Thầy giáo Địa lý thổi hồn thơ vào bài giảng

GD&TĐ - “Muốn hấp dẫn được học sinh trong giờ lên lớp, người thầy phải mang tới cho các em một nguồn năng lượng tươi mới. Bởi vậy việc tích lũy kiến thức trên nhiều lĩnh vực kết hợp với sự sáng tạo mới thực sự thổi hồn vào những bài giảng cho học trò. Từ đó, các em yêu thích, hiểu môn học, hiểu về thế giới xung quanh để chung sống hòa bình và sống một cách hiệu quả hơn”. Đó là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Chí Tuấn, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM.  

Thầy trò cùng say mê dạy và học
Thầy trò cùng say mê dạy và học

Chọn nghề bắt đầu từ niềm đam mê

Năm 2004, tốt nghiệp khoa Địa lý Trường ĐHSP TPHCM, thầy giáo Nguyễn Chí Tuấn bắt đầu gắn bó với nghề dạy học. Ở ngôi trường nào thầy cũng luôn tâm niệm phải cố gắng sáng tạo để truyền cho học sinh niềm hăng say học tập, khám phá tri thức. Năm 2012, thầy được phân công về giảng dạy môn Địa lý, đồng thời là Nhóm trưởng nhóm Sử- Địa, Công dân của Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM. Ngoài việc dạy học, thầy còn có mong ước lan tỏa tình yêu nghề, sự đổi mới phương pháp dạy học trong tổ bộ môn và với các đồng nghiệp khác.

Trải lòng về những ngày đã qua, thầy tâm sự: Trong suốt quá trình đứng trên bục giảng, tôi luôn ghi khắc lời dạy của cha mình: “Nghề giáo không giàu nhưng thanh cao, luôn được xã hội coi trọng. Niềm tự hào nhất của nghề giáo không phải là kiếm được nhiều tiền, có nhiều thành tích vang dội mà là được các thế hệ học trò và đồng nghiệp kính trọng”; Tôi chọn nghề giáo bởi thực tế, những năm 2000, tỉnh Lâm Đồng quê hương tôi rất thiếu GV. Cùng với niềm đam mê cháy bỏng với bộ môn Địa lý, một môn học gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Và bởi, bố tôi cũng là một nhà giáo”.

Thầy Nguyễn Chí Tuấn
 Thầy Nguyễn Chí Tuấn

Chính vì vậy, ở mỗi giờ lên lớp, thầy Nguyễn Chí Tuấn luôn cố gắng làm mới bản thân mình, trở thành “cục nam châm” để thu hút học trò. Theo thầy, dù ở bất kì thời đại nào người thầy giáo luôn giữ vai trò lớn lao trong việc truyền đạt kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm và giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Trong các tiết học, điều quan trọng không phải là truyền dạy được thật nhiều kiến thức tới học sinh, mà là sự khơi gợi niềm say mê để các em luôn lưu luyến với từng giờ dạy.

Linh hoạt trong giảng dạy

“Nghề giáo có phải là nghề nhàm chán không? Xin thưa là không. Thậm chí nghề giáo còn là nghề sáng tạo nhất trong các nghề bởi mỗi ngày lên lớp, người thầy phải luôn đổi mới bản thân, mang vào “lửa” trong bài giảng, lòng nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống để học sinh cảm thấy hạnh phúc mỗi khi tới lớp”.

Trong giảng dạy, để giúp HS phát triển năng lực hiệu quả, thầy Tuấn luôn chịu khó áp dụng các phương pháp dạy học tích cực như: làm việc nhóm giúp học sinh phát triển kĩ năng hợp tác; thảo luận nhằm giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ.

Ở các tiết dạy,thầy hay đưa ra những vấn đề để học sinh cùng bàn bạc như: “Theo các em, có nên phát triển thêm các nhà máy thủy điện nữa hay không? Vì sao?”. Trên thực tế các em đã tranh luận rất sôi nổi, có nhóm ủng hộ, có nhóm phản đối với các lập luận hết sức chặt chẽ.

Thầy cũng luôn gây hứng thú cho học sinh thông qua trò chơi kiến thức từ đơn giản như trả lời nhanh, đoán từ, ghép nối, ô chữ... đến các trò chơi phức tạp hơn như, đuổi hình bắt chữ, bingo (vận dụng óc tưởng tượng, sáng tạo)... Thông qua quá trình tham gia trò chơi, HS đều thấy nhẹ nhàng và được khắc sâu về kiến thức.

Đặc biệt, các trò chơi này đã được thầy trò áp dụng ôn luyện trong kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả môn thi Địa lý của HS khá tốt, 2 năm liền các em đều được xếp ở tốp đầu thành phố.

Tâm sự về tình yêu với nghề của mình thầy Tuấn kể: Để giờ học thêm cuốn hút sôi nổi, tôi thường vận dụng kiến thức các môn học khác vào bài giảng: “Khi dạy về phần địa hình tôi đọc cho học sinh nghe những đoạn thơ trong phần mở đầu của bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm) để rồi cùng học sinh phân tích những giá trị của đồng bằng; Hoặc tôi đọc những đoạn dẫn chứng trong Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) để làm rõ những nét đặc sắc địa hình vùng Tây Bắc cũng như giá trị kinh tế nổi bật của vùng núi.

Tôi cũng hát cho HS nghe bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (Hoàng Hiệp, thơ Phạm Tiến Duật) để nhằm làm sáng tỏ những kiến thức liên quan đến khí hậu Việt Nam. Hay có lần tôi hóa thân vào làm MC Dự báo thời tiết nhằm giảng về sự di chuyển của một cơn bão... Trong những tiết học đó, tôi cảm nhận được sự háo hức, cùng những ánh mắt chăm chú khi nghe giảng và tương tác cùng thầy. Tôi nhận thấy việc lựa chọn cách dạy của mình đã đi đúng hướng để học trò của tôi ngày càng yêu môn học hơn”.

Thầy Tuấn còn cho biết để xử lí các đoạn thông tin kiến thức khó nhớ về việc nhận dạng môi trường địa lý, thầy đã viết thành những đoạn thơ ngắn để nhằm giúp các em dễ nhớ và nhớ được lâu các kiến thức. Chẳng hạn: Môi trường hoang mạc: “Châu Phi nhiều hoang mạc/Nắng nóng và hiếm mưa/Một vùng mênh mông cát/Xương rồng – loài cây vua.”. Hay môi trường cận nhiệt đới ẩm và cận nhiệt đới gió mùa: “Cận nhiệt ẩm gió mùa/Nghe quen quen thế nhỉ?/Hè nóng và đông ấm/Tuyết rơi cũng hiếm khi/Mưa nhiều vào mùa hạ/ Em nhớ liền, khó chi.”

Thầy Tuấn chia sẻ mình cũng rất thích tham gia đóng kịch cùng học trò và trở thành trọng tài phân xử những tranh luận của các em; hóa thân thành người cha, người mẹ lắng nghe tâm sự của học sinh nhằm tìm ra hướng đi đúng nhất.

Trong những năm gần đây, thầy tham gia công tác ôn thi HSG và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Các đề tài NCKH mà thầy hướng dẫn học sinh đều gắn liền với thực tiễn xã hội tại TP HCM và được giải thưởng cấp thành phố.

Năm năm liên tục, thầy giáo Nguyễn Chí Tuấn đều tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và cũng chừng ấy năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của thành phố. Sáng kiến gần đây nhất vào tháng 3/2018 là “Nâng cao hiệu quả ôn tập THPT quốc gia bằng hình thức thi đố vui” thông qua chính việc đúc kết các kinh nghiệm và thực tiễn ôn tập trong năm học trước và giải khuyến khích cuộc thi GV sáng tạo TPHCM mảng bài giảng E-learning.

“Quan điểm giáo dục của tôi là: Giáo dục bằng tình yêu thương. Khi trái tim của người thầy rung động, trái tim ấy sẽ sưởi ấm những tâm hồn của các học sinh, chính người thầy đang gieo mầm hạnh phúc”.                                                        Thầy Nguyễn Chí Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.