Thời gian qua, tại Thanh Hóa, hàng trăm mô hình cây trồng, vật nuôi được xây dựng để giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng phần lớn đều không phát huy hiệu quả.
Giai đoạn 2016 - 2020, tại 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, đã có 206 mô hình được xây dựng với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ đầu tư gần 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình đã bị “khai tử” hoặc lay lắt, chưa đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào miền núi như kỳ vọng. Cụ thể, chỉ có 49 mô hình cho thu nhập, chiếm 24% mô hình được xây dựng.
Nhiều mô hình “chết yểu”
Năm 2016, 14 hộ dân thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh) được hỗ trợ giống và phân bón để phát triển mô hình trồng dược liệu là cây nghệ với tổng diện tích 6ha. Chính quyền địa phương làm cầu nối để các hộ dân ký hợp đồng với Công ty CP Nghệ Việt - một doanh nghiệp chế biến tinh bột nghệ và Curcumin ở huyện Thạch Thành.
Mọi khâu triển khai mô hình, tập huấn kỹ thuật đều đúng như kế hoạch, cả chính quyền địa phương cùng các hộ dân đều kỳ vọng vào hiệu quả của giống cây trồng mới.
Ngay năm đầu, các hộ nhập cho công ty với giá 14.000 đồng/kg, thu nhập tương đương 140 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn keo, sắn và những cây trồng tại địa phương trước đó. Thấy hiệu quả, mỗi năm người dân lại tự ý phá bỏ các cây trồng truyền thống để trồng nghệ. Đến năm 2019, tổng diện tích lên đến 21ha.
Sau đó không lâu, phía doanh nghiệp liên kết thông báo không thu mua nữa do một số nguyên nhân, trong đó có việc người dân không thực hiện cam kết bán sản phẩm như ban đầu, tự phát triển diện tích ngoài kế hoạch của công ty. Hết thời kỳ “sốt giá”, thương lái không về mua nữa khiến sản phẩm nghệ ế ẩm phải đổ bỏ. Hiện số diện tích này đã được người dân phá bỏ trồng keo và xoan.
Cũng tại địa phương này, năm 2017, 10 hộ nghèo được hỗ trợ giống và phân bón với tổng kinh phí ban đầu 64 triệu đồng để trồng hoa thiên lý với diện tích 1 sào/hộ nhằm xóa nghèo. Năng suất vẫn đạt nhưng khó bán sản phẩm nên chưa đầy một năm, các hộ dân đã phải phá bỏ.
Không chỉ mô hình cây giống, năm 2018, 38 gia đình nghèo tại huyện Lang Chánh được hỗ trợ 108 con dê giống, nhưng chỉ sau một năm, qua khảo sát cho thấy 42 con dê đã chết. Nguyên nhân được xác định là do nhận thức và kỹ thuật chăm sóc của người dân còn hạn chế.
Còn tại huyện Bá Thước, thống kê từ Phòng Dân tộc, UBND huyện Bá Thước, riêng giai đoạn 2018 - 2020 có 1.667 lượt hộ dân trên địa bàn được hỗ trợ tham gia các mô hình phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng (gồm cả phần đối ứng của các địa phương và hộ dân), chủ yếu là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng (huyện Bá Thước) nhiều mô hình từ các chương trình, dự án như: 135, 30a, xây dựng nông thôn mới hiệu quả không cao. Riêng với các mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò, lợn, trâu, đến nay chỉ còn khoảng 50% mô hình còn duy trì...
Trên đây là 2 trong số 11 huyện miền núi của Thanh Hóa được hỗ trợ các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế mà không đạt được mục tiêu đề ra.
Thất bại của các mô hình trên được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nguyên nhân chính là do các mô hình phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, sản phẩm phục vụ tự cung tự cấp tại địa phương, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị và chưa có nhiều sản phẩm bán ra thị trường, chưa thực sự phát huy được sản phẩm lợi thế của các huyện miền núi...
Đoàn kinh tế Quốc phòng 5 Quân khu 4 hỗ trợ dê giống cho đồng bào vùng dự án KTQP huyện Mường Lát. |
Lợi thế lớn nhưng chưa phát huy hết tiềm năng
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: “Về đối tượng và phạm vi thực hiện đề án là đồng bào dân tộc vùng miền núi là rất rộng nhưng nguồn kinh phí thực hiện cho đề án là rất hạn chế. Vì vậy, đề án cần đi sâu tìm tòi những mô hình có chọn lựa trọng điểm, để xem xét đầu tư phát triển”.
Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phê duyệt Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa” với tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án hơn 230 tỷ đồng. Trong đó gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách.
Dự kiến, đề án thực hiện thành công sẽ tạo sinh kế với giá trị hàng hóa giai đoạn 2022 - 2025 gần 500 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách của địa phương thông qua thuế; xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trở lên...
Từ đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc sản phục vụ du lịch; giải quyết việc làm cho nông dân (khoảng 3.500 người), tăng thu nhập, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn và phát triển dược liệu, nguồn nông sản sạch giúp tăng cường sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ngoài việc hỗ trợ vốn, giống, vật tư của các cơ quan chức năng, cần phải tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ, tập huấn sâu, kỹ từng mô hình đối với bà con.
Đồng thời, phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm khi được hỗ trợ con giống, vật nuôi, triệt tiêu tư tưởng ỷ lại, nêu cao ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững cho bà con.
Còn theo ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT, toàn bộ khu vực miền núi của tỉnh đều có lợi thế lớn để phát triển cây dược liệu, nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng.
Nhiều loài cây có giá trị như: Sâm cau, sâm cát, sâm báo, ba kích, sa nhân, xạ đen, dổi ăn hạt... đã phát triển nhiều đời nay trên thực tế nhưng chỉ rải rác nhỏ lẻ, cần có các dự án, chương trình để phát triển thành những vùng đại trà hay các mô hình dược liệu trồng xen dưới tán rừng.