Hào hứng với tiết học sử dụng điện thoại

GD&TĐ - Được sử dụng điện thoại trong tiết học để tìm kiếm thông tin, trao đổi, tìm hiểu kiến thức của bài học..., học sinh vô cùng hào hứng, thích thú.

Học sinh đánh giá sơ đồ tư duy chéo giữa các nhóm để cho điểm vào phiếu khảo sát được cập nhật trong cơ sở dữ liệu bài học. Ảnh: Phan Nga
Học sinh đánh giá sơ đồ tư duy chéo giữa các nhóm để cho điểm vào phiếu khảo sát được cập nhật trong cơ sở dữ liệu bài học. Ảnh: Phan Nga

Chuẩn bị kĩ lưỡng 

Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TPHCM là người trực tiếp đứng lớp để triển khai tiết dạy cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh. 

Theo đó, tiết Sinh học với bài 18 Protein của lớp 9/4 được thầy Phúc Khánh chuẩn bị kĩ lưỡng, công phu. Giáo viên sẽ vất vả hơn so với tiết học thông thường, vì phải thiết kế các hoạt động, chuẩn bị dữ liệu và chuyển sang dạng QR Code để học sinh truy cập vào. Chính vì vậy, giáo viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), chủ động tìm hiểu các phần mềm, ứng dụng để phục vụ cho việc dạy học. Khi triển khai tiết học, người thầy lại đóng vai trò dẫn dắt, định hướng, chứ không cầm tay chỉ việc như tiết học truyền thống lâu nay.

Thầy Khánh chia sẻ: Với kiến thức của bài học, nếu “thả nổi” để các em sử dụng điện thoại thông minh sẽ  mất thời gian vì  có nhiều thông tin liên quan trên Internet. Vì vậy, để chuẩn bị bài học, thầy Khánh phải tìm hiểu kĩ nguồn tài liệu phù hợp từ hình ảnh, clip liên quan bài học….để cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Khi các em quét mã, sẽ có những nguồn tài liệu uy tín, chính thống và tìm kiếm nhanh, bảo đảm về mặt thời gian của tiết học. 

Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải thiết kế được những bảng biểu, phiếu học tập,  phiếu phụ lục đánh giá để sau khi hoạt động nhóm, các em tự truy cập đánh giá bản thân, bạn cùng nhóm và đánh giá chéo sản phẩm của nhóm khác… Tùy  từng môn học, người thầy sẽ linh động thiết kế cơ sở dữ liệu phù hợp. Đây cũng là tiết học thứ hai mà thầy Khánh triển khai để  giáo viên trong trường dự giờ và tham khảo nhằm có những kinh nghiệm để chuẩn bị cho tiết dạy của mình phù hợp, hiệu quả. 

Theo thầy Khánh, triển khai những tiết học ứng dụng tối đa CNTT phù hợp với xu thế hiện nay, đồng thời phù hợp với Thông tư 32 được Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực từ 1/11/2020. Bên cạnh đó, qua cách triển khai lớp học,  đánh giá học sinh của giáo viên, việc các em tự đánh giá bản thân, đánh giá chéo lẫn nhau cũng là cách mà thầy và trò đang tiệm cận với chương trình mới, dạy học, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TPHCM quét mã QR Code để đăng nhập vào dữ liệu tiết học. Ảnh: Phan Nga
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TPHCM quét mã QR Code để đăng nhập vào dữ liệu tiết học. Ảnh: Phan Nga

Học sinh thích thú

Tiết học 45 phút, 42 học sinh của lớp được chia thành 6 nhóm và thầy giáo yêu cầu 5 phút khởi động bằng cách truy cập vào padlet (một công cụ hỗ trợ giảng dạy) để đăng nhập thông tin các thành viên của nhóm và chụp một tấm ảnh chung. Nếu học sinh nào không sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng có thể tham gia cùng bạn ngồi bên cạnh, bạn trong nhóm để  hoàn thành tiết học. 

Sau khi tìm hiểu những kiến thức qua quét mã QR code để truy cập vào cơ sở dữ liệu bài học, học sinh có 25 phút để vẽ sơ đồ tư duy của bài học. Sau đó, các nhóm tự đăng tải sơ đồ tư duy của nhóm lên padlet, cùng trao đổi và nhận xét chéo nhau thông qua phiếu đánh giá có trong cơ sở dữ liệu. Kết thúc bài học, giáo viên cho phép học sinh truy cập vào phần mềm kahoot trả lời những câu hỏi trắc nghiệm được chuẩn bị sẵn liên quan đến bài học Protein, vận dụng của học sinh với kiến thức đã học. Giáo viên đồng thời đưa ra những ý chính của bài cần lưu ý và đánh giá tiết học, các nhóm. 

“Con thấy vô cùng thú vị, hiệu quả. Đây là lần đầu tiên con trải nghiệm học với điện thoại thông minh. Khi quét mã sẽ cho ra nhiều thông tin liên quan bài học và có thể tìm kiếm các thông tin cần thiết một cách rất nhanh, chính xác. Và cách làm việc nhóm cũng rất hay, tụi con có thể tự đánh giá mình và các thành viên trong nhóm”, em Liêu Lin Chi, lớp 9/4 cho hay. 

Tương tự, tham gia buổi học tập với nhiều hoạt động, thao tác…, nhiều em cho rằng, với cách học này có thời gian trải nghiệm, rèn kỹ năng sử dụng CNTT.  “Không khí lớp học  thoải mái, không bị gò bó như tiết học ngồi trên ghế, nghe giảng… đôi lúc có phần nhàm chán, dễ gây “buồn ngủ”. Tiết học này chúng con hoạt động liên tục và bạn nào cũng phải tham gia để cùng nhóm hoàn thành các yêu cầu, nên tụi con thấy rất vui, bổ ích”, Thùy Anh thành viên nhóm 2 của lớp 9/4 nói. 

Theo thầy Khánh, lúc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ cho tiết học, nhiều thầy cô cũng… lấn cấn, sợ các em dùng vào việc riêng. Nhưng qua tiết học cho thấy, để giải quyết vấn đề này, phụ thuộc vào thiết kế bài học, cơ sở dữ liệu của thầy cô, khi bài học với nhiều hoạt động, thao tác, yêu cầu… đặt ra, các em sẽ rất thích thú và  nghiêm túc.

Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về nội quy tiết học trước khi triển khai để các em nắm vững, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Ví dụ, không sử dụng điện thoại để làm việc riêng như đọc báo, lướt web, để chế độ yên lặng, nghiêm túc tham gia hoạt động nhóm… 

Trước đây, với điện thoại thông minh, học sinh đa phần dùng để liên lạc, lướt web, đọc báo, lướt mạng xã hội… nhưng qua tiết học, các em đã thấy điện thoại  còn là công cụ để tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học tập. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.