Sau khi giã từ sự nghiệp VĐV Nhữ Thị Khoa đang phải mưu sinh bằng nghề bán hoa quả và bánh mì |
(GD&TĐ) - Trong những năm qua, chế độ đãi ngộ dành cho các vận động viên (VĐV) đỉnh cao khi giải nghệ luôn là đề tài được giới truyền thông quan tâm. Nhiều bài báo, những phóng sự đã đề cập rất nhiều đến những mặt được và chưa được về chế độ đãi ngộ đối với đời sống của các VĐV – những người đã mang không ít vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường khu vực và quốc tế.
Sau đỉnh cao là nỗi lo cơm áo
Gần đây, nhiều gương mặt VĐV đỉnh cao một thời của Thể thao Việt Nam đã được giới truyền thông liên tục nhắc đến như: Kình ngư Trần Xuân Hiền - đã mất do tai nạn giao thông mới đây, đô vật Lê Thị Huệ, VĐV khuyết tật Nhữ Thị Khoa... Khi biết về cuộc sống thực của các VĐV lừng lẫy một thời này hẳn không ít người trong chúng ta đã chạnh lòng về khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày sau khi giải nghệ...
Trao đổi về vấn đề này, ông Vương Bích Thắng – Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao (TDTT) cho biết, thể thao cũng như bao ngành nghề khác trong xã hội, đều phải lao động để tạo ra thành quả và nếu thành quả tốt sẽ được xã hội công nhận và tôn vinh.
Nhưng có lẽ, riêng lĩnh vực thể thao có phần đặc biệt hơn, bởi để có phút toả sáng là cả một sự khổ luyện không mệt mỏi bằng cả mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu của mỗi VĐV. Trong khi đỉnh cao thành tích của VĐV hầu như kéo dài không lâu, nếu VĐV nào nỗ lực không ngừng trong tập luyện thì phong độ được duy trì, tuy nhiên con số này không nhiều.
Trước đây, ngành TDTT Việt Nam đã có văn bản quy định rất rõ về chế độ đãi ngộ cho các VĐV đỉnh cao tại các sân chơi lớn mang tầm khu vực, châu lục và thế giới, trong đó nêu cụ thể những quy định và đãi ngộ đối với từng đối tượng VĐV như được khám sức khoẻ theo định kỳ, chế độ tiền công, tiền thưởng khi giành được huy chương...
Bên cạnh đó, ngành TDTT và các đơn vị chủ quản của các VĐV qua nhiều thời kỳ cũng đã tạo điều kiện cho các VĐV sau khi hết thời kỳ đỉnh cao thành tích được đi học ĐH chuyên ngành TDTT theo con đường huấn luyện để sau này có thể trở thành HLV.
Hay một số VĐV được các đơn vị chủ quản cấp đất, cấp nhà, điển hình như VĐV Wushu Nguyễn Thuý Hiền được UBND thành phố Hà Nội cấp một căn hộ, VĐV Bùi Thị Nhung được thành phố Hải Phòng cấp một mảnh đất rộng 80 mét vuông,...
Tuy nhiên, không phải VĐV nào cũng chịu khó học tập và tận dụng lấy cơ hội đi học, một số VĐV đi theo nhiều hướng rẽ khác nhau như việc tự tìm đến những ngành nghề kinh doanh khác mà họ yêu thích và cũng đã có người thành công. Bên cạnh đó, một số người không thành công dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Tiên trách kỷ…
Nói đến thể thao là nói đến thành tích và không phải VĐV ở bộ môn nào cũng giữ mãi được đỉnh cao thành tích của mình. Đến một thời điểm nào đó, khi thể lực đi xuống và tuổi đời cao thì việc giã từ sự nghiệp VĐV đỉnh cao là điều không tránh khỏi, đó là một quy luật.
Tuy nhiên, sau khi giải nghệ không phải VĐV nào cũng có thể tìm ra cho mình hướng đi phù hợp để thành công và nếu có hướng đi đúng thì cũng không phải VĐV nào cũng có đủ nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để làm tốt việc hướng nghiệp sau khi giải nghệ.
Nói chung, sự nỗ lực từ cả 2 phía (ngành TDTT và cá nhân VĐV) là điều vô cùng quan trọng để đi đến đỉnh cao của thành tích cũng như công tác hướng nghiệp VĐV được hiệu quả.
Đặc biệt, từ trước đến nay có một số VĐV khi toả sáng ở một số sân chơi thể thao lớn, sau khi trở về nước có những tư tưởng không đúng đắn, nghĩ mình đã là “sao” nên có quyền đòi hỏi này kia và khi không đạt được nguyện vọng sẽ không hài lòng và có ý nghĩ không đúng về ngành TDTT.
Điều này sẽ tiếp tục được chấn chỉnh nghiêm khắc đối với thế hệ VĐV ở thời điểm hiện tại và những năm tiếp theo.
Hiện Tổng cục TDTT đang tiến hành xây dựng Đề án chế độ, chính sách đặc thù cho VĐV trọng điểm, tham dự Olympic. Đề án này đang được hoàn thiện và sẽ sớm được trình lên Bộ VH-TT&DL đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để Đề án sớm đi vào thực tiễn thì vẫn cần thêm thời gian, đây thực sự là một tín hiệu vui nhằm cổ vũ động viên tinh thần cho các VĐV đỉnh cao đang làm nhiệm vụ quốc gia hướng đến các sân chơi lớn mang tầm khu vực, châu lục và thế giới. |
Phạm Thị Hương