Hậu phương của lính đảo

GD&TĐ - Giáo viên có chồng là lính đảo thường thiếu đi những cái Tết đoàn viên.

Cô Phương hạnh phúc bên chồng và các con trong lần anh về phép. Ảnh: NVCC
Cô Phương hạnh phúc bên chồng và các con trong lần anh về phép. Ảnh: NVCC

Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, càng khiến Tết sum vầy khó thành hiện thực. Song bất luận hoàn cảnh nào, các cô giáo vẫn luôn là hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác, bảo vệ biển đảo quê hương. 

Những nỗi niềm riêng

Lấy nhau được hơn 8 năm và có 2 người con, thế nhưng đến nay hai vợ chồng cô giáo Phùng Thị Ánh Nguyệt mới được đón giao thừa cùng nhau một lần. Tết sum vầy của vợ chồng cô đếm chưa hết 5 đầu ngón tay. Cô Nguyệt hiện là giáo viên Trường THCS Yên Sơn (Quốc Oai, Hà Nội). Chồng cô công tác ở đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.

Cô Nguyệt kể: Hồi mới lấy nhau, cứ đến tháng 12 âm lịch, cô bắt đầu đếm ngược từng ngày, mong ngóng chồng được về sum vầy cùng gia đình đón Tết. Những năm đầu vắng chồng, cô cảm thấy tủi thân, bởi ngày Tết vợ chồng, con cái nhà nào nhà nấy “tay trong tay” đi chúc Tết bố mẹ, họ hàng, làng xóm, rồi cùng đi du xuân, trẩy hội.

“Chỉ nhìn nhà người ta thôi cũng đủ thấy chạnh lòng” - cô Nguyệt bộc bạch và cho biết: Sau dần cũng quen vì hiểu hơn về công việc của chồng. Tết này, dự lệnh là anh ấy không về. “Nói không buồn thì dối lòng. Nhưng 8 năm qua, với biết bao khó khăn, vất vả, vậy mà cả hai vợ chồng đều vượt qua. Vậy thì thêm một cái Tết vắng anh có là gì?! Chỉ mong anh mạnh khoẻ, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo quê hương”– cô Nguyệt nhắn gửi.

Chia sẻ về những năm tháng làm vợ của lính đảo, cô Nguyệt nhớ lại: Hai lần “vượt cạn” đều không có chồng ở bên cạnh động viên. Mỗi khi con cái, bố mẹ ốm đau, anh cũng không được ở nhà, một mình cô lo toan, gánh vác… Ngày các con còn nhỏ, mỗi lần anh về nghỉ phép, bố con lạ mặt, vừa mới “quen hơi bén tiếng” thì anh lại phải lên đường làm nhiệm vụ. “Những lúc như thế, tôi tự nhủ: Đã là vợ lính đảo thì chấp nhận hy sinh nhiều thứ, kể cả niềm hạnh phúc riêng và những cái Tết đoàn viên bên gia đình” – cô Nguyệt trải lòng.

Có chồng công tác ở đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), cô Nguyễn Thị Hoài Phương – Giáo viên Trường Tiểu học Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay: Hai vợ chồng cưới nhau từ năm 2010, có với nhau 2 mặt con nhưng số lần hai vợ chồng đón Tết cùng nhau chẳng được là bao. Thời gian anh ở nhà lâu nhất là 20 ngày.

Song dù bất cứ hoàn cảnh nào, cô Phương luôn xác định: Là vợ lính phải luôn mạnh mẽ và can đảm. Cô kể: Lần sinh cháu đầu, anh được ở nhà gần một tháng. Sinh cháu thứ hai đúng đợt anh đang lênh đênh công tác trên biển. Phải mấy tháng sau anh mới được về. Mỗi lần bố về các con lại mất một thời gian làm quen. “Là phụ nữ, ai cũng muốn được gần chồng, có chồng bên cạnh, nhất là khi trái gió trở trời và những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Có hôm con tôi hỏi: Bao giờ bố nghỉ hưu? Những lúc ấy, dù mạnh mẽ thế nào cũng khó tránh khỏi chạnh lòng” – cô Phương chia sẻ.

Những ngày chồng xa nhà, cô Nguyệt vừa là mẹ, vừa là bố của các con. Ảnh: NVCC
Những ngày chồng xa nhà, cô Nguyệt vừa là mẹ, vừa là bố của các con. Ảnh: NVCC

Vẫn chờ những Tết đoàn viên

Hơn 10 năm qua, chồng cô Đào Huyền Anh – Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Chương Mỹ, Hà Nội) thường xuyên phải làm nhiệm vụ trên các đảo tiền tiêu, bởi anh công tác ở Lữ đoàn 126 Quân chủng Hải quân. Vì thế cô đã quen với việc đón Tết xa chồng. Nói là quen nhưng giọng cô ấp úng, có chút bồi hồi. Cô tiếp tục câu chuyện của mình khi đôi mắt đã đỏ hoe lúc nào không hay. Cô thổ lộ: Giá mà những tháng ngày qua, anh ấy được ở nhà thì tốt biết mấy.

Cô kể: “Nhà neo người, mẹ chồng tôi ốm đau nên thường xuyên phải đi viện. Dịch bệnh ở quê nhà luôn trong tình trạng “báo động”, tôi thì bận việc của trường và có tham gia đội phòng chống Covid-19 của địa phương. Hai con phải gửi sang nhà ông bà ngoại chăm sóc và học online ngay tại đấy. Có thời điểm tôi “xoay như chong chóng” – cô Huyền Anh chia sẻ. Ấy vậy mà chưa bao giờ cô hối hận khi chọn anh làm chồng. Cô luôn tự hào vì được làm vợ của lính đảo, bởi chồng cô đã góp phần vào bảo vệ biển đảo quê hương.

“Mỗi lúc khó khăn, tôi lại tự dặn lòng, sẽ là hậu phương vững chắc để anh ấy yên tâm công tác. Chưa bao giờ cô để chồng mình bận lòng về hậu phương. Vì thế, việc nhà tôi vẹn toàn, việc nước luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có như vậy, anh ấy mới thực sự yên tâm công tác” – cô Huyền Anh bộc bạch.

Còn với cô Nguyễn Thị Hoài Phương, 8 tháng nay hai vợ chồng chưa gặp mặt. Theo kế hoạch, Tết này chồng cô được về quê nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên vẫn chưa “chốt” được lịch cụ thể. “Chỉ mong đại dịch sớm qua đi để vợ chồng đoàn viên, hân hoan đón Tết” – cô Phương hy vọng.

Cũng giống như cô Phương và cô Huyền Anh, thời điểm dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, địa phương liên tục xuất hiện F1, F2, thậm chí có cả F0. Thôn, xóm luôn trong dự lệnh phải đi cách ly tập trung hoặc phong tỏa bất cứ lúc nào. Những lúc như thế, cô Nguyệt nhớ chồng da diết, chỉ mong có anh ở nhà, để chèo chống và ứng phó với đại dịch khi cần.

Thiếu vắng “trụ cột” trong nhà, nên mọi việc lớn bé cô đều phải làm. “Những ngày tháng không quên đó đã qua đi; giờ đây tôi chỉ mong anh và đồng đội cùng toàn thể gia đình mạnh khỏe, bình an. Tết này anh không về, sẽ còn nhiều Tết khác để vợ chồng, con cái đoàn viên, sum vầy hạnh phúc bên nhau” – cô Nguyệt tin tưởng.

 Ở quê nhà, cô Đào Huyền Anh cũng như các cô giáo làm vợ lính đảo khác luôn làm tròn bổn phận dâu con và làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Các cô nuôi dạy con ngoan ngoãn, học giỏi. Trong công việc luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các cô đã, đang và sẽ luôn là hậu phương vững chắc để “một nửa yêu thương” của mình yên tâm bảo vệ biển đảo quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.