Hành trình trả lại tên cho các liệt sỹ

GD&TĐ - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, nhưng việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ vẫn còn khắc khoải.

Bức ảnh của liệt sỹ Dương Lê Đường được tìm thấy sau hàng chục năm nằm sâu trong lòng đất.
Bức ảnh của liệt sỹ Dương Lê Đường được tìm thấy sau hàng chục năm nằm sâu trong lòng đất.

Nhiều năm qua, chiến sỹ Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Quảng Trị được giao trách nhiệm giám định di vật và hài cốt phục vụ công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ vẫn miệt mài với công việc “trả lại tên” cho các anh.

Luôn hy vọng “ngày về” của liệt sỹ

Trong hai tháng 4 và 5/2021, Đội quy tập mộ liệt sỹ (Sư đoàn 968) đã tìm thấy một khu mộ liệt sỹ tại “Chiến khu xưa” Ba Lòng (ở thôn Tân Xá, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) và quy tập được 40 hài cốt liệt sỹ ở độ sâu 1 - 3,5m, cách nhau từ 20 - 70cm, cùng nhiều di vật chôn kèm.

Đặc biệt trong đó, Đội quy tập phát hiện một bao nilon đựng tấm giấy cỡ nhỏ với hiện trạng đã ố vàng, mục nát nên đã bảo quản cẩn thận gửi Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị kiểm tra, giám định lại di vật.

Nhận thông tin, Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng cử cán bộ tiếp nhận và tiến hành phục dựng. Do chôn lâu ngày dưới lòng đất nên di vật rất dễ bị mục mủn, nhất là khi tiếp xúc với oxy.

Vì thế, bằng kinh nghiệm dày dặn, các cán bộ, chiến sĩ đã đưa di vật này vào chỗ kín gió, sấy khô. Với sự hỗ trợ của máy chuyên dụng, sử dụng các bước sóng và nguồn sáng thích hợp trên cơ chế vật lý để xử lý phục dựng.

Sau hơn nửa ngày làm việc khẩn trương, đơn vị đã khôi phục lại được nội dung di vật đó là bức ảnh chân dung một cô gái khoảng 18 - 20 tuổi với đôi mắt và nụ cười rất đẹp.

Thông tin quý giá trên được phát đi, đăng tải trên các kênh truyền thông và mạng xã hội, một gia đình ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã liên lạc và cho hay cô gái giống với người yêu của thân nhân họ - đã chiến đấu, hy sinh ở chiến trường Quảng Trị.

Người trong ảnh đang sinh sống ở miền Nam và gia đình đã tìm cách liên lạc để tìm hiểu thêm về thông tin. Phục dựng thành công bức ảnh là manh mối quan trọng, giúp cơ quan chức năng dễ xác định được danh tính các liệt sỹ.

Nhớ lại những kỷ niệm trong nghề, Thượng úy Nguyễn Tiến Thịnh không giấu nỗi sự xúc động. Hơn 7 năm về công tác tại đơn vị, anh đã nhận nhiệm vụ giải mã, khôi phục lại thông tin từ các di vật của hàng trăm trường hợp.

Từ mảnh kim loại hoen gỉ, các cán bộ, chiến sỹ đã khôi phục lại được những thông tin được khắc ở trên.
Từ mảnh kim loại hoen gỉ, các cán bộ, chiến sỹ đã khôi phục lại được những thông tin được khắc ở trên.

Trong đó, có rất nhiều trường hợp đã làm rõ được danh tính liệt sỹ và giúp cơ quan trưng cầu liên hệ với người nhà liệt sỹ, đưa các anh trở về yên nghỉ trên đúng đất mẹ quê hương.

Như trường hợp xác minh được danh tính hài cốt của liệt sỹ Dương Lê Đường, quê quán xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vào tháng 7/2018. Thông qua di vật là một chiếc ví được Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) tìm thấy ở khu đất nhà ông Phan Ngọc Viên (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

Khi tiếp nhận, do chiếc ví được chôn cùng các hài cốt liệt sỹ, lại nằm dưới nước nhiều năm nên có mùi rất khó chịu. Thế nhưng, khó khăn đó chẳng ai màng quản. Sau hơn 1 ngày ròng làm việc không ngừng nghỉ, anh cùng các thành viên trong đơn vị đã giải mã các thông tin từ chiếc ví, bao gồm 1 giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, 3 bức ảnh cùng 1 bức thư dài, đồng thời đã xác minh được danh tính là liệt sỹ Dương Lê Đường.

Nắm được tin, người nhà của liệt sỹ Dương Lê Đường đã tức tốc bắt xe từ Nghệ An vào Quảng Trị để được nhìn lại kỷ vật, hài cốt người thân mà suốt hơn 40 năm qua gia đình đã khắc khoải đi tìm. Thể theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt liệt sỹ Dương Lê Đường sau đó đã được cất bốc và đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

“Khi chứng kiến niềm vui của nhiều gia đình liệt sỹ vì tìm được hài cốt người thân đã hy sinh cách đây hàng chục năm, mọi người trong đơn vị đều như được tiếp thêm sức mạnh.

Vì thế, mỗi lúc tìm được thông tin về các liệt sỹ, chúng tôiai cũng cũng vui mừng khôn xiết. Bởi con đường trở về nhận mặt quê hương của liệt sỹ đang rút ngắn khoảng cách và hơn hết để các anh không còn là liệt sỹ chưa biết tên.

Cũng vì lẽ đó mà mỗi khi nhận nhiệm vụ, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản mọi thời gian và luôn nuôi hy vọng các anhđược trở về đoàn tụ đúng với gia đình, đồng đội”, Thượng úy Nguyễn Tiến Thịnh tâm sự.

Trước đó vào năm 2013, Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị cũng từng hỗ trợ rất lớn cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị trong việc lật tẩy thủ đoạn lừa đảo làm giả hài cốt liệt sỹ ở vụ án “cậu Thủy” thông qua việc giám định những bình tông đựng nước chôn kèm với các hài cốt không cùng thời điểm và thời gian mà các dòng chữ khắc lên bình này.

Những đóng góp không bao giờ đủ…

Cán bộ Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị đang giải mã các thông tin trên di vật.
Cán bộ Phòng KTHS Công an tỉnh Quảng Trị đang giải mã các thông tin trên di vật.
Nữ giám định viên Phòng KTHS đang phục dựng bức ảnh trên di vật.
Nữ giám định viên Phòng KTHS đang phục dựng bức ảnh trên di vật.

Trung tá Lê Phước Quang – Đội trưởng Đội Giám định Phòng KTHS cho hay, mỗi năm, đơn vị đã phối hợp với Binh đoàn 337, Sư đoàn 968 Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị để giải mã các di vật liên quan đến liệt sĩ.

Điển hình như, thông tin liệt sỹ trên 3 mảnh giấy nhỏ để trong chai penecilin, chai nhựa nhỏ mang tên “liệt sỹ Trần Đình Cửu; hi sinh năm 1974 tại Cam Lộ; quê quán Hà Tĩnh”, “liệt sỹ Đỗ Văn Triệu; hi sinh năm 1972; sinh năm 1950; ngày nhập ngũ 10/4/1970; quê quán Thọ Bình, Tân Quang, Hải Hưng”,“liệt sỹ Bùi Văn Đệ; quê quán thôn Gừa, Liên Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam; hi sinh hồi 11 giờ ngày 1/5/1972” và trên 2 mảnh kim loại xác định được họ tên và đơn vị của hai liệt sỹ.

“Mặc dù, những di vật nằm sâu dưới lòng đất, trải qua thời gian bị phai mờ những đặc điểm do tác động của thiên nhiên, các mặt giấy, mảnh vải và kim loại có hiện tượng mục nát. Nhưng với tinh thần trách nhiệm, các cán bộ Phòng KTHS đã quyết tâm vượt qua gian khó, sử dung các phương pháp, phương tiện nghiệp vụ khôi phục được nhiều thông tin có giá trị.

Trung tá Lê Phước Quang chia sẻ: “Đối với các cán bộ, chiến sỹ Phòng KTHS công tác tìm kiếm thông tin cho các liệt sỹ vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đồng thời là sự tri ân với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. So với sự hi sinh thế hệ trướcthì những đóng góp này của đơn vị rất nhỏ bé”.

Hành trình xoa dịu những nỗi đau của chiến tranh vẫn chưa ngừng nghỉ. Nước mắt, nụ cười của thân nhân gia đình liệt sỹ là động lực cho các cán bộ, chiến sỹ trong cuộc hành trình tìm “ngày về” cho các anh gần lại hơn, viết tiếp những câu chuyện xúc động trên “đất lửa” anh hùng.

Phòng KTHS đã được UBND tỉnh Quảng Trị, Quân khu 4 tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, thì các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở địa phương cũng luôn được các cán bộ, chiến sỹ Phòng KTHS chú trọng. Vào những dịp 30/4 và 27/7, đơn vị dâng hương, dâng hoa tri ân tại các  nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ