Hành trình của niềm vui và nước mắt

GD&TĐ - Theo TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, dạy học là một quá trình có niềm vui và cả những giọt nước mắt...

TS Nguyễn Văn Hòa truyền cảm hứng cho học trò. Ảnh: NTCC
TS Nguyễn Văn Hòa truyền cảm hứng cho học trò. Ảnh: NTCC

Theo TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), để dạy một học trò nên người là cả một quá trình công phu. Ở đó có niềm vui và cả những giọt nước mắt…

Niềm vui và những giọt nước mắt

- Theo thầy, điều gì khiến nhà giáo cảm thấy tự hào nhất?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trẻ giống như một cây non. Việc vun đắp cho mầm non đó phát triển, đơm hoa kết trái là nhiệm vụ của nhà nông. Còn sự nghiệp “trồng người” là vun đắp cho thế hệ tương lai của đất nước, trọng trách đó thuộc về nhà giáo. Trọng trách lớn thì vinh dự cũng lớn. Từ câu nói của Bác, tôi rất tự hào về nghề giáo của mình. Bác đã nâng tầm giáo dục lên. Chúng ta phải hiểu sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng và tầm nhìn của Bác về sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà.

Tôi tự hào là mình đã góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp “trồng người”. Bốn mươi năm gắn bó với nghề dạy học, tôi có nhiều thế hệ học trò làm ở các lĩnh vực khác nhau trên mọi miền của Tổ quốc. Đến sân bay thì gặp học trò làm an ninh. Lên máy bay thì gặp học trò làm tiếp viên hàng không. Vào khách sạn ăn cơm cũng có học trò ra chào thầy. Vừa rồi, tôi đi điều trị ở bệnh viện cũng có mấy học trò làm y tá, bác sĩ. Nhìn học trò nên người, trở thành những công dân tốt là niềm vinh dự và tự hào lớn nhất của tất cả nhà giáo nói chung, trong đó có tôi.

- Trong bối cảnh hiện nay, khó khăn, vất vả nhất của giáo viên là gì?

- Khó khăn của nhà giáo là làm việc với con người, với những tâm hồn, nhân cách khác nhau chứ không phải làm việc với những máy móc. Đối tượng của nhà giáo là học trò và mỗi trò có những tính cách, phẩm chất khác nhau, vô cùng phong phú. Khi dạy, thầy cô giáo sẽ vấp phải những tình huống ngoài giáo án. Chẳng hạn, học sinh trong tuổi dậy thì, tính nết các em ngang bướng vì đang học làm người lớn. Cho nên, thầy, cô giáo có thể gặp những học sinh cãi lại, thậm chí chửi hoặc đánh lại mình... Tất nhiên, đây không phải là hiện tượng phổ biến nhưng là những tình huống mà bất cứ thầy, cô giáo nào cũng có thể phải đối diện ở ngay trên lớp học hoặc ngoài xã hội.

Nếu quan niệm đó là áp lực thì cũng đúng. Song nhìn nhận ở khía cạnh khác, khi đã chọn nghề giáo, nghĩa là nhà giáo phải giáo dục, dạy dỗ các em nên người và phải chấp nhận đối diện với những tình huống không mong đợi. Điều quan trọng là bản thân ứng xử và chuyển hóa những tình huống đó như thế nào để nó trở thành bài học thực tiễn cho cả thầy và trò.

Thế mới nói, để dạy một học trò nên người, trở thành người tử tế, công dân tốt, có ích cho xã hội hết sức công phu. Ở đó có niềm vui và có cả những giọt nước mắt. Song trên hết là niềm hạnh phúc khi mình đã làm tròn bổn phận của nhà giáo. Niềm vinh dự của nhà giáo rất lớn. Đó không phải là số lượng huân chương đeo trên ngực áo, mà là sự cống hiến thầm lặng. Những nhà giáo chân chính có thể hiểu và thấm được niềm vinh dự, tự hào đó.

Làm nhà giáo, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tôi luôn luôn sống trong tình yêu thương và gần gũi với học trò - những tâm hồn trẻ. Gần gũi với các em khiến cho tôi trẻ lại. Năm nay, tôi gần 80 tuổi nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình như mới đôi mươi. Hằng ngày, dưới mái trường, trong lớp học, tôi được nghe giọng nói, tiếng hát, hiểu biết được sự ngây thơ, trong sáng của học trò. Tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các em tiến bộ hơn mỗi ngày.

TS Nguyễn Văn Hòa và các học trò của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NTCC

TS Nguyễn Văn Hòa và các học trò của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NTCC

Dạy học bằng cả trái tim

- Với những tình huống sư phạm ngoài giáo án, thầy sẽ có cách xử lý như thế nào?

- Học sinh đang tuổi dậy thì, ở cái tuổi dở dang nên nhiều lúc các em ứng xử chưa chuẩn mực với giáo viên của mình. Có những lúc giáo viên phải nuốt nước mắt vào trong. Thường các thầy, cô giáo chân chính sẽ lấy lại được thăng bằng. Họ chấp nhận sự khác biệt của học trò và cố công dạy dỗ, uốn nắn để các em nên người. Từ những học sinh cá biệt, các em trở thành công dân tốt, gương mẫu… Đó là thành công lớn và niềm hạnh phúc vô bờ của giáo viên.

Có một kỷ niệm không bao giờ tôi quên. Cách đây khoảng 5 - 7 năm, một đôi vợ chồng là Nghệ sĩ Nhân dân đến gặp tôi để “cầu cứu”. Con họ học được một kỳ của lớp 10 thì cô giáo chủ nhiệm không chấp nhận và đề nghị đuổi học. Thầy hiệu trưởng đã có ý định sẽ cho dừng học, buộc con họ phải chuyển trường.

Theo phụ huynh kể, khi vào lớp con không chấp nhận cô giáo chủ nhiệm. Em từng đứng lên bàn giáo viên hô hào cả lớp tẩy chay khi cô giáo bước vào lớp học. Sau đó, em này hô to muốn cô ra khỏi lớp. Cô giáo rất ngượng và bức xúc. Điều đó được lặp lại nhiều lần nên giáo viên đã báo cáo với ban giám hiệu và cho biết không thể dạy được học trò này. Sau đó, phụ huynh được mời lên để chuyển trường cho con sang một môi trường khác phù hợp với hơn.

Sau khi nghe chuyện, tôi sẵn sàng nhận con họ vào Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi gọi cô giáo chủ nhiệm đến trao đổi và nói rằng bố mẹ cháu là Nghệ sĩ Nhân dân, tức là những người đã cống hiến cho xã hội rất nhiều và chúng ta hãy làm gì đó để bù đắp lại cho họ. Chúng ta có chuyên môn làm giáo dục và tôi tin chắc, cô sẽ là một giáo viên chủ nhiệm giỏi. Cô sẽ giúp học sinh này thay đổi.

Cô giáo nhận lời, tôi hồi hộp chờ kết quả rèn luyện của học trò này. Một học kỳ chưa có thay đổi, cô giáo vẫn phải chịu những cay đắng từ bạn ấy. Tuy nhiên, sau một năm học em đã khác. Đến lớp 11 đã thay đổi hoàn toàn và trở thành học sinh ngoan, nhân tố tích cực của lớp và trường.

Trái với trước kia, thay vì hô cả lớp đuổi cô giáo ra ngoài thì bây giờ lại yêu cầu cả lớp hô lớn: “Cô Hạnh muôn năm”, “Cô Hạnh, con yêu cô”. Kết thúc năm học, bố mẹ em lại tìm đến tôi vì “chúng em phải ghen tị với tình yêu của nó dành cho cô giáo”. Có những việc con chỉ chia sẻ với cô giáo mà không nói với bố mẹ. Sau đó, con trúng tuyển vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Khi tốt nghiệp, tôi thấy em xuất hiện trên truyền hình, đẹp trai và là đạo diễn một chương trình rất hay. Em ấy đã nên người.

Tôi muốn nói rằng, có một lúc nào đó các em chệch hướng. Khi đó thầy, cô giáo có nhiệm vụ giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ trò trở lại chính mình, trở thành người tốt, tử tế. Ngày ấy, tôi chỉ nói với cô giáo chủ nhiệm: Tôi tin cô sẽ làm được và chắc chắn làm được. Sự tin tưởng ấy đã tạo động lực để cô thực hiện và đã thành công. Tôi nghĩ đó là niềm vinh dự và tự hào của nhà giáo.

Cũng như ngành nghề khác, nghề giáo cũng có lúc vui, lúc buồn. Nhà giáo không tránh khỏi mệt mỏi, khó khăn nhưng khi xác định được mục tiêu giáo dục và trách nhiệm của mình thì họ luôn làm việc hết mình, bằng trái tim. Họ xứng đáng được gọi là những nhà giáo tài năng mà chúng ta cần khâm phục và ngưỡng mộ.

TS Nguyễn Văn Hòa dự giờ tại một lớp học của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NTCC

TS Nguyễn Văn Hòa dự giờ tại một lớp học của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: NTCC

Giá trị cốt lõi của người thầy

- Vậy theo thầy, mỗi giáo viên cần mang trong mình những giá trị gì?

- Tôi nghĩ trong nhiều giá trị mà nhà giáo cần có thì thương yêu học trò bằng cả trái tim là điều quan trọng. Thay vì coi các em là đứa trẻ để dạy dỗ, thì hãy coi đó là một nhân cách mà mình phải ươm mầm cho sự trưởng thành và phát triển.

Trẻ con thì hay mắc lỗi và có quyền mắc lỗi. Trải qua 12 năm học ở trường phổ thông, các em mới nên người. Trong quá trình đó, trẻ được phép mắc lỗi. Mỗi lần mắc lỗi, các em sẽ đứng dậy và trưởng thành hơn. Mỗi lần mắc lỗi, thầy, cô giáo sẽ đau đớn, buồn tủi, có lúc sẽ thấy khó khăn, thậm chí cảm thấy mất phương hướng nhưng nếu kiên trì bằng trái tim, thầy, cô sẽ vượt lên chính mình để thành công. Đó là niềm vui bất tận.

Tôi nghĩ lòng bao dung, tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt và yêu thương là những giá trị cốt lõi với mỗi thầy cô giáo. Họ xứng đáng là những nhà giáo chân chính, những thầy cô giáo đáng kính của các thế hệ học trò.

- Xin cảm ơn thầy!

“Dạy học là công việc đặc thù, làm việc giữa con người với con người – thầy với trò. Do đó, việc dạy học phải xuất phát từ trái tim, thấu hiểu học trò. Thấu hiểu học sinh vô cùng quan trọng. Tôi cho đó là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là yếu tố góp phần tạo nên thành công của các nhà giáo. Có như vậy thầy cô mới sẵn sàng hỗ trợ, dìu dắt, hướng dẫn học trò nên người”. - TS Nguyễn Văn Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.