Hạt gạo nghĩa tình nơi biên giới biển

GD&TĐ - Gần 10 năm triển khai mô hình “Hũ gạo tình thương”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Tân (Tiền Giang) đã tiết kiệm được hơn 3.200 kg gạo.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Tân phối hợp với MTTQ Việt Nam xã Phú Tân tặng gạo và nhu yếu phẩm cho bà Nguyễn Thị Hành.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phú Tân phối hợp với MTTQ Việt Nam xã Phú Tân tặng gạo và nhu yếu phẩm cho bà Nguyễn Thị Hành.

Những hạt gạo nghĩa tình đã giúp đỡ nhiều phận đời hoàn cảnh khó khăn, từ đó góp phần gắn kết tình quân - dân trên khu vực biên giới biển.

Giúp đỡ những gia đình khó khăn

Bà Lê Thị Châu (54 tuổi) sống tại ấp Bà Tiên 2, thuộc diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Gần 10 năm qua mặc dù bị bệnh tim, nhưng ngày ngày bà vẫn đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Tuy nhiên, công việc ngày có ngày không nên cuộc sống rất bấp bênh. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn đó, năm 2013, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Tân đã nhận đỡ đầu bà Châu bằng hình thức hỗ trợ gạo từ mô hình “Hũ gạo tình thương” của đơn vị. Chính quyền xã Phú Đông cũng thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà.

Nhắc đến việc hàng tháng nhận 10 kg gạo và các nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột ngọt, nước mắm từ cán bộ Đồn Biên phòng và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Đông, bà Châu xúc động nói: “Nhà không có đất sản xuất, cuộc sống bao năm qua phụ thuộc những đồng tiền đi làm thuê nên phải chắt chiu lắm mới đủ trang trải. May mắn, gia đình tôi được sự hỗ trợ gạo hàng tháng của các chú bộ đội, sự quan tâm của chính quyền địa phương mà cuộc sống của gia đình đã đỡ cực đi nhiều lắm, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh không có việc làm. Thật sự mẹ con tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành đến các anh”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hành, trú ấp Lý Quàn 2, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cũng có hoàn cảnh khó khăn không kém. Qua trò chuyện được biết, bà Hành năm nay đã 76 tuổi, ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, nhưng bà vẫn phải tự chăm lo cho bản thân để sống qua từng ngày. Cuộc sống neo đơn, bản thân không có khả năng lao động, nên những năm qua, bà sống trong sự đùm bọc, hỗ trợ của người dân trong ấp, sự giúp đỡ của chính quyền xã Phú Đông và những người lính Biên phòng.

Bà Hành thổ lộ: “Suốt 10 năm nay được các anh Biên phòng nhận phụng dưỡng, mỗi khi tôi ốm đau đều được quân y đơn vị đến thăm khám, cấp thuốc miễn phí. Hàng tháng còn được hỗ trợ gạo. Nhờ đó mà cuộc sống của tôi không còn khó khăn, đơn độc như ngày xưa nữa…”.

Trường hợp của gia đình bà Châu hay bà Hành là 2 trong số hàng trăm gia đình được các đơn vị bộ đội Biên phòng trên các tuyến biên giới giúp đỡ thời gian qua. Với mô hình “Hũ gạo tình thương”, mỗi lần, trước khi nấu cơm, chiến sĩ nuôi quân sẽ bớt một ít gạo trong khẩu phần ăn hằng ngày của bộ đội để cho vào hũ riêng. Đến cuối tháng, số gạo tích góp được 25 đến 40 kg và chuyển đến giúp đỡ các gia đình khó khăn, neo đơn, người già, ốm đau. Mỗi hũ gạo dù không lớn nhưng ở đó chứa đựng cả tấm lòng tương thân tương ái của người lính Biên phòng.

Theo ông Thạch Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Đông, có rất nhiều chương trình giúp người dân nghèo trên địa bàn được lực lượng Biên phòng triển khai như: Xây dựng nhà Đại đoàn kết, hướng dẫn người dân làm ăn phát triển kinh tế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí… Trong đó, thiết thực nhất vẫn là mô hình “Hũ gạo tình thương”. Mô hình thực sự đã kịp thời hỗ trợ cho những mảnh đời éo le vượt qua khó khăn, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Việc duy trì mô hình “Hũ gạo tình thương” đã góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng lối sống tiết kiệm, sẻ chia với người nghèo.
Việc duy trì mô hình “Hũ gạo tình thương” đã góp phần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng lối sống tiết kiệm, sẻ chia với người nghèo.

Rèn luyện đức tính tiết kiệm

Tại Đồn Biên phòng Phú Tân, gặp chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Văn Đạt đang đong gạo nấu cơm và bớt lại một bát đổ vào Hũ gạo tình thương, tôi hỏi: “Mỗi bữa cơm đồng chí bớt vậy liệu anh em có đói không?”. Đạt nhanh miệng: “Lá lành đùm lá rách” mà anh. Mỗi lần bớt chút gạo cho vào hũ tiết kiệm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, không riêng gì tôi mà tất cả các anh trong đơn vị đều cảm thấy rất vui. Ai cũng nhận thức sâu sắc rằng, đơn vị đã làm được một việc tốt để giúp đỡ các gia đình khó khăn và tôi nghĩ đó là niềm hạnh phúc. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong hành trang quân ngũ của tôi”.

Đứng bên cạnh Đạt, chiến sĩ Nguyễn Anh Kiệt tiếp lời: “Những lần trao tặng gạo cho các hộ dân, thấy được nụ cười, niềm vui của họ, chúng tôi như có thêm động lực phấn đấu, cố gắng thực hiện mô hình tốt hơn nữa để có thể giúp được nhiều phận đời khó khăn. Chắc chắn rằng, 2 năm trong quân ngũ, tôi có thêm bài học về chia sẻ yêu thương với những người khó khăn hơn mình”.

Được biết, học tập đức tính tiết kiệm của Bác Hồ và nhằm giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện nếp sống cần kiệm, chia sẻ khó khăn với người nghèo, từ năm 2013, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Tân đã trao đổi, thống nhất xây dựng kế hoạch mô hình “Hũ gạo tình thương”. Từ ý nghĩa thiết thực của mô hình, cán bộ, chiến sĩ rất đồng tình ủng hộ. Bằng hình thức này, mỗi tháng Đồn Biên phòng Phú Tân đã tiết kiệm được 30 kg gạo, để chuyển giúp đỡ 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa trên địa bàn đóng quân.

Thiếu tá Trần Văn Tiểu, chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Tân, nói: “Chúng tôi muốn duy trì “Hũ gạo tình thương” một cách thực chất và ý nghĩa nhất nên đã đưa ra Hội đồng Quân nhân họp bàn kĩ lưỡng. Bởi, đây không chỉ là chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn, mà còn là bài học về lối sống tiết kiệm”.

“Thông qua mô hình, chúng tôi muốn giáo dục tinh thần biết sống trách nhiệm với người dân, cộng đồng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đặc biệt là chiến sĩ trẻ. Vì vậy, mọi người đã thống nhất, không đóng góp từ tiền lương để mua gạo mà chỉ bớt một ít khẩu phần mỗi bữa của mình. Việc duy trì “Hũ gạo tình thương” phải đúng bản chất như ý nghĩa tên gọi của mô hình”, Thiếu tá Trần Văn Tiểu nhấn mạnh.

Ông Thạch Hoàng Anh cho biết: Những việc làm ý nghĩa của các anh Biên phòng đã cùng với chính quyền xã kịp thời động viên tinh thần những hộ nghèo và người già neo đơn trên địa bàn. Qua đó góp phần vực dậy tinh thần phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế của bà con, kéo giảm số hộ nghèo trên địa bàn. Cụ thể giai đoạn 2015 - 2020, toàn xã Phú Đông có 600 hộ nghèo (chiếm 30% dân số toàn xã) đến nay chỉ còn 105 hộ. Các ban, ngành của xã cũng phấn đấu đến 2023 xuống còn dưới 4% để sớm về đích nông thôn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ