Từ việc hiểu biết và tôn trọng pháp luật, sống có kỷ cương nền nếp cho đến biết yêu thương và chia sẻ ngọt bùi, cảm thông với những vất vả của chính cha mẹ mình, nghị lực vươn lên trong cuộc sống là những điều mà thầy cô giáo Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh dạy cho các em học sinh của mình.
Hành trang vào đời
Cô Trần Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Tp Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh ở trường tôi là dạy các em những kỹ năng cần thiết để vào đời. Thông qua nhiều hoạt động, các thầy cô giáo cùng học sinh tham gia các hoạt động theo chủ đề năm học, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn chặt với việc triển khai có hiệu quả các cuộc vận động “Hai không”, phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Đặc biệt, lồng ghép qua các hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn trong trường cũng như ngoài xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc; hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh nhà trường.
Đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Thông qua các buổi ngoại khóa chuyên đề với các chủ đề thiết thực như tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống tội phạm-tệ nạn xã hội, chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc… Các buổi ngoại khóa được tổ chức sinh động, hình thức phong phú, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của đông đảo học sinh nhà trường.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là dạy các em hoài bão và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. |
Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống hiệu quả đã giúp học sinh nhà trường hiểu về tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với học sinh. Cũng như vậy, việc tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn ma tuý với việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội trong nhà trường cùng với việc đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lí và giáo dục học sinh đã góp phần nâng cao nhận thức để các bạn tránh xa tệ nạn xã hội.
Giá trị cốt lõi
Cô hiệu trưởng Trần Thị Thu cho biết: "Đối với học sinh chúng tôi luôn chú trọng quan tâm giáo dục ý thức thái độ, mục đích, động cơ học tập và tu dưỡng với tinh thần “Học tập rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”. Thông điệp này đã được truyền tải từ giáo viên đến các em học sinh rất đầy đủ, đảm bảo để mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui, học sinh được sinh hoạt trong một môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp và an toàn. Chúng tôi luôn hướng các em tới những giá trị nhân văn của mỗi con người từ việc nhỏ nhất".
Tham gia phong trào hiến máu nhân đạo là một trong những việc “nhỏ” của giáo viên và học sinh nhà trường. Được biết, với tinh thần tự nguyện cao các thầy cô và các bạn học sinh đều nhận thức ý nghĩa nhân đạo sâu sắc “Một giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại”. Vì vậy thầy và trò trường THPT Lê Quý Đôn bằng tinh thần tự nguyện và nghĩa cử cao đẹp của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, đã trao đi những giọt máu quý giá, làm tăng cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân đồng thời góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh, nhà nhà được bình an.
Biết đồng cảm, yêu thương và sẻ chia với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. |
Bạn Nguyễn Diệu Linh, tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc với nội dung giới thiệu cuốn sách: ''Oscar và bà áo hồng'' của tác giả E.E.Schmitt. Qua câu chuyện về cậu bé Oscar 10 tuổi, bị bệnh ung thư máu, Nguyễn Diệu Linh đã gửi đến các bạn của mình thông điệp: Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng được chọn cách mình sống. Vậy thì tại sao ta không sống trọn hôm nay như thể nó là ngày cuối cùng trong cuộc đời để có thể nhìn cuộc sống bằng cái nhìn bao dung, độ lượng, yêu thương mọi người xung quanh ta nhiều hơn nữa.
Còn với cô giáo Tạ Mai Hương, lời dạy của cô tới các bạn học sinh là tình yêu thương: "Khi người cha làm thợ xây về nhà sau một ngày dãi nắng cháy da, đôi tay sưng phù, mồ hôi đóng vẩy trên áo, thì con ông ấy đang làm gì? Lúc thì nó đang chơi điện tử, lúc nó đang mơ bộ đồ mới, lúc nó ngồi ăn bim bim nghe nhạc của thần tượng Hàn Quốc xa lạ.
Nó đòi mua điện thoại cả chục triệu mà không biết, sáng nay bố nó còn nhịn đói đi làm. Khi người mẹ làm y tá trở về nhà sau đêm trực thức trắng, phờ phạc, rời rã, từng thớ cơ như rơi rụng, thì con gái cô ấy đang làm gì? Nó có tới bóp vai cho mẹ, hỏi mẹ nổi 1 câu: “Mẹ có mệt không?” hay không?"
Trên Facebook của Trường THPT Lê Quý Đôn, một bạn học sinh đã đưa lên hình ảnh và lời hội thoại hết sức tình cờ bạn ghi lại được, nhưng lại vô cùng ý nghĩa: Hôm nay nhập học, đứng từ trên chợt bắt gặp khoảnh khắc này, một người bố - Chiếc áo sơ mi đã cũ, chiếc quần đã bạc màu cùng đôi dép tổ ong... đếm từng đồng tiền rồi nhẹ nhàng dúi vào túi quần cho con trai! "Ráng học nha con.... bố mẹ lo được!". Chứng kiến khoảnh khắc đáng nhớ đó, bạn học sinh này đã có lời bình dành cho bạn kia và có lẽ cũng là lời nhắc nhở cho chính mình: Hi vọng sau này bạn sẽ học tập thật tốt, thành công rồi báo hiếu bố mẹ!