(GD&TĐ)-Thời gian qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đem lại hiệu quả tích cực, hầu hết người dân trên cả nước ngày càng ưa chuộng hàng Việt hơn bởi được tiếp cận những mặt hàng có mẫu mã phong phú, chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Trong các phiên chợ hàng Việt công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn về chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước được coi trọng (ảnh MH) |
Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) tham gia 50 đợt bán hàng về nông thôn, 5.000 DN tham gia bán hàng tại 50 hội chợ triển lãm...
Kết quả cho thấy, người tiêu dùng đến tham quan, mua hàng tại các phiên chợ hàng Việt tăng lên đáng kể. Doanh thu của các doanh nghiệp cũng đạt những con số kỷ lục. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi tư duy của người tiêu dùng Việt Nam
Đặc biệt, với mục tiêu đưa hàng Việt về nông thôn, đã có 67 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại 23 tỉnh thành trên cả nước (4 tỉnh miền Bắc, 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, 15 tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ) với tổng doanh thu qua các hội chợ đạt được là 57.244 tỉ đồng. Hầu hết các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, đã thu hút được 1.005.350 lượt người đến tham quan và mua sắm ….
Thông qua các phiên chợ hàng Việt chợ, công tác đào tạo về kỹ năng bán hàng, tuyên truyền để người dân hiểu hơn về chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước cũng đã được đẩy mạnh.
Có thể nói, với việc đẩy mạnh Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang góp phần làm thay đổi đáng kể trong tâm lý mua sắm của người tiêu dùng nội, từ hơn 70% số người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại, đến nay gần 60% số người tiêu dùng đã chuyển sang ưu tiên hàng Việt Nam.
Để tăng cường hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành Công Thương tăng cường nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối để đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Trong thời gian tới, Chính phủ cho phép Bộ Công Thương xây dựng, triển khai "Đề án Quốc gia về phát triển thương mại nội địa" thông qua liên kết với một số ngành dịch vụ như du lịch, tài chính, vận tải… Từ đó củng cố xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt Nam đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giảm nhập siêu.
Đồng thời tiếp tục tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Cuộc vận động tại một số địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phổ biến các sáng kiến, chương trình có hiệu quả cho các địa phương và doanh nghiệp.
Xuân Hương