Hàng triệu học sinh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

GD&TĐ - WEF ghi nhận vai trò lãnh đạo trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của 3,4 triệu học sinh, giáo viên từ 149 quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Sự kiện sự kiện Green Day Run do Trường Phổ thông liên cấp Việt Úc (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức
Sự kiện sự kiện Green Day Run do Trường Phổ thông liên cấp Việt Úc (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức

Ngày 17/1, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận Dự án Hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu (Climate Action Project - CAP) là một trong những Ngọn hải đăng (Lighthouse) trong Giáo dục 4.0, một trong 16 mô hình hợp tác công tư về đổi mới sáng tạo với những nỗ lực hình dung, tư duy lại trải nghiệm học tập của trẻ em.

Diễn đàn WEF diễn ra từ 16-20/1/2023 tại Davos, Thụy Sỹ với sự tham gia của 2.700 nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh và văn hóa đã ghi nhận vai trò lãnh đạo của 3,4 triệu giáo viên, học sinh tham gia dự án CAP.

TS. Jennifer Williams, Đồng sáng lập tổ chức Take Action Global (TAG) - tổ chức phi lợi nhuận đã khởi xướng dự án CAP - cho biết: Những người trẻ trên toàn thế giới đang chứng kiến biến đổi khí hậu và muốn hành động ngay.

Các em hiểu sức mạnh của hành động tập thể và vai trò không thể thiếu của chính mình trong việc tạo ra thay đổi ở cấp độ toàn cầu. Hành động của các em đã làm cho sự ghi nhận Dự án CAP như Ngọn Hải đăng của WEF càng thêm sáng chói.

Dự án CAP là chương trình miễn phí quy tụ hàng nghìn lớp học từ mầm non đến khối 12 trên toàn thế giới để cùng tìm hiểu về biến đổi khí hậu và kiến thức về bảo vệ môi trường.

Trong chương trình kéo dài suốt 6 tuần, giáo viên sử dụng sách hướng dẫn và các kế hoạch bài giảng gợi ý được cung cấp bằng 16 ngôn ngữ (trong đó có tiếng Việt) nhằm hướng dẫn học sinh các hoạt động hàng tuần.

Trong tuần cuối cùng, cả thầy cô và học trò sẽ cùng tham gia hưởng ứng ngày Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là một sự kiện toàn cầu trực tuyến, nơi mà học sinh có thể đặt câu hỏi và chia sẻ trải nghiệm học tập, hành động ứng phó biến đổi khí hậu của mình với các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu và các nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi.

Các ví dụ về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu bao gồm: Học sinh ở Malawi đã trồng 60 triệu cây để cứu một hồ nước. Học sinh ở Mỹ đã làm một vali cung cấp năng lượng mặt trời và chuyển đến một trại tị nạn ở Kenya nơi vali này cung cấp điện miễn phí cho một trường học kết nghĩa.

Học sinh ở Canada đã phát triển được các bóng điện sử dụng năng lượng mặt trời với chi phí thấp và chuyển đến khu nhà ổ chuột ở Kenya để thắp sáng miễn phí cho 200 hộ gia đình.

Học sinh Bồ Đào Nha làm máy tái chế nhựa và biến rác thải nhựa thành bát, dao dĩa để dùng khi ăn uống.

Lớp 10A6 tham gia dự án “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” do cô Nguyễn Thị Thúy Hằng phụ trách.
Lớp 10A6 tham gia dự án “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” do cô Nguyễn Thị Thúy Hằng phụ trách.

Tại Việt Nam, dự án CAP được chia sẻ đến các thầy cô thông qua Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam do Microsoft khởi xướng, duy trì. CAP đã thu hút các giáo viên giảng dạy môn học liên quan đến chủ đề môi trường, biến đổi khí hậu và yêu thích ứng dụng công nghệ.

Tới nay, dự án có gần 200 giáo viên đăng ký tham gia trong vòng 6 năm qua, mang đến cơ hội tham dự cho hàng nghìn học sinh từ hàng chục trường học ở nhiều tỉnh, thành phố.

Cô Nguyễn Thị Liễu, Trường Phổ thông liên cấp Việt Úc (TP.Hồ Chí Minh), Đại sứ của dự án CAP cho biết: Năm nay là năm thứ 4 giáo viên, học sinh nhà trường tham gia dự án toàn cầu này. Đến nay CAP đã thu hút 2.000 học sinh, 300 giáo viên toàn trường tham gia. Tiêu biểu là sự kiện Green Day Run, tổ chức năm 2022. Tại sự kiện, nhà trường đã kêu gọi mỗi người đóng góp 1 cây xanh trồng ở rừng phòng hộ Cần Giờ. Số lượng quyên góp được lên tới 4.000 cây cóc trắng, trong đó 100 cây đã được chính các học sinh đến trồng trong chuyến dã ngoại.

Cô Nguyễn Thúy Hằng, Trường THPT chuyên Điện Biên (tỉnh Điện Biên) thì triển khai dự án đến học sinh lớp 10A6. Qua đó, học sinh trong lớp đã có những hoạt động thiết thực liên quan đến tái chế, tái sử dụng, chủ động cùng giáo viên triển khai giao lưu với học sinh đến từ Italia, Ấn Độ. Cô Thúy Hằng và đại diện học sinh lớp 10A6 cũng được mời chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo mang tên “Học sinh với lối sống xanh, hành vi xanh” do Bộ GD&ĐT, UNICEF Việt Nam tổ chức vào 25/11/2022 tại Hòa Bình.

Nguyễn Thị Thu Quyên, học sinh lớp 10A6 chia sẻ: Trong suốt dự án, chúng em được giao lưu với bạn bè, thầy cô đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Quan trọng hơn, chúng em đã thảo luận và đưa ra rất nhiều phương án thiết thực nhằm ứng phó với sự biến đổi khí hậu trên phạm vi từ địa phương đến toàn cầu. Với chúng em, đây là trải nghiệm đáng quý và rất giá trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.