Hiểu về trường học hạnh phúc
Xuất phát từ mục đích của THHP là thúc đẩy sự phát triển toàn diện và đem lại HP cho người học, theo ông Đặng Tự Ân, chúng ta có thể coi triết lý THHP như là: Con người ta tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nhờ có hạnh phúc. Từ đó, ông quan niệm: THHP là ngôi trường mà ở đó học sinh được phát triển toàn diện, trở thành chính mình và các em được che chở bởi môi trường học tập an toàn, thân thiện và đầy tình thương.
Khi coi THHP là mô hình nhà trường đổi mới, thì bản chất của mô hình không khác nhiều so với các mô hình giáo dục đã có ở nhiều quốc gia, như: “Trường học thân thiện với trẻ em” (CFS) của UNICEF hay “Trường học thân thiện và học sinh tích cực” của Việt Nam…
Ông Đặng Tự Ân cho rằng, điểm khác biệt có tính sáng tạo của mô hình THHP là người ta đã “lọc” ra những nội dung tâm lý và xã hội từ các thành tố của tất cả các mô hình giáo dục đã có để rồi tổng hợp lại thành 22 tiêu chí mang đặc trưng của một THHP. Mô hình THHP được xây dựng trên cơ sở một số các nguyên lý học tập cơ bản như: Lý thuyết học tập cảm xúc; Lý thuyết học tập xã hội; Lý thuyết Perma về tâm lý học tích cực…
Ông Đặng Tự Ân và học sinh tiểu học |
Không cần tốn tiền vẫn có trường học hạnh phúc
Hãy quan niệm: Một khi hiệu trưởng, GV thay đổi và cả nhà trường sẽ thay đổi. Khi ấy HS sẽ được hưởng niềm vui và có hạnh phúc; cha mẹ học sinh, cộng đồng thay đổi và cả xã hội sẽ thay đổi. HS cũng sẽ được hưởng niềm vui và có hạnh phúc.
Theo ông Đặng Tự Ân, mỗi nhà trường hãy bắt đầu từ hiệu trưởng để cùng nhau thảo luận rồi thực hiện khung tiêu chí, gồm 3 nhóm, do UNESCO đưa ra về những gì có thể xây dựng để mỗi nhà trường trở thành THHP:
Thứ nhất, về con người, bao gồm các mối quan hệ có liên quan trong trường, như: Tình bạn học đường giữa các HS; HS quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau; Tình thương và sự bao dung của người thầy với HS. Các em cần nhiều hơn nụ cười hiền hậu của thầy cô; Giúp HS có nhu cầu đặc biệt và theo đuổi ước mơ; Cộng đồng hỗ trợ thiết thực cho trường; Khuyến khích cha mẹ học sinh tham gia toàn diện và thường xuyên với trường. Tin tưởng nhà trường và kính trọng GV; Lãnh đạo trường bình đẳng, tôn trọng và giao quyền tự chủ nhiều cho GV và HS.
Thứ hai, về quá trình, bao gồm các phương pháp dạy học, như: Học nhóm; Nội dung học tập có liên hệ với thực tiễn; Khối lượng học tập hợp lý, giảm áp lực cho HS; HS tự do bày tỏ ý kiến và được phép mắc lỗi trong học tập; Tổ chức hoạt động học thú vị và lôi cuốn; GV thường xuyên phản hồi tới HS, lắng nghe cảm xúc các em; Tăng cường hoạt động trải nghiệm trong lớp và ngoài nhà trường; Học ở ngoài thiên nhiên và trong xã hội.
Thứ ba, về địa điểm học, bao gồm các yếu tố về môi trường, như: HS được chơi ngoài trời, gần gũi thiên nhiên, cây xanh; Khung cảnh nhà trường đẹp và bắt mắt; Trường lớp ấm áp và thân thiện; An toàn và không cạnh tranh, không căng thẳng và không mất vệ sinh; Dinh dưỡng cho học sinh được đảm bảo; Nhu cầu HS ngày càng được đáp ứng.