nào, nhưng tôi thấy các em vượt bậc hơn tôi gấp nhiều lần so với tôi trước đây bằng tuổi chúng, cũng như các lớp anh chị của chúng trước kia. Và đó phải chăng là bước đi đúng hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vậy!
Khép lại bài viết, tôi chưa biết bài giảng sắp tới của mình như thế nào, sẽ bắt đầu bằng cách nào. Thật khó khăn, mò mẫm và có lẽ cũng sẽ giẫm phải gai, phải ngụp lặn trong đoạn bùn lầy như Đan Kô và đoàn người ấy, nhưng tôi vẫn tin và lạc quan vì sứ mệnh của mình trên hành trình lịch sử đổi mới giáo dục. Tôi thấy rõ những ánh mắt sáng, nụ cười rạng rỡ như trái tim Đan Kô của các học trò chờ đợi vào mỗi buổi sáng.