Với Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu - tác phẩm được viết vào khoảng năm mươi năm sau chiến thắng của quân và dân nhà Trần trước giặc Nguyên - Mông, dòng Bạch Đằng mang hào khí của cả một thời đại, một dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.
Cùng với Bạch Đằng giang của Nguyễn Sưởng, Hậu Bạch Đằng giang phú của Nguyễn Mộng Tuân, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu được coi là một tác phẩm nổi tiếng viết về sông Bạch Đằng.
Bài phú của Trương Hán Siêu được viết vào khoảng năm mươi năm sau chiến thắng của quân và dân nhà Trần trước giặc Nguyên - Mông trên dòng sông lịch sử Bạch Đằng. Ở Bạch Đằng giang phú, dòng Bạch Đằng mang âm vang của cả một thời đại, một dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.
1.
Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu được mở đầu bằng những cuộc chu du của nhân vật khách:
Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,
Nơi có người đi đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Không gian nghệ thuật bốn phương trong phần mở đầu bài phú với biển lớn tràn ngập ánh trăng, với sông hồ cùng những vùng đất nổi tiếng: Sông Nguyên, sông Tương, Vũ Huyệt, đầm Vân Mộng, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt… cho ta hình dung về tầm vóc, tư thế và tâm hồn phóng túng, thơ mộng của nhân vật khách. “Học Tử Trường”, khách “tìm thú tiêu giao”, bước chân ấy đã tìm chọn một điểm dừng “đến sông Bạch Đằng”. Cảnh sắc của dòng sông hiện lên thật kì vĩ:
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ: Một màu.
Nước trời: một sắc, phong cảnh: Ba thu,
Theo chèo về xuôi, Bạch Đằng của cõi chiến trường một thuở, với “Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu”, như đang hiện dấu tích chiến trường để lại:
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.
Cảnh vật tạo nên ngã rẽ đột ngột của tâm trạng khách:
Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!
Đó là tư thế sững lại trong động thái trữ tình đầy nhân bản: “Đứng lặng giờ lâu”, cứ thế chìm vào thế giới nội tâm buồn tiếc, ngậm ngùi với những người đã ngã xuống trước cảnh sao dời vật đổi. Từ đây, dòng Bạch Đằng soi rọi quá khứ, sống dậy âm vang trận địa, khơi dậy niềm tự hào của cả một dân tộc.
2.
Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu được làm theo lối phú cổ thể (loại phú có trước thời Đường, có vần, không nhất thiết phải có đối, cuối bài thường được kết bằng thơ), mượn hình thức đối - đáp giữa chủ và khách để tả cảnh vật, kể sự việc, bàn chuyện đời… Bài phú được cấu tứ theo lối câu chuyện. Theo câu chuyện là thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình. Khi khách dừng chân ở Bạch Đằng thì gặp các bô lão bên sông: “Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau”. Biết được ý sở cầu của khách, các vị bô lão bắt đầu kể lại chuyện xưa - chuyện “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã”, chuyện “Ngô chúa phá Hoằng Thao”. Bạch Đằng chiến trận đã hiện lên thật sống động trong lời thuật hào hùng:
Đương khi ấy:
Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói,
Trận đánh được thua chửa phân,
Chiến lũy bắc nam chống đối.
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ,
Bầu trời đất chừ sắp đổi.
Bối cảnh chiến trường được tạo dựng bởi những hình ảnh hoành tráng: Thuyền bè san sát nối đuôi nhau kéo dài hàng ngàn dặm, cờ quạt phấp phới bay theo chiều gió. Trên nền chiến trận ấy là sự xuất hiện của đội quân dũng mãnh, giáo gươm tua tủa: “Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói”.
Một trong những thủ pháp nghệ thuật được tác giả Trương Hán Siêu sử dụng trong lời kể của các vị bô lão về cuộc chiến năm xưa để nhấn mạnh tính chất căng thẳng, cam go của trận đánh, đó chính là sử dụng ngôn ngữ khoa trương, phóng đại. Chiến trường dữ dội, khốc liệt và căng thẳng tới mức tưởng chừng như tối sầm cả trời đất: “Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ”. Khí thế của chiến trường và khói lửa ngút trời bốc lên cao che lấp cả Mặt trời, Mặt trăng, khiến cho bầu trời đất dường như muốn đổi sắc. Lối tả thậm xưng đó đã gợi lên cảm nhận tổng hợp về âm thanh, màu sắc, ánh sáng của chiến trận dữ dội Bạch Đằng. Theo nhịp của từng câu trong bài phú, chúng ta tưởng như đang nghe thấy tiếng hò reo rung trời chuyển đất, tiếng va chạm giáo gươm loảng xoảng, tiếng la hét thất điên bát đảo của quân thù khi vấp phải trận địa cọc ngầm tua tủa mọc lên từ đáy nước.
Gắn với cuộc đối đầu quyết liệt ấy là mưu mô của quân xâm lược phương Bắc, cho dù có khác nhau về thời gian nhưng thống nhất ở mục đích và kế hoạch:
Kìa: Tất Liệt thế cường, Lưu Cung chước dối,
Những tưởng gieo roi một lần,
Quét sạch Nam bang bốn cõi!
Thế nhưng: Trời cũng chiều người,
Hung đồ hết lối!
Khác nào như khi xưa:
Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.
Trong chuyện kể của các bô lão có nhắc đến sức mạnh của quân Nguyên với vai trò Hốt Tất Liệt có lực lượng kị binh hết sức tinh nhuệ, tương truyền “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được ở chỗ ấy”; nhắc đến chuyện thời Ngô Quyền hơn bốn trăm năm trước, vua Nam Hán là Lưu Cung lập chước lừa dối vừa nhận vàng bạc của tên Việt gian Kiều Công Tiễn vừa sai con trai là Lưu Hoằng Thao đem quân sang nói là giúp Tiễn nhưng thực ra nhằm xâm lược nước Nam. Những kẻ xâm lược trước sau đều cậy thế mạnh, ngạo mạn tưởng rằng chỉ một trận đánh là dẹp được bốn cõi. Thế nhưng, tất cả bọn “hung đồ” đều phải lãnh nhận kết cục thảm bại khi bị dồn đuổi đến đường cùng - “hết lối!”.
Đầu thế kỷ XIII, từ những thảo nguyên hoang vu ở Trung Á, người Mông Cổ đã cất vó ngựa chinh phạt khắp lục địa Á - Âu. Họ đã chiếm toàn bộ Trung Hoa, Triều Tiên, Miến Điện, Ba Tư, một phần phía Nam nước Nga, các nước Tây Á và vượt lên đến Đông Âu. Mông Cổ trở thành một trong những đế quốc vĩ đại nhất thế giới.
Ở thời điểm cực thịnh người Mông Cổ đã xây dựng được một đế chế trải dài hơn 9.700 km với diện tích lên tới 24 triệu km2. Một phần sáu thế giới đã rơi vào tay họ. Thế nhưng, binh đoàn hung hãn ấy lại bất ngờ bị chặn đứng bởi quân dân Đại Việt. Trên chứng thực lịch sử đó, bằng cách mượn điển cố và lối nói khoa trương, chiến thắng của nhân dân Đại Việt trước quân Nguyên Mông, chiến thắng trên sông Bạch Đằng được so sánh với những trận thủy chiến vang dội nhất trong lịch sử phương Bắc:
Khác nào như khi xưa:
Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.
Trận đánh của quân và dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng sánh ngang với trận Xích Bích thời Tam quốc, khi Chu Du dùng kế hỏa công của Gia Cát Lượng đốt thuyền đánh tan tám mươi hai vạn quân Tào Tháo trên bờ sông Dương Tử; sánh với trận Hợp Phì, khi Tạ Huyền đánh tan một trăm vạn quân Bồ Kiên. Tính chất khốc liệt của trận đánh trên sông Bạch Đằng và sự thất bại thảm hại của quân giặc được tái hiện bằng hình ảnh: “Tan tác tro bay”, “hoàn toàn chết trụi”.
Dòng nước “tuy chảy hoài” nhưng thất bại của giặc thù thì mãi “khôn rửa nổi”, mãi là bài học đắt giá cảnh tỉnh quân xâm lược đến muôn đời. Ngược lại, đối với người chiến thắng thì đó chính là công lao của ông cha, sức mạnh và niềm tự hào của dân tộc. Chiến thắng trên sông Bạch Đằng tưởng như còn là một cuộc sinh nở vĩ đại lần thứ hai của vũ trụ để sáng tạo ra đất nước:
Tái tạo công lao, nghìn xưa ca ngợi.
Bạch Đằng buổi “Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã” khiến cho bao nhiêu năm sau dòng sông tưởng vẫn còn loang máu đỏ; “Bạch Đằng một cõi chiến tràng; Xương bay trống đất máu màng đỏ sông” (Đại Nam quốc sử diễn ca - Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái). Nhưng cũng từ đó, Bạch Đằng đã trở thành một điển tích mới tiêu biểu cho sức mạnh, tư thế và truyền thống đấu tranh ngoan cường của dân tộc. Bàn về nhân tố quyết định thắng lợi Bạch Đằng, lời của các bô lão trở nên hào sảng:
Tuy nhiên: Từ có vũ trụ, đã có giang san.
Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an.
Binh pháp cổ cho rằng, trong chiến tranh, muốn thắng lợi phải có ba nhân tố cơ bản: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ở trận Bạch Đằng, “Trời đất cho nơi hiểm trở” giữ vai trò cần và đủ, nhưng chính con người mới là chủ thể: “Nhân tài giữ cuộc điện an”. Con người là nhân tố quyết định chiến thắng. Tầm vóc siêu phàm của “nhân tài” càng được tôn thêm trong nghệ thuật miêu tả khoa trương, phóng đại và so sánh đối lập liên tiếp của thể phú:
Hội nào bằng hội Mạnh Tân:
như vương sư họ Lã,
Trận nào bằng trận Duy Thủy:
như quốc sĩ họ Hàn.
Việc Trần Quốc Tuấn hội tướng sĩ vương hầu ở bến Bình Than được sánh như việc Lã Vọng, người đời Ân giúp Vũ Vương hội quân ở bến Mạnh Tân để diệt vua Trụ tàn ác; tựa như bậc quốc sĩ Hàn Tín, người đời Hán giúp Lưu Bang đánh tan quân Tề ở Duy Thủy. Mượn điển tích về Lã Vọng và Hàn Tín, người kể đang muốn tôn lên sự tài ba, xuất chúng của Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong lời kể âm vang niềm tự hào về “nhân tài” Đất Việt.
Tác giả đặt con người vào bối cảnh dữ dội, hoành tráng của thời đại để khắc họa phẩm chất anh hùng và trí dũng tột bậc đến mức siêu phàm. Xã tắc trong cơn nguy biến - “Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ; Bầu trời đất chừ sắp đổi”, thế động hung hãn đặt dân tộc trước một tình thế gấp gáp phải lựa chọn. Cái chao đảo nghiêng ngả khi gót ngựa quân Mông Cổ kéo tới tưởng chừng có nguy cơ lấn lướt, làm chủ tình thế, đưa cả cơ đồ gấm vóc bao đời nay vào vòng xoáy của nó như tất cả các quốc gia hùng cường khác từ Tây sang Đông mà cơn lốc thôn tính của giặc Thát Sát đã lướt qua.
Nhưng chính trong cơn nguy biến ấy, là thái độ ung dung, bình tĩnh, tự tin, quyết đoán của người làm chủ chiến cuộc. Sự bình tĩnh và quyết đoán ấy là kết quả của bao suy tư vận động trong cuộc đấu trí, đấu lực lớn - “Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng; Bởi đại vương coi thế giặc nhàn”. Đó là kết quả của tầm nhìn chiến lược và trí tuệ sáng suốt, khoan hòa - một phẩm chất vô cùng siêu phàm của con người thời đại Lí - Trần trong ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Nhìn rộng ra, ta thấy cặp đối lập giữa cái động của thời cuộc và sự bình tĩnh, tự tại, làm chủ tình hình của con người thời đại Đông A là nguồn cảm hứng phổ biến và đặc sắc của văn học giai đoạn này. Dòng sông Bạch Đằng, nơi ghi dấu chiến công lịch sử sẽ còn mãi âm vang lời ngợi ca, tự hào về những “nhân tài”: “Tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn”.
3.
Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu được kết thúc bằng những lời thơ của cả khách và chủ theo kết cấu thông thường của thể phú. Các vị bô lão sau khi kể lại chiến thắng trên sông Bạch Đằng cho khách nghe, “vừa đi vừa ca rằng”:
Sông Đằng một dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.
Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:
Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thăng bình,
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.
Trong lời thơ, hình tượng sông Bạch Đằng mang tính tạo hình và nghĩa biểu tượng. Đó là sự hóa thân cảm nhận về sự vận động không ngừng của thời gian, của sự sống. Trong sự chảy trôi miên viễn ấy, Bạch Đằng là biểu hiện cho dòng chảy lịch sử dân tộc đang ở những khúc hùng vĩ và hào sảng nhất trong hành trình xây dựng và bảo vệ gấm vóc non sông này. Nó là dòng non sông, dòng sông chiến thắng. Bởi vậy, Bạch Đằng đã trở thành một niềm tin, một quyết tâm làm nên những Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa, hóa thân thành tinh thần đánh Mĩ sau này khi trên dải đất Việt Nam “Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Chế Lan Viên).
Bạch Đằng “rửa sạch mấy lần giáp binh”, để trở thành tấm gương phán xét, thanh lọc tất cả những đục ngầu thác lũ để giữ lại sắc trong “muôn thuở thăng bình”. Trên dòng Bạch Đằng, thời gian và lịch sử công minh, hiền hậu với chân lí muôn đời bất diệt: Bất nghĩa thì tiêu vong, người có nhân thì nghìn thu lưu danh trong kí ức của nhân dân. Trong xu thế vận động chung của đời sống, có những giá trị xứng đáng được trường tồn cùng lịch sử, được vĩnh viễn hóa cùng không gian và thời gian.
Phú sông Bạch Đằng có thể xem là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam: Cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn (Lời dẫn chuyện cuốn theo bước chân tiêu dao của nhân vật khách, theo câu chuyện kể giữa các vị bô lão cho khách nghe về chiến trận trên sông Bạch Đằng); Bố cục chặt chẽ, các phần hô ứng với nhau; Lời văn linh hoạt, uyển chuyển (người kể chuyện đổi vai kể, câu văn dài gợi không khí trang nghiêm, câu văn ngắn gọn gợi không khí căng thẳng, gấp gáp…); Xây dựng được nhiều hình tượng nghệ thuật sinh động vừa gợi hình sắc cụ thể vừa mang ý nghĩa khái quát, triết lí…
Qua những hoài niệm về quá khứ của khách và chủ trong bài phú, Trương Hán Siêu đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lí nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử.