Trong ba trận chiến thắng chống giặc Nguyên Mông xâm lược, nổi bật và được ca ngợi nhiều nhất là trận chiến thứ ba, diễn ra trên sông Bạch Đằng năm 1288. Đây là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử dân tộc ta từ xưa đến nay.
Từng hai lần giặc phương Bắc bị thế trận bãi cọc đánh cho tan tác, vậy tại sao đến lần thứ ba chúng vẫn mắc phải mưu kế này? Chắc chắn là bởi vì thế trận ngày một chuẩn bị chu đáo hơn, cách thức khiêu khích, tính toán dòng thủy triều ngày một chi tiết hơn.
Và chắc chắn mật độ cọc cũng phải được cắm dày hơn. Ngoài lòng sông, có lẽ cọc cũng được cắm ở trên bờ, nơi địa hình thuận lợi để những thủy binh có thể bơi, lội vào sau khi thuyền chiến bị đánh đắm.
Trước nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bãi cọc Bạch Đằng chỉ có ở phần bên phía thị xã Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh. Bằng chứng là dựa vào khảo cổ. Đến nay, ở Quảng Yên đã phát hiện 3 bãi cọc, gồm: Bãi cọc đầm Nhử, Yên Giang (phát hiện từ năm 1953 đến năm 1958), bãi cọc đồng Vạn Muối (phát hiện năm 2005) và bãi cọc đồng Má Ngựa (phát hiện năm 2009).
Còn tại TP Hải Phòng, bãi cọc được phát hiện đầu tiên vào ngày 1/10/2019. Đó là bãi cọc trên cánh đồng Cao Quỳ thuộc xã Liên Khê huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Đến cuối năm 2019, các chuyên gia của Viện Khảo cổ và Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật bãi cọc này. Đến ngày 9/2/2020, người dân lại phát hiện ở khu Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng một bãi cọc gỗ. Và Viện Khảo cổ lại tiếp tục vào cuộc.
Một số người có ý kiến rằng: Chưa rõ bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ và Lại Xuân có phải là bãi cọc trong trận chiến Bạch Đằng 1288 không? Vì nó nằm sâu trong cánh đồng? Điều này nếu nhìn vào bãi cọc ở Yên Giang ở Quảng Yên, Quảng Ninh thì cũng ở cánh đồng, cách ngã ba sông Chanh và sông Bạch Đằng tới 400 m. Vì vậy, có ý kiến phân tích, phải chăng, bãi cọc ở Cao Quỳ có thể là một phần của trận địa năm 1288, nhằm mục đích chặn đường tiến của quân giặc vào khu vực sông Giá, buộc quân địch phải đi theo sông Đá Bạc để tiến vào Bạch Đằng?
Có một điều chắc chắn rằng: Sông Bạch Đằng phải có hai bờ. Bờ tả và bờ hữu. Trong khi đánh nhau, không nhà quân sự nào nghĩ như một người quản lý chính quyền hay văn hóa ở một địa phương như bây giờ là chỉ cắm cọc ở một địa phương, một bờ mà để bờ kia trống. Vì vậy, bãi cọc Bạch Đằng đâu phải của riêng. Bên Quảng Ninh có bãi cọc và đã được xếp hạng di tích rồi thì không nhất thiết bên Hải Phòng không được công nhận bãi cọc là di tích lịch sử?