Hành trang xây dựng tổ ấm khi về nhà chồng

Trong cuộc sống, đôi khi mỗi người chỉ cần khéo léo, nhường nhịn, thấu hiểu và cảm thông một chút thôi, thì mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu không còn căng thẳng nữa.

Hành trang xây dựng tổ ấm khi về nhà chồng

Vừa đặt đồ xuống nhà, tôi đã nhìn thấy em dâu nước mắt ngắn dài. Em vừa khóc thút thít, vừa nói: "Đôi lúc mẹ khó tính và nặng lời trách móc em...".

Tôi là con gái lớn trong nhà có hai chị em, em trai tôi ít hơn tôi 5 tuổi, vừa lập gia đình 2 năm. Hiện tại, tôi đã lập gia đình. Nhà chồng tôi cách nhà mẹ đẻ 3km, nên thỉnh thoảng, tôi về nhà mẹ đẻ chơi hoặc gửi con cho ông bà trông nom, chăm sóc khi đi làm. Một năm trước, tôi thường về nhà mẹ đẻ và chứng kiến mâu thuẫn phát sinh trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu ngay trong chính gia đình mình.

Hanh trang xay dung to am khi ve nha chong - Anh 1

Em trai và em dâu tôi yêu nhau 6 năm mới tiến đến hôn nhân. Em dâu là con gái duy nhất trong gia đình khá giả, bố mẹ làm nghề buôn bán. Vốn được nuông chiều từ bé nên về nhà chồng, em dâu không biết làm việc gì. Từ rửa bát, quét nhà, đến nữ công gia chánh, em đều rất vụng về. Chưa bao giờ tôi thấy em tự giác xuống phụ mẹ nấu cơm đúng giờ. Mấy ngày đầu làm dâu, em đi đâu cũng chẳng nói cho ai biết, gọi điện thì không nghe máy. Tối về, mẹ tôi hỏi thì em bảo: "Con để quên máy trong túi xách" mà cũng không gọi lại. Chẳng biết em nói đúng không nhưng đối với mẹ, đó là cách hành xử không phù hợp.

Không khí gia đình ảm đạm hơn khi bình thường, em dâu đã không nói chuyện với ai, những lúc vợ chồng giận nhau, em càng đá thúng đụng nia. Mấy lần, không thấy con dâu chào hỏi ai, mẹ tôi góp ý thì em bảo: "Con có chào nhưng chắc bố mẹ không nghe thấy". Mẹ tôi xẵng giọng: "Con chào lí nhí trong cổ họng thì ai nghe thấy được". Thế mà em ấy nhắn tin cho chồng nói là ở nhà mọi người hay xét nét con dâu. Em trai bênh vợ khiến khẩu chiến giữa mẹ ruột - con trai xảy ra. Không ít lần, mẹ gọi điện cho tôi tấm tức khóc vì:"không thể bảo ban được con dâu".

Tết Nguyên đán đầu tiên em dâu về nhà chồng, nhưng không ở nhà phụ mẹ chồng nấu nướng và tiếp khách mà đi chơi đến khuya. Một mình mẹ tôi lo bếp núc nội trợ, hễ ai vào chúc Tết cũng hỏi "con dâu đâu sao không thấy ra chào" khiến mẹ tôi vừa nói đỡ vừa bực trong người. Rồi có những bữa cơm, nếu không hợp khẩu vị, em dâu chống đũa, khẩy vài miếng, sau đó rủ chồng đi ăn ngoài. Chính vì đi ăn vặt vỉa hè không đảm bảo chất lượng nên em dâu bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến sảy thai. Mẹ tôi càng được thể ca thán.

Tôi biết, em dâu còn trẻ con, nói năng bộp chộp, ứng xử thiếu tế nhị mới sinh ra mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu âm ỉ suốt 1 năm qua. Tôi cũng làm dâu, nhưng bố mẹ chồng tôi chưa bao giờ kêu ca, phàn nàn về con dâu. Bởi tôi có những bí quyết riêng được chắt lọc từ sự khéo léo, chỉn chu và cảm thấu tâm lý bố mẹ chồng. Là con gái, nên tôi hiểu bố mẹ mình hơn ai hết. Ông bà đặc biệt coi trọng văn hóa ứng xử, lễ nghĩa.

Tôi bảo với em dâu, việc đầu tiên, em hãy xem bố mẹ chồng như bố mẹ mình. Em nhìn điều tốt của mẹ chồng, bỏ qua khuyết điểm của bà để yêu thương, quý trọng một cách chân thành nhất. Em có thể nấu ăn chưa ngon, việc nhà chưa giỏi, cư xử chưa khéo léo... nhưng hãy là một nàng dâu ngoan, biết nghe lời, chịu khó học hỏi.

Hanh trang xay dung to am khi ve nha chong - Anh 2

Hai vợ chồng cố gắng hạn chế ăn vặt bên ngoài mà thay vào đó bằng những bữa cơm gia đình đầm ấm. Dù bất cứ chuyện gì, cũng hãy luôn biểu lộ gương mặt vui vẻ, hòa nhã để không khí gia đình ấm cúng. Tôi khuyên em gần gũi mẹ chồng, tỉ tê tâm sự buồn vui cùng mẹ để mẹ con hiểu nhau. Tôi cũng nói chuyện riêng với mẹ để mẹ không khắt khe với con dâu, đồng thời nhắc em trai không bênh mẹ trước mặt vợ và ngược lại.

Giờ vợ chồng em tôi đã có cậu nhóc 4 tháng tuổi, giống bố như khuôn đúc. Tôi không còn nghe mẹ cằn nhằn về em dâu nữa. Có cháu nội, bà dậy sớm đi chợ mua đồ tẩm bổ cho con dâu. Đi đâu, thấy món đồ nào đẹp, mẹ đều hỏi con dâu có thích không để mẹ tặng. Tôi đùa em: "Giờ còn muốn ở riêng nữa không?", Em dâu ngượng nghịu: "Em ở chung để bố mẹ trông nom, chăm sóc cháu cho nhanh lớn".

Trong cuộc sống, đôi khi mỗi người chỉ cần khéo léo, nhường nhịn, thấu hiểu và cảm thông một chút thôi, thì mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu không còn căng thẳng nữa.

Theo Thegioitre

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ