Đã gần 12 giờ khuya 22/10, cậu thanh niên trẻ gọi vợ chồng bà Đặng Xuân Kiều - Huỳnh Văn Hải (chủ Công ty Đặng Huỳnh ở quận 12, TP.HCM, nơi vừa xảy ra vụ nổ kinh hoàng khiến 3 người chết và hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng, sập) bằng dì - dượng ruột không thể nào chợp mắt, chỉ ngồi thẫn thờ, rồi khóc.
Cậu ấy cứ ngồi đấy, hai mắt đỏ hoe. Sau vài phút xúc động để nén chặt nỗi đau vào lòng, cậu bắt đầu mở lời, rụt rè hỏi chúng tôi cách nào công khai lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng và cầu xin dư luận buông tha cho gia đình để vượt qua nỗi đau sau cú sốc nặng nề.
Làm nhân viên văn phòng cho một công ty nước ngoài ở khu công nghiệp Tây-Bắc Củ Chi, Nguyễn Duy Anh kể mấy hôm nay gia đình dì dượng xảy ra chuyện lớn nên xin nghỉ làm ở nhà động viên tinh thần cho gia đình vượt qua cú sốc quá lớn.
Tiếng là cháu gọi bằng dì dượng chứ thực ra đó như là cha mẹ nuôi vì từ nhỏ đến lớn, Duy Anh sống chung trong gia đình và chính dì dượng đã nuôi nấng, dạy dỗ cậu ấy trưởng thành, đến khi học đại học mới ra ở riêng.
Nỗi đau chất chồng
Cháu bé Hồng Anh chính là con trai của chị Huỳnh Thị Ngọc Thạnh (sinh 1984, Đồng Tháp) nạn nhân vừa mới chết mà thân xác văng từng mảnh trong vụ nổ kinh hoàng tại trụ sở chi nhánh Công ty TNHH SX-DV-TM Đặng Huỳnh (66/6 đường Lê Thị Riêng, quận 12, TP.HCM) do hai vợ chồng ông bà Huỳnh Văn Hải – Đặng Xuân Kiều làm chủ.
“Mới năm ngoái, cha của bé Hồng Anh bị một khối u não và đã chết để lại hai mẹ con thơ không có việc làm. Dì dượng em thương tình đã gọi lên Sài Gòn giúp đỡ cho công việc làm tại xưởng sản xuất mới bị nổ, Hồng Anh theo mẹ để học mẫu giáo.
Nào ngờ chưa đầy năm cha thì mẹ đã mất. Thằng nhỏ nửa đêm khóc thét, trước thì đòi ba, giờ thì đòi mẹ nhưng ba mẹ nó giờ đã đi xa rồi, còn đâu” – Duy Anh buồn bã kể.
Nạn nhân thứ 2 đã chết mà thân xác cũng không lành lặn trong vụ nổ là chị Huỳnh Thị Tâm (cháu gọi ông Huỳnh Văn Hải là cậu ruột) và Nguyễn Thị Cẩm Tú (là con chị Tâm) đã bị chết tại chỗ.
Ngày đám tang vội vã những người thân trong gia đình, “trời đất như sụp đổ, mẹ và dì em ngất lên xỉu xuống. Thậm chí đưa tang xong rồi mà cơ quan chức năng còn tìm thấy vài mảnh thịt trên cơ thể của người chết còn vương vãi khắp nơi chung quanh hiện trường vụ nổ.
Gia đình em đau đớn lại khóc ngất thêm một lần nữa, đưa mảnh thịt về quê mai táng bổ sung, giống như là đám tang hai lần vậy” – Duy Anh kể mà nước mắt lưng tròng.
Từ khi xảy ra vụ nổ, ngày nào ông Huỳnh Văn Hải cũng bị cơ quan công an mời đến làm việc để hợp tác điều tra tìm nguyên nhân. Duy Anh bảo rằng, làm việc từ sáng, tối mới về đến nhà, thấy ông Hải rất mệt mỏi nhưng không ai dám hỏi câu nào vì “sợ dượng đau và sốc”.
Người thân trong gia đình ông Huỳnh Văn Hải không ai dám ra đường, cũng ít tiếp xúc với người ngoài, không muốn gặp ai dù nhiều người đến thăm hỏi, gọi điện thoại động viên tinh thần nhưng mỗi lần như thế là lại thêm một lần đau.
Duy Anh kể những người có nhà bị sập, ảnh hưởng cũng tỏ thái độ, người này bực dọc, người kia mắng mỏ, người khác cảm thông, rồi lâu lâu có người hàng xóm cầm tờ báo mang đến bảo mọi người xem báo đăng như thế này, như thế kia”.
“Dì em thì gần như không còn sức sống nữa. Dì vốn đã không được khỏe mà sau cú sốc quá lớn này, em thấy dì ngất xỉu hoài. Vợ chồng dì có một đứa con trai duy nhất tên Huỳnh Hoài Giang du học ở Úc nhưng mấy tháng nay thì đang ở Việt Nam.
Cậu ấy là người thân thiết với em nhưng lại ít biểu lộ cảm xúc. Ngày xảy ra vụ nổ, em thấy cậu ấy lặng người, như đứng chết trân giữa trời đất” – Duy Anh tâm sự.
Đâu đó trên các mạng xã hội, vẫn còn những nơi đưa ra các thông tin mơ hồ, sai lệch, thổi phồng làm cho gia đình chúng cháu vô cùng hoảng loạn và bị áp lực nặng nề.
Nhưng quan trọng hơn, việc đó đã gây hoang mang cho dư luận, đi ngược lại với nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ổn định tình hình để đời sống của bà con bình thường trở lại.
“Con xin cúi đầu vái lạy”
Huỳnh Hoài Giang là con trai duy nhất của vợ chồng ông bà Huỳnh Văn Hải - Đặng Xuân Kiều. Từ nhỏ, Hoài Giang và Duy Anh sống chung trong một nhà đến khi lớn lên Hoài Giang đi du học Úc còn Duy Anh học đại học mới ở riêng.
Hoài Giang muốn là trụ cột của gia đình trong lúc này, để thay mặt ba mẹ làm một cái gì đó để giúp mọi người đứng vững, vượt qua nhưng lại không biết làm gì ngoài chuyện ủng hộ tinh thần cho ba mẹ, dì và giúp lo hậu sự cho các nạn nhận.
“Cậu ấy đã nhờ em tìm đến các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để cầu xin sự bình yên tạm thời cho gia đình trong lúc để trụ được qua cú sốc này bằng một bức tâm thư, thay mặt gia đình gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng từ vụ nổ và mong mọi người đồng cảm” – Duy Anh thuật lại.
Trong bức tâm thư, Hoài Giang viết: “Có lẽ buổi chiều hôm ấy là buổi chiều mà cháu mãi mãi không bao giờ quên được – khi cháu nhận được cuộc gọi từ ba cháu rằng: “Giang ơi, nhà có chuyện lớn rồi, con xin lỗi các bạn về liền”. Từ công ty, cháu hối hả chạy về và lặng người giữa dòng xe kẹt cứng bởi đám đông tụ tập trước xưởng sản xuất…
Mẹ và dì cháu nằm vật vờ như người mất hồn không nói được câu gì rõ nghĩa. Các anh chị em cháu bắt đầu tụ tập, người chạy coi hiện trường người cố gắng tìm cách giúp đỡ các nạn nhân và tìm kiếm những người gặp nạn...
Hai ngày qua là hai ngày cực kỳ căng thẳng với gia đình chúng cháu khi mỗi ngày đón tiếp không biết bao nhiêu lượt khách, đi kèm với đó là bao nhiêu tiếng khóc và nước mắt.
Chuyện hậu sự cho người đã khuất, chuyện tìm kiếm người mất tích đè nặng với những áp lực không ngừng từ nhiều phía. Mà áp lực lớn nhất là từ chính lương tâm của những người trong gia đình chúng cháu khi sự việc xảy ra từ phía gia đình.
Không ai bảo ai, từng người từng người một trong gia đình cố góp chút sức nhỏ của mình để ổn định lại tình hình và giải quyết hậu quả của sự cố khủng khiếp này.
Trong hoàn cảnh ấy, bên cạnh những bài viết từ các tờ báo dẫn nguồn chính xác của cơ quan điều tra, thì đâu đó trên các mạng xã hội, vẫn còn những nơi đưa ra các thông tin mơ hồ, sai lệch, thổi phồng làm cho gia đình chúng cháu vô cùng hoảng loạn và bị áp lực nặng nề.
Nhưng quan trọng hơn, việc đó đã gây hoang mang cho dư luận, đi ngược lại với nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ổn định tình hình để đời sống của bà con bình thường trở lại.
Nỗi đau vừa qua quá lớn, và hậu quả của nó không thể khắc phục trong một sớm một chiều, và cháu biết nó sẽ dày vò ba của cháu cùng các thành viên trong gia đình trong nhiều năm nữa, bất kể kết luận cuối cùng chỉ ra nguyên nhân thực tế thế nào.
Ba của cháu đã được mời lên phường ngay trong tối hôm đó để hỗ trợ công tác điều tra. Mỗi người trong gia đình bây giờ đều cố hết sức mỗi ngày để giải quyết hậu quả được chừng nào hay chừng đó.
Cháu viết thư này, ngoài việc chia sẻ góc nhìn từ bên trong, còn thiết tha mong được… gửi lời xin lỗi chân thành nhất từ sâu thẳm trái tim đến những người dân, những gia đình bị ảnh hưởng dù trực tiếp hay gián tiếp đến vụ tai nạn lần này.
Bất cứ thời điểm nào được cơ quan chức năng thông báo rằng phù hợp để tiếp cận gia đình người bị nạn, và cộng đồng làng xóm đã bình tâm lại để cho phép người trong gia đình tạ lỗi, gia đình chúng cháu mong muốn được cúi đầu vái lạy để chia sẻ nỗi đau với tất cả bà con".