Tình yêu cô giáo và người lính
Đến nay đã hơn 10 năm cô giáo Lệnh Bích Xuân – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) kết duyên cùng Trung úy Vương Trung Hùng. Nhớ lại những ngày đầu gặp gỡ, quen biết trong ánh mắt, lời nói của cô Xuân vẫn đầy hạnh phúc như mới vừa diễn ra hôm qua.
Tháng 12/2006, cô giáo trẻ Lệnh Bích Xuân nhận nhiệm vụ công tác tại Trường MN Nghĩa Thuận. Cô được phân công dạy học tại điểm trường Phìn Chư - nơi gần như 100% HS là người dân tộc Mông. Công việc huy động trẻ tới trường nhiều vất vả nhưng đã trở thành nhiệm vụ tất yếu của người thầy vùng cao. Mới vào nghề, cô Lệnh Bích Xuân đến với trẻ bằng kiến thức, tình yêu nhiệt huyết nhưng tiếng dân tộc Mông chưa biết gì khiến giao tiếp cùng trẻ còn nhiều bất đồng.
Trong một lần đi vận động HS đến lớp, khi “lơ ngơ” chưa biết diễn đạt ra sao thì gặp người lính quân hàm xanh Vương Trung Hùng cũng đi xuống địa bàn làm công tác. Thấy cô giáo trẻ chưa thành thạo tiếng Mông, anh nói cô về điểm trường chuẩn bị sẵn lớp học đợi HS đến còn anh sẽ giúp cô vận động. Và chỉ hơn 1 giờ, đông đảo HS, phụ huynh HS đưa con đến lớp. Hỏi ra mới biết, không chỉ nắm chắc địa bàn, có uy tín với bà con nhân dân mà anh còn khá thông thạo tiếng Mông… nên việc huy động HS đến trường không mấy khó khăn.
Sau lần gặp gỡ ấy cô giáo Lệnh Bích Xuân đã chủ động tích cực học hỏi ngôn ngữ dân tộc Mông qua chiến sĩ Vương Trung Hùng. Bất kỳ câu từ nào không biết mà cần sử dụng đến cô đều nhờ anh phiên dịch sang tiếng Mông rồi ghi chép cẩn thận lại trong sổ về nhà tự học. Ngày đầu, cô phát âm chưa được chuẩn nhưng dần dần dưới sự giúp đỡ chỉ bảo của anh lính Vương Chung Hùng, cùng sự nỗ lực học hỏi của bản thân thì khả năng nói tiếng Mông đã nâng lên đáng kể.
Tháng 2/2009 sau gần 3 năm quen biết, tìm hiểu cô giáo Lệnh Bích Xuân và anh lính Vương Trung Hùng nên duyên vợ chồng. Anh thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho cô giáo Xuân trong công việc. Bởi “không những anh chỉ bảo giúp tôi học tiếng dân tộc Mông mà còn tích cực chủ động giúp tuyên truyền, vận động HS đến trường, phiên dịch tiếng Việt sang tiếng Mông trong rất nhiều buổi học…” - cô Xuân chia sẻ.
Cô giáo Dương Thị Huyền – Hiệu trưởng Trường MN Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) cũng có một cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng chiến sĩ quân hàm xanh: Thượng úy Phùng Văn Yên. Mối lương duyên của họ đến sau những lần gặp gỡ, tập luyện văn nghệ phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình công tác. Ánh mắt, giọng hát và đặc biệt sự nhiệt huyết tận tụy với con trẻ của cô giáo trẻ mầm non Dương Thị Huyền đã chinh phục hoàn toàn trái tim người lính Biên phòng.
Năm 2006 họ kết hôn. Bốn năm tìm hiểu là khoảng thời gian đầy thử thách lòng thủy chung, tình yêu và sự hy sinh dành cho nhau bởi đặc thù công việc của họ đều có sự thay đổi, dịch chuyển địa bàn công tác. Anh Phùng Văn Yên thì chuyển đơn vị mới cách cả 100km, còn cô giáo Huyền trong công việc cũng thay đổi từ điểm trường đến trường công tác.
Tình yêu của họ phần lớn trong xa cách vì vậy sự thấu hiểu, nhớ thương đều chia sẻ qua điện thoại.“Trước khi kết hôn, em cũng tìm hiểu qua những đồng nghiệp lấy chồng bộ đội và được biết những khó khăn sẽ gặp trong cuộc sống sau này. Nhưng nếu cứ sợ vất vả, xa cách… thì làm sao chia sẻ và đến được với người mình yêu thương. Em chấp nhận và quyết tâm đến với anh Yên dù sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi làm vợ lính…” - cô Dương Thị Huyền trải lòng.
Những hậu phương vững chắc
Cô giáo Lệnh Bích Xuân chăm sóc học sinh Trường MN Nghĩa Thuận |
Do đặc thù công việc, cuộc sống cùng trải qua trong khó khăn, xa cách… nên giữa người lính và những giáo viên vùng cao có sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng cam cộng khổ. Đặc biệt, những cô giáo vùng cao, bằng sự nỗ lực vượt khó, sự thủy chung và một tâm hồn đẹp… đã trở thành hình ảnh đẹp và “hậu phương” vững chắc cho những người lính yên tâm công tác nơi tiền tuyến.
Cô Dương Thị Huyền chia sẻ: Lấy chồng bộ đội, số thời gian ở bên nhau một năm tính ra chỉ hơn 30 ngày. Ngày lễ, Tết, công việc, người thân, con cái ốm đau, dạy con học hành hàng ngày, thậm chí “vượt cạn”… cứ xác định mình làm hết. Thế nhưng, đổi lại tình yêu cháy bỏng, sự quan tâm chân thành gần gũi, trách nhiệm hết lòng với vợ con mỗi khi các anh trở về gia đình… lại là động lực, sức mạnh để những cô giáo có thêm sức mạnh vượt qua mọi thử thách cuộc sống.
Bản thân cô Huyền, hơn 10 năm lấy chồng đến nay, từ một cô giáo trẻ và hiện tại đã trưởng thành trên cương vị hiệu trưởng – quản lý nhà trường nhưng gần như sáng nào cô cũng dậy từ 5 giờ sáng. Chuẩn bị quần áo, cho con ăn uống, chợ búa cho bữa tối… rồi đưa con tới trường, mẹ vào lớp. Chỉ khi nào phải đi công tác hoặc việc đột xuất ở trường lớp, cô mới gửi con cho hàng xóm, người quen giúp đỡ. “Cuộc sống xa chồng, công việc trường lớp gia đình bận rộn từ sáng sớm đến tối muộn… cũng có điều thú vị. Em chẳng có thời gian để suy nghĩ vẩn vơ vì vất vả. Đặt lưng xuống giường cạnh các con, nhìn các con ngủ ngoan là mình đi vào giấc ngủ bình yên nhất” - cô Huyền tâm sự.
Cô giáo Lệnh Bích Xuân – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận cũng chia sẻ: Lính biên phòng luôn coi “Đồn là nhà biên giới là quê hương” nên có rất ít thời gian bên người thân. Mới lấy nhau đôi khi em cũng tủi thân vì mình lủi thủi... Đến nay, đã có 2 con, khi trái gió trở trời mình ốm, con đau, sốt nóng sốt lạnh phải tự chăm sóc xử lý tình huống. Công việc đối nội, đối ngoại hai bên gia đình hàng ngày cũng cơ bản mình lo. Ngày 8/3, 20/10, 20/11, valentine… tự mua hoa tặng mình thay chồng. Tuy nhiên, vất vả đến mấy thì việc trường lớp vẫn phải hoàn tất.
“Em vẫn thấy quyết định kết hôn cùng người lính biên phòng là đúng đắn. Em hạnh phúc với tình yêu ấy. Mình phải bằng lòng với những gì mình đang có. Xa nhau cũng giúp vợ chồng em thêm hiểu, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn…” - cô Xuân nói.
Đại úy Bùi Văn Đại – Chính trị viên phó đồn Biên phòng Nghĩa Thuận có vợ là cô giáo Phạm Thị Yến – giáo viên Trường MN Trung Sơn Trầm – Sơn Tây (Hà Nội) khẳng định: Những người lính chúng tôi thực sự biết ơn những “hậu phương” vững chắc nơi quê nhà.
Chúng tôi yên tâm chiến đấu, lao động, làm tốt mọi nhiệm vụ được giao bởi sau lưng chúng tôi là những tổ ấm, tình yêu thương, sự động viên chia sẻ của những người vợ hiền. Thời gian dành cho gia đình càng ít bao nhiêu thì chúng tôi càng hiểu được những vất vả bấy nhiêu mà “hậu phương” đang gánh vác. Nhưng tôi muốn chuyển tới những “hậu phương” của người lính rằng: Hãy thấu hiểu và đồng hành cùng chúng tôi bởi chúng tôi đã và đang sống với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì bình yên Tổ quốc.