Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện
Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong.
Con số này cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện.
So với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ như An Giang và Cần Thơ, số ca lao phát hiện và tỷ lệ mắc lao trên dân số năm 2023 lần lượt là 5.467 (270/100.000 dân) và 2.713 (218/100.000 dân). Trong một số khu vực, nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao, khoảng 400 - 500/100.000 dân.
Số người mắc lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Năm 2023, nước ta phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể. Như vậy, sẽ có trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019. Con số này đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Rào cản trong chẩn đoán bệnh lao
Hiện nay, khả năng tiếp cận chẩn đoán bệnh lao vẫn là một rào cản đáng kể đối với việc chăm sóc và điều trị lao. Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, các phương pháp chẩn đoán lao hiện nay bộc lộ nhiều mặt hạn chế về thời gian, độ nhạy, chi phí và loại mẫu bệnh phẩm.
Hầu hết các chẩn đoán lao vẫn hạn chế khi áp dụng cho bệnh nhân mắc lao ngoài phổi, lao phổi ít vi khuẩn, hay bệnh nhân HIV... Do đó, việc nghiên cứu, phát triển xét nghiệm mới để chẩn đoán bệnh lao sử dụng bệnh phẩm không phải lấy mẫu đờm cho các nhóm trên rất cần thiết.
Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, phát hiện bệnh lao dựa trên lấy mẫu đờm khiến việc chẩn đoán kéo dài vài ngày, thậm chí vài tuần. Điều đó dẫn tới việc người bệnh không được xét nghiệm, chẩn đoán lao kịp thời, làm gia tăng số ca tử vong do bệnh lao.
Việc phát triển nhiều công cụ chẩn đoán lao mới, sử dụng các loại mẫu bệnh phẩm mới mở ra cơ hội cho xét nghiệm nhanh, dễ dàng và có thể triển khai tại cơ sở y tế hoặc trong cộng đồng. Từ đó, giúp tăng cường khả năng tiếp cận người bệnh và sàng lọc lao nhanh chóng, cho phép hệ thống y tế tối ưu hóa nỗ lực phòng chống lao.
Chẩn đoán nhanh còn giúp làm giảm được tỷ lệ mất dấu, giảm yêu cầu truy tìm bệnh nhân để thông báo kết quả xét nghiệm, giảm nguy cơ phát tán lây truyền bệnh, nhờ vậy cải thiện kết quả dự phòng và điều trị lao.
Chia sẻ kết quả nghiên cứu về một số mẫu bệnh phẩm mới trong chẩn đoán lao tại cơ sở y tế, TS Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, hai phương pháp sàng lọc bệnh lao mới là: Phết lưỡi và sử dụng nước tiểu để tìm vi khuẩn lao đang được thí điểm tại một số cơ sở y tế thuộc 4 tỉnh, thành phố có số ca mắc lao mới và tái phát hàng đầu là TP Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và An Giang.
Theo TS Hạnh, các phương pháp này có nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống. Đó là quy trình lấy mẫu nhanh, nguy cơ lây nhiễm thấp, tăng tiếp cận với xét nghiệm lao, phù hợp với chiến dịch sàng lọc cộng đồng quy mô lớn...
Ngoài ra, phương pháp này cũng phù hợp với những bệnh nhân ốm nặng; những người không thể khạc đờm như người già và nhóm dễ bị bỏ sót là trẻ em; bệnh nhân HIV... Hiện, các nghiên cứu tiếp tục được thực hiện để đánh giá độ nhạy của phương pháp.
TS Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Văn phòng FIND Việt Nam - tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực y tế cho biết, việc nghiên cứu và áp dụng các phương pháp xét nghiệm lao mới, sử dụng mẫu bệnh phẩm khác ngoài xét nghiệm đờm là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thanh toán bệnh lao.
Hiện tại, Chương trình Chống lao quốc gia đang triển khai nhiều sáng kiến tiếp cận kỹ thuật mới, mang tính chiến lược, bao gồm hoạt động phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế.
Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp, nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở, trong đó có cán bộ làm công tác chống lao.
Chương trình Chống lao quốc gia sẽ triển khai các hoạt động phát hiện tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng động và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, cùng các tỉnh/thành phố tham mưu, vận dụng có hiệu quả các văn bản/hướng dẫn về tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh, mua sắm thuốc lao hàng 1 sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, áp dụng công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử.
Tăng cường công tác huy động nguồn lực bền vững trong nước và quốc tế, triển khai hiệu quả Kế hoạch chiến lược phòng chống lao nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.