Hành trình Vinafood 2 “biếu” 6.000 m2 đất cho tư nhân?

GD&TĐ - Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM (do Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - Vinafood 2 quản lý).

Người dân tại khu tập thể Vinafood 2 căng băng rôn cảnh báo khu đất đang có tranh chấp.
Người dân tại khu tập thể Vinafood 2 căng băng rôn cảnh báo khu đất đang có tranh chấp.

Biến đất công thành đất tư

Khu đất công sản hơn 6.000 m2 tại số 33 - Nguyễn Du và 34, 36, 42 - Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM) do Vinafood 2 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý và sử dụng từ sau năm 1975. Khu đất được Vinafood 2 bố trí làm nhà ở tập thể của cán bộ, nhân viên nhiều năm sau đó.

Năm 2010, Vinafood 2 được TPHCM giao 4 cơ sở nhà đất nêu trên. Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân). Thông qua đó, thành lập Công ty TNHH thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại.

Vốn điều lệ của công ty này là 800 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt. Vinafood 2 góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần quyền sử dụng của khu đất 33 - Nguyễn Du và 34, 36, 42 - Chu Mạnh Trinh.

Năm 2015, từ đề xuất của Vinafood 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân để triển khai dự án trên. Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng ý kiến của Bộ Tài chính, của UBND TPHCM, ngày 15/9/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có Văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc.

Ngay sau khi có được chủ trương từ Thủ tướng, tháng 12/2015, Vinafood 2 đã chuyển nhượng toàn bộ 20% phần vốn Nhà nước (trị giá 160 tỷ đồng) cho đối tác. Thông qua đó, hoàn tất quá trình “thoát xác” toàn bộ tài sản công thành tư với cái giá chỉ hơn 700 tỷ đồng (Công ty Việt Hân góp 570 tỷ đồng).

Toàn bộ quá trình hợp tác Vinafood 2 gần như bỏ qua mọi thủ tục pháp lý cần thiết của việc quản lý công sản. Phớt lờ chỉ đạo của các cơ quan chức năng để mặc định hợp tác với một đối tác duy nhất là Công ty Việt Hân. Dù thời điểm đó có 2 đơn vị khác cùng tham gia chào giá (giá cao hơn) nhưng không được chọn.

Đặc biệt, trong các nghị quyết và nhiều văn bản báo cáo, giải trình, Vinafood 2 đều đề cập chi phí đền bù giải tỏa, di dời 34 hộ dân đang sống tại khu đất do Công ty Việt Hân chi trả. Tuy vậy, kết luận thanh tra chỉ rõ, Vinafood 2 đã “phù phép” khoản chi phí đền bù, giải tỏa cho 34 hộ dân trên khu đất vàng trên vai Công ty Việt Hân sang Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính. Việc này gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 54 tỉ đồng.

Đặc biệt, dù UBND TPHCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 phải xây dựng phương án thoái vốn góp tại Công ty Việt Hân, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng Vinafood 2 không thực hiện. Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại đây.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Vinafood 2 gửi Thủ tướng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Vinafood 2 gửi Thủ tướng.

Gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước

Từ các sai phạm rõ ràng trên, Thanh tra Chính phủ khẳng định Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân để thực hiện chuyển hóa tài sản Nhà nước sang tư nhân. Việc gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước là làm trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2014.

Ngoài ra, TTCP còn phát hiện dấu hiệu gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân thông qua việc chuyển nhượng vốn góp lòng vòng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn qua các cá nhân.

Đặc biệt, Công ty Việt Hân đã lợi dụng Giấy kèm chứng thư xác định trị giá tài sản bảo đảm hơn 7.000 tỷ đồng (quyền sở hữu 4 lô đất trên) để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác hơn 6.000 tỷ đồng bằng cách lập dự án khống.

Công ty Việt Hân cũng lập hồ sơ dự án đầu tư khống đối với 4 cơ sở nhà đất nói trên, lấy tên là The Golmark Premium Tower để các công ty này ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với các chi nhánh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn để vay.

Từ đây, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TPHCM trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc và giám sát, các đơn vị có liên quan thực hiện xử lý và khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát.

Giao Sở Tư pháp TPHCM chỉ đạo và giám sát Phòng Công chứng số 7 thực hiện thủ tục khởi kiện ra TAND có thẩm quyền đề nghị tuyên bố Văn bản Công chứng “Hợp đồng góp vốn và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) đã được Phòng Công chứng số 7 chứng nhận ngày 30/12/2015 là vô hiệu.

Giao UBND TPHCM thu hồi Quyết định số 1699/UBND-DT ngày 16/4/2008 về việc phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng, xem xét tiền sử dụng đất đã thu và chi phí hợp lý (nếu có) hoàn trả cho Vinafood 2.

Giao Công an TPHCM chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan kiểm tra việc phá dỡ tài sản Nhà nước tại số 42 đường Chu Mạnh Trinh. Nguyên nhân là Vinafood 2 chưa thực hiện nộp tiền giá trị công trình xây dựng theo thông báo của Sở Tài chính. Chưa xác định giá trị thiệt hại tài sản Nhà nước bị phá dỡ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đề xuất hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Giao Cục thuế TPHCM chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xác minh làm rõ việc gian lận thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyến nhượng lòng vòng qua cá nhân để hưởng thuế suất 0,1% đối với hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chỉ đạo Vinafood 2 kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đúng quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.