Hành trình nghiên cứu của “Nữ hoàng cây trồng”

GD&TĐ - Đến Hà Tĩnh, Nghệ An, vừa thấy bóng chị Hà Thị Thúy, bà con nông dân trìu mến gọi: Cô ơi, đây là cam của cô! Cô ơi, hoa ly này giống của cô! Có người còn chạy theo, chỉ tay về một căn nhà mới xây giới thiệu: “Tôi xây căn nhà 3 tầng này nhờ cam của cô đấy! Mong cô làm thêm nhiều giống tốt nhé!”.

PGS.TS Hà Thị Thúy nghiên cứu trong phòng thí nghiệm
PGS.TS Hà Thị Thúy nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Với PGS Hà Thị Thúy, đây là những giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời hơn 30 năm nghiên cứu cây trồng.

Tình yêu với nghiên cứu cây trồng

PGS.TS Hà Thị Thúy quê ở Thái Bình. Tuổi thơ bên thiên nhiên, cây cỏ đã hướng chị có niềm đam mê đặc biệt với nghiên cứu các giống cây. Quãng thời gian học ĐH, chị Thúy say mê trong phòng thí nghiệm khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Tổng hợp. Làm luận văn thạc sĩ, chị Hà Thị Thúy chọn cây mía để nghiên cứu với suy nghĩ: Các nhà máy mía đường vẫn phải đi nhập giống mía từ nước ngoài về. Mình làm về công nghệ tế bào nên phải nhân các giống mía bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để chuyển cho các công ty. Mỗi giống mía từ nuôi cấy mô tế bào được trồng ra ngoài thì năng suất sẽ vượt gấp 20 – 30 lần. Và nghiên cứu đã thành công rực rỡ

Sau khi bảo vệ thành công xuất sắc luận văn thạc sĩ, chị Thúy được chuyển thẳng làm nghiên cứu sinh. Với sự tư vấn, giúp đỡ của thầy hướng dẫn, chị Hà Thị Thúy đặt mục tiêu nghiên cứu tạo ra giống cam của Việt Nam vừa ngon, vừa chất lượng, không có hạt, năng suất cao, đáp ứng được yêu cầu cho bà con nông dân cũng như là yêu cầu của sản xuất.

Sau nhiều lần thất bại, hiện chị Hà Thị Thúy đã tạo ra giống cam không hạt: CT 36, CT 9, CT10, giống cam V2… được nhiều tỉnh/thành trong cả nước đón nhận, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều bà con nông dân ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Lai Châu… Chị Hà Thị Thúy cảm thấy hạnh phúc khi đã làm được những giống cam mang lại hiệu quả kinh tế cho những người nông nghiệp. Bà con trìu mến gọi chị là “Nữ hoàng cây trồng” của Việt Nam!

Nước mắt thấm đẫm từng công trình

PGS Hà Thị Thúy nghiên cứu giống lúa
PGS Hà Thị Thúy nghiên cứu giống lúa 

Chị Hà Thị Thúy chia sẻ cuộc đời nghiên cứu khoa học của chị không chỉ có màu hồng. Chị đã gặp phải nhiều thất bại và khóc không biết bao nhiêu lần. Có lúc chị muốn bỏ cuộc vì không thể tạo ra giống cây trồng như mong muốn. Sau nhiều đêm thức trắng trong phòng thí nghiệm, sau những ngày lăn lộn bên vườn cây ăn quả của người nông dân, chị càng quyết tâm thực hiện nghiên cứu đến cùng để bù đắp mồ hôi, công sức đã bỏ ra.

Tôi là con gia đình liệt sĩ. Mẹ ở vậy nuôi các chị em tôi từ năm 29 tuổi. Mẹ luôn dặn chúng tôi phải cố gắng phấn đấu. Bây giờ tôi là Phó Viện trưởng một viện nghiên cứu, là PGS, là đồng tác giả của hơn 50 giống cây trồng mới, 68 bài báo khoa học, 7 quy trình công nghệ… Chúng tôi đã nghe theo lời mẹ - làm người có ích cho xã hội.  
PGS.TS Hà Thị Thúy

Nhớ lần có hoa của tứ bội, chị Thúy nhảy tàu mang hoa vào Hà Tĩnh để lai với cây nhị bội trong đó nhằm tạo ra giống tam bội. Rồi bị chậm tàu, trong quá trình làm sơ suất bị kênh nắp đựng, thế là hỏng hết, bao công lao lại đổi xuống sông xuống bể. Chị Thúy khóc mãi. Có những lần không thành công, nhiều thầy cô đã nói với chị: “Em ơi, đừng nghiên cứu cam nữa, nó quá khó với nhà khoa học, nhất là với luận án tiến sĩ của em. Tại sao em không nghiên cứu cây mía? Mía em đã làm thành công rồi. Em chỉ cần tạo ra giống mía mới là luận án của em tuyệt vời luôn…”.

Nhưng chị Thúy rất yêu cây cam, chị mong bà con trồng được cây cam không hạt ngon ngọt, mong bà con nhờ giống cam tốt mà bớt khổ. Suy nghĩ đó lại thôi thúc chị vượt qua khó khăn. Một điều may mắn là chị được đồng nghiệp và các thầy hướng dẫn rất giỏi động viên, gia đình là hậu phương vững chắc. Mẹ chị luôn dặn dò: “Con cố gắng nhé! Cố gắng thì sẽ thành công”. Và chị Thúy lại đầy năng lượng lên đường, đến nhiều vùng trên cả nước để lai tạo giống: Cam Sành thì lên Hà Giang, Bưởi Phúc Trạch thì vào Hà Tĩnh… Nhà khoa học mà như người đi buôn, cứ thoăn thoắt nhảy tàu như thế!

Với bao nỗ lực, chị Hà Thị Thúy đã chọn tạo ra được rất nhiều giống cam không hạt để giải vụ. Trong nghiên cứu khoa học, chị làm giống cây thuốc và những giống cây khác nữa, mỗi loại cây là mỗi kỷ niệm nhớ đời! Nhớ lần đưa giống mía mới đến địa phương, bà con nông dân không nhận, bảo như giống cỏ thế thì trồng làm gì…

Rồi hồi hộp với các nghiên cứu khoa học. Một giống cây cam gieo trồng bằng hạt chờ đến 5 năm sau mới có kết quả. Nhỡ không may cây không ra quả hoặc không đậu thì lúc đấy chị Thúy không biết nói sao với bà con nông dân, phải đền, phải đánh cược với các công ty như thế nào… Thế nên với chị Thúy, những thành quả hôm nay không phải tự nhiên là đến, đó là nước mắt, là sự nỗ lực cá nhân và sự hỗ trợ của rất nhiều người.

Truyền đam mê cho thế hệ trẻ

PGS Hà Thị Thúy (bên trái) bên cây cam không hạt
PGS Hà Thị Thúy (bên trái) bên cây cam không hạt 

Bên cạnh việc nghiên cứu các giống cây trồng mới, PGS Hà Thị Thúy rất quan tâm đến việc đào tạo thế hệ trẻ. Chị đã đào tạo được nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên. Các học trò luôn đồng hành với chị trên mọi nẻo đường.

Học trò của chị vẫn nhớ trường hợp có bác nông dân ở Hà Tĩnh, bắt xe ra Hà Nội từ 3 giờ sáng, ngồi ở công viên Hòa Bình gần Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đợi. Đến 5 giờ sáng, bác nông gọi điện thoại đến chị Thúy, giọng rụt rè: “Cô ơi, tôi nghe cô là người làm ra giống cam. Tôi muốn mang vào Hà Tĩnh để làm…”. Khi gặp chị Thúy, bác khẽ trình bày: “Tôi chỉ đủ tiền mua 200 cây thôi, mà đất của tôi rất rộng…”. Chị Thúy đã động viên bác cứ lấy 500 cây/ha. Khi nào có quả thì trả tiền cho Viện cũng được.

3 năm sau, bác nông dân và con trai mang những thùng cam từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, phấn khởi thông báo với chị Thúy: “Cô ơi, tôi đã giả hết nợ và còn lãi mấy trăm triệu một ha. Công lao của cô cả đấy…”. Những niềm vui giản dị như thế của bà con nông dân đã tiếp lửa cho đam mê nghiên cứu của PGS Hà Thị Thúy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.